Phương án nào cho hơn 47ha rừng thông ở Ẳng Tở?

19:58 - Thứ Năm, 24/06/2021 Lượt xem: 6694 In bài viết

ĐBP - Những ngày qua, việc 47,18ha rừng thông thuộc bản Bua 1, Bua 2 (xã Ẳng Tở, huyện Mường Ảng) có được khai thác trắng (chặt toàn bộ) hay không thu hút dư luận quan tâm. Để trả lời cho vấn đề này có lẽ cần dựa trên cả tình hình thực tế địa bàn, hiện trạng rừng, cơ sở pháp lý và đánh giá tác động lâu dài.

Cán bộ kiểm lâm địa bàn và đại diện bản Bua 1, Bua 2 cùng Tổ quản lý, bảo vệ rừng của bản đi thực địa kiểm tra hiện trạng rừng.

Hưởng lợi từ rừng

47,18ha rừng thông bản Bua là rừng sản xuất được trồng từ năm 2005 theo Chương trình dự án 661 (nguồn vốn ngân sách Nhà nước), do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu. Diện tích này được giao đất, giao rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho cộng đồng bản Bua (hiện là Bua 1 và Bua 2) quản lý, bảo vệ từ năm 2015 và đã được hưởng chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng từ năm 2013 đến nay (truy lĩnh). Hiện tại, khu vực này đang được chi trả 360.000 đồng/ha/năm, tức gần 17 triệu đồng/năm cho cả cánh rừng thông. Ngoài ra, 2 bản còn phối hợp quản lý, bảo vệ một số diện tích rừng tự nhiên, tổng được chi trả hơn 51 triệu đồng tiền dịch vụ môi trường rừng mỗi năm. Bà Nguyễn Thị Hồng, Bí thư bản Bua 1, cho biết: Số tiền này đã được Bua 1, Bua 2 bàn bạc thống nhất, dành riêng 20 triệu hỗ trợ các hoạt động quản lý, bảo vệ rừng, như: tuần tra, làm đường băng cản lửa hay huy động người dân tham gia các tình huống phát sinh... Số còn lại được sung quỹ bản, sử dụng cho các hoạt động cộng đồng. Số tiền không nhiều nhưng đã giúp bà con không phải lo nghĩ, dành dụm đóng góp để chi cho các công việc chung hay tổ chức các hoạt động khen thưởng khuyến học hàng năm…

Không chỉ hưởng lợi chi trả dịch vụ môi trường rừng mà hơn 300 hộ dân bản Bua 1, Bua 2 còn đang dẫn nguồn nước từ khu vực rừng thông về sử dụng trong sinh hoạt, sản xuất. Hiện có khoảng 30 ống dẫn nước từ các khe đồi về đến khu dân cư của bản. Ông Lường Văn Chương, Trưởng bản Bua 2, cho biết: “Xưa kia chưa có rừng thông này, cả vạt núi nhiều đất trống, đồi trọc, nương bỏ không. Hơn 10 năm về trước, khu vực dân cư chúng tôi thiếu nước trầm trọng, khe suối cạn, ruộng đã ít lại còn khô hạn. Nước sinh hoạt cũng thiếu thốn. Nhưng từ năm 2010 về đây, nước đã dồi dào hơn, người dân trồng được 2 vụ lúa. Cả bản có khoảng 7ha ruộng được dẫn nước tưới tiêu từ nguồn trên khu vực rừng thông và hơn 1 nửa bản sử dụng nguồn nước này cho sinh hoạt hàng ngày”.

Bà Lường Thị Bó, người dân trong bản cũng cho biết: “Gia đình tôi có 700m2 ruộng 2 vụ lấy nguồn nước từ khu vực rừng thông. Trước chỉ trồng 1 vụ, năm được năm mất. Nhưng từ khi có rừng, 10 năm nay thoải mái sản xuất 2 vụ, thu hoạch 13 – 14 bao thóc/năm. Nhà tôi có 8 khẩu mà chỉ có tổng hơn 1.000m2 ruộng, vì vậy rất cần rừng, cần nguồn nước để duy trì mùa vụ và đảm bảo cuộc sống”.

Cuộc họp giữa rừng với sự tham gia của Thường trực Huyện ủy, UBND huyện Mường Ảng, các phòng chuyên môn và đại diện xã, bản.

Hiện trạng rừng thông

Rừng thông bản Bua đã 16 năm tuổi. Bắt đầu từ năm 2015 cộng đồng bản Bua hợp đồng khai thác nhựa thông, có thêm nguồn thu từ đây. Tuy nhiên do việc khai thác chưa chuẩn quy cách, bài bản nên đã phải tạm dừng từ năm 2019 đến nay để cây phục hồi. Kiểm tra thực tế, ông Nguyễn Tiến Tâm, Hạt trưởng Hạt Kiểm Lâm Mường Ảng chỉ vào thân cây thông bị mất một mảng vỏ sau khai thác, cho biết: “Lớp vỏ thực bì của cây thông có thể mọc ra, “liền” lại dần dần sau một vài năm. Qua đo đạc, từ khi dừng khai thác, lớp vỏ thực bì mới đang phủ dần những chỗ trống trên thân cây, trung bình đã được 4cm mỗi phía và hiện tại cây vẫn phát triển, sinh trưởng tốt. Tuổi thọ cây thông từ 80 – 100 năm, vì vậy diện tích rừng thông này hoàn toàn có thể phục hồi”.

Tuy nhiên, cuối tháng 5, đầu tháng 6 mới đây, 1 doanh nghiệp ngoài địa bàn đặt vấn đề với người dân bản Bua 1, Bua 2 để thu mua cây thông, giá 150.000 đồng/cây đường kính 20cm trở lên. Với mong muốn tăng nguồn thu, nâng cao chất lượng cuộc sống, người dân 2 bản đã thống nhất trình lên UBND xã xin khai thác trắng rừng thông. Có một số thông tin cho rằng rừng thông đã thoái hóa, kiệt quệ, gãy đổ, bật rễ nhiều, nên cần nhanh chóng được cho khai thác, tránh lãng phí, đảm bảo giá trị kinh tế cây thông. Tuy nhiên, qua kiểm đếm thực tế với sự có mặt của kiểm lâm, lãnh đạo UBND xã, đại diện 2 bản (ngày 20/6), kết quả cho thấy trên diện tích 47,18ha, hiện tại có khoảng 500 cây thông gãy, đổ, chủ yếu là cây ngoài bìa rừng, vị trí đúng luồng gió lớn. Mật độ cây thông hiện là 2.000 – 2.500 cây/ha. Anh Lò Văn Dung, Tổ trưởng Tổ quản lý, bảo vệ rừng bản Bua 1, Bua 2, xác nhận: “Cây gãy, đổ do gió lốc, đúng là chỉ ở phía ngoài hoặc đỉnh đồi thông gió. Chỉ có một vài khoảng nhỏ có cây đổ chụm lại, còn đâu lẻ tẻ. Phần còn lại vẫn xanh tốt, vươn cao, phát triển bình thường. Chúng tôi thường xuyên tuần tra rừng, làm đường băng cản lửa hàng năm. Gần đây có tình trạng một vài cây bị khai thác nhựa trộm nhưng đã ngăn chặn kịp thời. Hiện rừng thông đang được 2 bản bảo vệ nghiêm ngặt”.

Có nên khai thác trắng

Như đã nêu phía trên, 47.18ha rừng thông bản Bua 1, Bua 2 có nguồn gốc hình thành do Nhà nước đầu tư toàn bộ, do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu. Vì vậy theo Điều 59 của Luật Lâm nghiệp, để khai thác lâm sản tại đây, chủ rừng phải lập hồ sơ khai thác lâm sản trình cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt nguồn vốn quyết định. Hồ sơ, trình tự khai thác thực hiện theo Điều 12, Thông tư 27/2018/TT-BNNPTNT, ngày 16/11/2018 quy định về quản lý, truy xuất ngồn gốc lâm sản. Theo đó, đối với toàn bộ diện tích rừng thông trên, cơ quan có thẩm quyền quyết định là Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Liên quan vấn đề này, ngày 18/6, Sở đã có văn bản số 1365/SNN-KL gửi UBND huyện Mường Ảng. Trong đó đề nghị “UBND huyện chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thuộc huyện phối hợp với UBND xã tuyên truyền, vận động người dân tham gia giữ rừng, bảo vệ tốt những diện tích rừng hiện có đã giao cho hộ gia đình, cộng đồng quản lý bảo vệ và được hưởng các chính sách”.

Video ghi nhận thực tế hiện trạng rừng thông tại bản Bua ngày 23/6/2021.

Để làm rõ vấn đề này, lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện Mường Ảng, các bộ phận chuyên môn liên quan, cùng lãnh đạo xã, Bí thư, Trưởng bản, Tổ quản lý bảo vệ rừng của 2 bản Bua đã cùng xuyên rừng kiểm tra thực tế. Sau khi “mắt thấy, tai nghe”, 1 cuộc họp đã diễn ra giữa rừng với sự chủ trì của ông Nguyễn Tiến Đạt, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện. Cuộc họp lắng nghe nguyện vọng, đề xuất của người dân; bàn bạc, thống nhất việc quản lý, bảo vệ rừng như thế nào để bảo vệ môi trường sinh thái, độ che phủ rừng, chống biến đổi khí hậu, đảm bảo cuộc sống cho người dân 2 bản. Tại đây, Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Hữu Hiệp cũng nhấn mạnh: “Hiện tỷ lệ che phủ rừng của huyện đạt 31,5%, thấp thứ 2 trên địa bàn toàn tỉnh, xã Ẳng Tở có tỷ lệ che phủ rừng đạt 23,19% thấp thứ 3 toàn huyện. Trong khi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện đề ra là đến năm 2025 đạt trên 34% tỷ lệ che phủ rừng. Hơn nữa hiện Đề án Trồng rừng sản xuất huyện Mường Ảng đang khó về nguồn vốn triển khai. Đây là bài toán nan giải nếu chúng ta không quyết giữ diện tích các rừng đã trồng. Nhưng điều đó không quan trọng bằng việc bảo vệ nguồn nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất cho toàn bộ bản Bua 1, Bua 2 phía dưới chân núi. Nếu không tuyên truyền cho người dân hiểu rõ thì sau khi khai thác, rất nhiều hộ dân sẽ không có nước sử dụng, nhiều diện tích lúa rơi vào tình trạng khô hạn”.

Khi đã hiểu các quy định pháp luật và đánh giá lại hiện trạng, vai trò quan trọng của rừng với cuộc sống, tất cả đại diện 2 bản đều thay đổi đề xuất ban đầu, từ khai thác trắng sang giữ rừng. Ông Lường Văn Nghiên, Trưởng bản Bua 1, nói rằng: “Tôi đã hiểu và nhất trí giữ lại rừng thông. Tôi sẽ tổ chức họp bản, tuyên truyền lại cho bà con đều biết để tạo sự đồng thuận cao”. Thậm chí khi có ý kiến về việc có thể xin chủ trương tận thu những cây gãy, đổ, anh Lường Văn Trường, Bí thư bản Bua 2 còn thẳng thắn: “Theo tôi không nên khai thác cả những cây gãy, đổ mà giữ nguyên như cũ. Nếu cho khai thác cây gãy, đổ có thể sẽ khó quản lý, người xấu lợi dụng chặt cây đang phát triển. Tốt nhất giữ nguyên hiện trạng”.

Chỉ đạo giữa rừng, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Nguyễn Tiến Đạt yêu cầu cấp ủy, chính quyền xã Ẳng Tở và các bản tổ chức họp tuyên truyền cho người dân hiểu mục đích, ý nghĩa, giá trị lâu dài của việc giữ rừng; công khai tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng; Hạt Kiểm lâm tham mưu cho huyện cùng với xã kiểm tra việc nhận, quản lý, sử dụng số tiền này. Đồng thời, giao UBND huyện chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn và UBND xã Ẳng Tở đánh giá lại toàn bộ hiện trạng của diện tích rừng thông 47,18ha này; kiểm tra những cây gãy, đổ do bão lốc hoặc có nguy cơ đổ, không phát triển được thì lập hồ sơ xin phép khai thác, tận thu dưới sự quản lý, giám sát chặt chẽ theo đúng quy định, không để xảy ra tình trạng lợi dụng khai thác mà làm ảnh hưởng đến các cây khác. Nếu được khai thác thì công khai đấu giá thu mua cây, tạo lợi nhuận tốt nhất cho nhân dân. Đối với cây đang sinh trưởng, phát triển tốt phải kiên quyết giữ, bảo vệ rừng, chống xói mòn, sạt lở, bảo vệ cuộc sống cho người dân”.

Bài, ảnh: Nguyễn Hiền
Bình luận
Back To Top