Điện Biên gỡ “nút thắt” 2 dự án trọng điểm (bài 1)

08:57 - Thứ Tư, 23/06/2021 Lượt xem: 6275 In bài viết

ĐBP - Dự án Bổ sung đoạn tuyến nối từ đường Võ Nguyên Giáp đến khu tái định cư (TĐC) phường Noong Bua, TP. Điện Biên Phủ (gọi tắt là Dự án Đường 60m) và Dự án Hạ tầng kỹ thuật khung khu trụ sở cơ quan, khu công cộng, khu thương mại dịch vụ dọc trục đường 60m (Hạ tầng kỹ thuật khung) là 2 dự án trọng điểm của tỉnh trên địa bàn TP. Điện Biên Phủ. Mục tiêu của 2 dự án khi hoàn thành nhằm hoàn chỉnh hạ tầng giao thông để kết nối trung tâm hành chính TP. Điện Biên Phủ với trung tâm hành chính - chính trị tỉnh và các khu vực lân cận; hình thành khu đa chức năng, khu trung tâm hành chính mới, góp phần ổn định cuộc sống người dân và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh. Sau nhiều năm triển khai không đảm bảo tiến độ bởi chủ yếu “vướng” khâu giải phóng mặt bằng (GPMB), đền bù, hỗ trợ TĐC. Tuy nhiên khí thế làm việc mới được thổi bùng khi có sự vào cuộc quyết liệt, quyết tâm của cấp ủy, chính quyền từ tỉnh tới cơ sở; khó khăn, vướng mắc đang từng bước được tháo gỡ…

Lãnh đạo UBND TP. Điện Biên Phủ, cán bộ Trung tâm Quản lý đất đai TP. Điện Biên Phủ gặp gỡ, vận động người dân tổ dân phố 18, phường Him Lam bàn giao mặt bằng để thi công Dự án Hạ tầng kỹ thuật khung.

Bài 1:  Chậm tiến độ

Dự án Đường 60m được UBND tỉnh phê duyệt đầu tư năm 2015, với tổng mức đầu tư 350 tỷ đồng từ nguồn vốn Dự án Di dân, tái định cư Thủy điện Sơn La và vốn đầu tư ngân sách tỉnh. Dự án Hạ tầng kỹ thuật khung được phê duyệt chủ trương đầu tư năm 2016, với tổng mức đầu tư hơn 279 tỷ đồng. Hạ tầng kỹ thuật khung là dự án thuộc đối tượng Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia công cộng. Cả 2 dự án này đều do UBND TP. Điện Biên Phủ làm chủ đầu tư và có ý nghĩa hết sức quan trọng trong xây dựng và triển khai khu trung tâm chính trị, hành chính mới của tỉnh theo quy hoạch, tạo kết nối hạ tầng giao thông và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung và TP. Điện Biên Phủ nói riêng. Tuy nhiên tiến độ thực hiện cả 2 dự án đều rất chậm, không đảm bảo kế hoạch đề ra.

Dự án Đường 60m với quy mô xây dựng mới, đồng bộ các công trình hạ tầng kỹ thuật (nền, mặt đường, hệ thống cấp thoát nước, hệ thống chiếu sáng, cây xanh, biển báo an toàn giao thông...) phù hợp với quy hoạch xây dựng TP. Điện Biên Phủ. Toàn tuyến có chiều dài 1,58km, trong đó trục chính hơn 1,4km; nền đường rộng 60m; tuyến nhánh gần 185m, rộng 20,5m. Tổng diện tích đất thu hồi thi công theo quy hoạch là 10,81ha với 289 thửa đất các loại; tổng số 196 hộ bị thu hồi đất; tiền bồi thường, hỗ trợ đất đai, tài sản toàn dự án trên 122,2 tỷ đồng. Theo kế hoạch, thời gian hoàn thành Dự án đường 60m (trước khi có quyết định điều chỉnh ngày 9/6/2021 của UBND tỉnh) trong năm 2020, tuy nhiên đến ngày 1/6/2021 mới có 157 hộ/213 hộ gia đình và tổ chức bàn giao mặt bằng; diện tích đã giải phóng mặt bằng (GPMB) đạt 88.477,1m2/105.582m2 (đạt 83,8%). TP. Điện Biên Phủ đã phê duyệt phương án TĐC cho 93 hộ và 69 đối tượng giao đất có thu tiền không thông qua hình thức đấu giá; đã giao đất 92 trường hợp; hoàn thành công tác thi công thảm Atphan đoạn từ nút giao A31 đến nút B09 với chiều dài 665m (Đường 60m) và đoạn từ B09 đến N20 dài 184m (đường 20,5m), lũy kế khối lượng hoàn thành xây lắp đạt 60%.

Dự án Hạ tầng kỹ thuật khung diện tích cần thu hồi để thực hiện là 20,17ha của 369 hộ gia đình và tổ chức. Đã tiến hành đo đạc, kiểm đếm đối với 328/369 hộ (có 6 hộ phát sinh sau thời điểm đủ điều kiện chia tách hộ) với diện tích 18,37ha; diện tích còn lại 1,81ha chưa đo đạc, kiểm đếm (chiếm 8,9% tổng diện tích cần thu hồi của 31 hộ gia đình). Tổ chức lập, thẩm định và phê duyệt 80 phương án bồi thường cho 325/369 hộ, diện tích 15,5ha với số tiền 150 tỷ đồng. Đã chi trả tiền bồi thường cho 232 hộ với tổng số tiền hơn 102,5 tỷ đồng; đã có 242/369 hộ bàn giao mặt bằng; diện tích đã GPMB 12,2ha/20,17ha (đạt 59,5%). Thành phố đã phê duyệt phương án TĐC cho 104 hộ và 183 đối tượng giao đất có thu tiền không thông qua hình thức đấu giá; tiến hành giao đất TĐC cho 64 hộ/104 hộ tại điểm TĐC Khe Chít 1, 2; giao đất có thu tiền không thông qua hình thức đấu giá cho 136 hộ/183 hộ tại điểm tái định cư Khe Chít 1, 2. Chưa giao đất 87 trường hợp (trong đó giao đất TĐC cho 40 trường hợp, giao đất có thu tiền sử dụng đất 47 trường hợp). Tại điểm TĐC Phiêng Bua đã hoàn thành dung nạp 77 hộ; điểm TĐC số 1 thi công đạt khoảng 6%; dung nạp 59 hộ; điểm TĐC số 3 thi công đạt khoảng 80% (hoàn thành 100/134 ô đất để giao đất TĐC cho các hộ gia đình) còn điểm TĐC số 2 dung nạp 42 hộ, nhưng chưa triển khai thi công. Diện tích chưa GPMB là 8,57ha/20,17ha của 127 hộ gia đình, bằng 42,4% tổng diện tích phải GPMB. Trong đó chưa kiểm đếm 31 hộ, với 1,81ha. Nguyên nhân là chưa có quyết định thu hồi đất; các hộ không nhất trí làm dự án. 60 hộ gia đình chưa nhận tiền đền bù phần vì chưa có đất TĐC, phần cho rằng giá bồi thường thấp, đề nghị làm xong Đường 60m mới nhận tiền và bàn giao mặt bằng. Và còn tới 28 hộ đã nhận tiền đền bù nhưng chưa bàn giao mặt bằng. Người dân đề nghị giải quyết hết tồn tại, vướng mắc của Đường 60m mới đồng ý cho đo đạc, kiểm đếm; không đồng ý thực hiện truy thu nghĩa vụ tài chính theo Kết luận 18 của Tỉnh ủy. Một bộ phận người dân đề nghị giao thêm đất TĐC cho con không phải nộp tiền sử dụng đất; phải được đền bù theo giá đất năm 2021; đề nghị xem xét lại đơn giá bồi thường về tài sản, đất TĐC được giao phải bám mặt đường 60m. Thêm nữa năm 2021 dự án chưa được bố trí vốn nên gặp khó khăn trong công tác đền bù cho các hộ và tiếp tục triển khai dự án hoàn thành trong năm 2021 (vốn còn thiếu cho dự án hơn 116,2 tỷ đồng; vốn còn thiếu so với khối lượng hoàn thành trên 43 tỷ đồng).

Tương tự những khó khăn, vướng mắc của Dự án Hạ tầng kỹ thuật khung, Dự án Đường 60m còn 55 hộ chưa GPMB với diện tích 17.104,9m2 chưa GPMB (chiếm 16,2% tổng diện tích phải GPMB). Cụ thể còn 29 hộ chưa nhận tiền với lý do đưa ra là giá bồi thường thấp, đề nghị cấp đất TĐC cho con (giao đất có thu tiền sử dụng đất không qua đấu giá); 26 hộ đã nhận tiền nhưng chưa bàn giao mặt bằng với lý do chưa có đất TĐC.

Lý giải những nguyên nhân dẫn tới chậm tiến độ của 2 dự án nói trên, ông Lê Tiến Dũng, Chủ tịch UBND TP. Điện Biên Phủ cho biết, nguyên nhân chủ yếu là việc triển khai đồng thời cả dự án TĐC và Dự án đường 60m, Dự án Hạ tầng kỹ thuật khung; bởi thông thường phải có dự án TĐC trước. Trong khi đó chính sách áp dụng của 2 dự án theo 2 khung chính sách khác nhau, mặc dù đã được liên ngành và UBND TP. Điện Biên Phủ tham mưu cho UBND tỉnh ban hành bổ sung các chính sách để đạt được mức tương đương. Bên cạnh đó Chủ tịch UBND TP. Điện Biên Phủ cũng thẳng thắn thừa nhận tinh thần làm việc, trách nhiệm, năng lực của một bộ phận công chức, viên chức còn hạn chế; một bộ phận người dân không đồng thuận thực hiện dự án, còn nhiều ý kiến thắc mắc về chế độ chính sách (đơn giá bồi thường thấp, đề nghị giao đất TĐC...).

Ông Lê Thành Đô, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, để xảy ra tình trạng một bộ phận nhân dân không đồng tình ủng hộ thực hiện 2 dự án, thể hiện sự yếu kém trong công tác tuyên truyền. Bởi đây là 2 dự án có nhiều cơ chế chính sách rất tốt. Việc chậm trễ tiến độ đã để lại nhiều hậu quả khi phải điều chỉnh lại thời gian thực hiện của Dự án đường 60m, thiếu hơn 60 tỷ đồng so với tổng mức đầu tư.

Bài 2: Cấp ủy, chính quyền vào cuộc quyết liệt

Bài, ảnh: Minh Thùy
Bình luận
Back To Top