Khắc phục khó khăn trong khuyến công

08:01 - Thứ Tư, 23/06/2021 Lượt xem: 4457 In bài viết

ĐBP - Những năm qua, hoạt động khuyến công đã thúc đẩy công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh phát triển; góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tạo việc làm cho nhiều lao động tại địa phương. Tuy nhiên hiện trạng công tác khuyến công của tỉnh còn gặp nhiều khó khăn như: Việc hỗ trợ các dự án đầu tư, phát triển sản xuất, xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, ứng dụng, cải tiến, đổi mới thiết bị, công nghệ vào sản xuất còn hạn chế do nguồn vốn hạn hẹp.

Công nhân Công ty TNHH Tư vấn và Đầu tư xây dựng Việt Á vận hành thiết bị hiện đại được hỗ trợ từ nguồn vốn khuyến công.

Giai đoạn 2016 - 2020, thông qua các đề án hỗ trợ, công tác khuyến công đã giúp các cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh cải thiện sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Từ nguồn vốn khuyến công đã có 29 doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn được hỗ trợ máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất như: Hỗ trợ ứng dụng máy móc tiên tiến trong sản xuất gỗ công nghiệp cho Công ty TNHH Tư vấn và Đầu tư xây dựng Việt Á; hỗ trợ máy móc thiết bị trong sản xuất cà phê cho Công ty TNHH Hải An; hỗ trợ máy móc cho Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Trường Hải trong sản xuất đồ kim loại; hỗ trợ các cuộc bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh; tập huấn tác động cuộc cách mạng công nghiệp 4.0… Cùng với việc hỗ trợ máy móc, công tác khuyến công tỉnh tập trung vào việc tư vấn phát triển công nghiệp (tư vấn dịch vụ; cụm công nghiệp; tiết kiệm năng lượng; sản xuất sạch). Kết quả đã thực hiện 11 dự án tư vấn phát triển công nghiệp như: Khảo sát, thiết kế khai thác mỏ đá, mỏ than; tổ chức 2 dự án đào tạo nghề thợ bắn nổ mìn cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp; triển khai dự toán chi phí tổ chức lập quy hoạch chi tiết xây dựng cụm công nghiệp hỗn hợp Mường Ảng; điều tra, thu thập số liệu thống kê về tình hình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đối với 46 cơ sở sản xuất công nghiệp và 46 cơ sở lưu trú…

Hoạt động trong các lĩnh vực tư vấn, đầu tư xây dựng, nội thất, Công ty TNHH Tư vấn và Đầu tư xây dựng Việt Á được hỗ trợ thiết bị, máy móc trong lĩnh vực nội thất. Để đáp ứng mục tiêu sản xuất, năm 2020 Công ty đã được hỗ trợ 350 triệu đồng đầu tư mua máy CNC tiện, khắc gỗ (trong tổng đầu tư 750 triệu đồng) từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia. Sự hỗ trợ kịp thời đã giúp Công ty hoàn thiện dây chuyền thiết bị, giảm sức lao động con người; nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng tốt nhu cầu thị trường.

Ông Nguyễn Bá Việt, Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn và Đầu tư xây dựng Việt Á cho biết: Trước đây khi chưa ứng dụng máy móc hiện đại vào sản xuất, lĩnh vực nội thất của Công ty gặp không ít khó khăn, hiệu suất lao động không cao, chất lượng sản phẩm hạn chế, chi phí nhân công lớn, mất nhiều thời gian... Khi được Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh hỗ trợ vốn đầu tư máy móc đã góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, chi phí nhân công giảm 90%.

Bên cạnh những kết quả tích cực, trong quá trình triển khai chương trình khuyến công còn gặp nhiều khó khăn, nhất là nguồn kinh phí hạn hẹp. Ông Phạm Xuân Trường, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp (Sở Công Thương) cho biết: 5 năm qua, tổng kinh phí thực hiện hỗ trợ mua sắm máy móc thiết bị tiên tiến đầu tư cho sản xuất kinh doanh chỉ có gần 5,7 tỷ đồng. Do đó chỉ hỗ trợ cho 29 đơn vị, doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn. Nguồn vốn hạn hẹp nên một số nội dung khuyến công chưa thực hiện được, như: Hỗ trợ liên doanh, liên kết, hợp tác phát triển kinh tế, phát triển cụm công nghiệp; hỗ trợ thành lập các hiệp hội ngành nghề; đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cụm công nghiệp (hiện nay chưa có cụm công nghiệp nào được đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật). Bên cạnh đó, thực trạng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh quy mô nhỏ lẻ, cụm công nghiệp đang trong giai đoạn hình thành, ngành nghề phát triển không tập trung; một số cơ sở công nghiệp nông thôn còn hạn chế năng lực tài chính… nên công tác thu hút đầu tư hỗ trợ gặp nhiều khó khăn. Trong quá trình xây dựng và triển khai đề án, công tác phối hợp đối với một số đơn vị thụ hưởng không thực hiện theo đúng dự án đã được phê duyệt phải điều chỉnh, ngừng thực hiện…

Nhằm từng bước khắc phục những khó khăn trên, thời gian tới Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp đã đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp cho công tác khuyến công giai đoạn 2021 - 2025 với kinh phí thực hiện dự kiến khoảng 23,25 tỷ đồng. Nguồn kinh phí này sẽ được sử dụng để hỗ trợ thành lập doanh nghiệp cho 8 cơ sở công nghiệp nông thôn; xây dựng 5 mô hình trình diễn sản phẩm mới, công nghệ mới; 5 mô hình đang hoạt động hiệu quả cần nhân rộng; hỗ trợ 30 cơ sở đầu tư cải tiến, ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến trong sản xuất; tổ chức bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp huyện, tỉnh. Chú trọng hỗ trợ các ngành, nghề đang có xu hướng phát triển; tập trung chỉ đạo giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp; cải cách thủ tục hành chính, giúp doanh nghiệp ổn định phát triển… Việc hỗ trợ sẽ được thực hiện theo nguyên tắc ưu tiên cho các chương trình, dự án phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu; sản phẩm thuộc chương trình phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực, mũi nhọn. Ưu tiên hỗ trợ cho chương trình triển khai tại các huyện nghèo, vùng cao, đồng bào dân tộc thiểu số; các xã trong kế hoạch thực hiện chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Trong đó, một số ngành sẽ được đặc biệt ưu tiên như: Công nghiệp chế biến nông - lâm - thủy sản; công nghiệp cơ khí, hóa chất phục vụ nông nghiệp nông thôn; công nghiệp hỗ trợ, sản xuất các sản phẩm có thị trường xuất khẩu; sản xuất sản phẩm sử dụng nguyên liệu tại chỗ...

Bài, ảnh: Thành Đạt
Bình luận
Back To Top