Tập trung nguồn vốn cho nông nghiệp, nông thôn

07:38 - Thứ Sáu, 25/06/2021 Lượt xem: 4138 In bài viết

ĐBP - Với hơn 80% dân số sống ở khu vực nông thôn và hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, việc ưu tiên vốn đầu tư cho phát triển nông nghiệp, nông thôn được ngành Ngân hàng trên địa bàn tỉnh đặc biệt chú trọng. Ngoài các chương trình cho vay với lãi suất ưu đãi, nhiều chính sách lớn sửa đổi cũng được các ngân hàng triển khai kịp thời, tạo điều kiện thúc đẩy nông nghiệp, nông thôn phát triển.

Nông dân bản Pa Pốm, xã Thanh Minh (TP. Điện Biên Phủ) đầu tư chăn nuôi dê bằng nguồn vốn chính sách. Trong ảnh: Chị Thào Thị Sùng chăm sóc đàn dê.

Nhiều chính sách ưu đãi

Nghị định 41/2010/NĐ-CP ngày 12/4/2010 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn của Chính phủ với nhiều giải pháp đặc thù mang tính đột phá, phù hợp với đặc điểm sản xuất kinh doanh ở khu vực nông nghiệp, nông thôn được sửa đổi, bổ sung hoàn thiện vào năm 2015 (Nghị định 55/2015/NĐ-CP ngày 9/6/2015). Đây là chính sách tạo điểm nhấn thúc đẩy phát triển nông nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh. Năm 2018 Nghị định số 116/2018/NĐ-CP ngày 7/9/2018 sửa đổi, bổ sung Nghị định 55 với nhiều cơ chế, chính sách đột phá như: nâng mức cho vay không có tài sản bảo đảm đối với cá nhân, hộ gia đình cư trú tại địa bàn nông thôn từ 100 triệu đồng lên 200 triệu đồng; từ 50 triệu đồng lên 100 triệu đồng đối với cá nhân, hộ gia đình sản xuất nông nghiệp cư trú ngoài khu vực nông thôn… Bên cạnh đó, cơ chế điều hành lãi suất huy động và cho vay theo từng thời điểm được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh tỉnh Điện Biên chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn triển khai và thực hiện nghiêm túc. Đặc biệt là việc hạ mức lãi suất cho vay ngắn hạn của tổ chức tín dụng đối với một số ngành, lĩnh vực ưu tiên trong đó có cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn về mức tối đa 4,5%/năm (theo Quyết định số 1730/QĐ-NHNN ngày 30/9/2020 của NHNN).

Ông Hà Văn Từ, Giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh Điện Biên cho biết: Các ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã chủ động phối hợp với các cấp, ngành tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng được tiếp cận, vay vốn trên cơ sở đánh giá những thế mạnh, tiềm năng phát triển kinh tế nông nghiệp để có những giải pháp mở rộng, nâng cao chất lượng tín dụng trên địa bàn. Đặc biệt là nguồn vốn tín dụng phục vụ phát triển các lĩnh vực ưu tiên, các doanh nghiệp tham gia mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, chương trình khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch. Đến ngày 31/3/2021, cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn của các ngân hàng thương mại, Ngân hàng Chính sách Xã hội (CSXH) trên địa bàn tỉnh đạt trên 8.640 tỷ đồng với hơn 103.280 khách hàng vay còn dư nợ; chiếm 46,82%/tổng dư nợ các chương trình cho vay đang triển khai trên địa bàn.

Tăng khả năng tiếp cận vốn

Thời gian qua, NHNN cũng như hệ thống tổ chức tín dụng đã tích cực triển khai một số giải pháp để tăng khả năng tiếp cận vốn cho các đối tượng người dân khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

Hiện nay Ngân hàng CSXH tỉnh đang triển khai khoảng 20 chương trình tín dụng dành cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Đặc biệt ưu tiên vốn cho các hộ dân khu vực nông thôn có nhu cầu vay vốn để trồng trọt, chăn nuôi. Từ ngày 1/3/2019, theo quy định của Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng CSXH tỉnh đã nâng mức cho vay tối đa từ 50 triệu đồng/hộ lên 100 triệu đồng/hộ, không phải đảm bảo tiền vay đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, cho vay phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Đồng thời, nâng thời hạn cho vay từ 60 tháng lên tối đa 120 tháng cho phù hợp với quá trình sinh trưởng và phát triển của các đối tượng đầu tư dài hạn… Với nhiều giải pháp kịp thời, trong giai đoạn 2018-2021, doanh số cho vay của Ngân hàng CSXH tỉnh trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn ước đạt trên 3.110 tỷ đồng, chiếm 89,12% doanh số cho vay, với 76.000 lượt khách hàng được vay vốn.

Ngoài 18 chi nhánh và phòng giao dịch được phủ khắp 10 huyện, thị, thành phố trên địa bàn tỉnh, nhằm tăng khả năng tiếp cận vốn cho người dân nông thôn, từ tháng 3/2019, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) Điện Biên đã triển khai mô hình điểm giao dịch lưu động bằng xe ô tô chuyên dụng. Tính đến ngày 31/5/2021, mô hình giao dịch lưu động đã thực hiện được 89 phiên, phục vụ 3.046 khách hàng với tổng số 3.605 bút toán giao dịch; số tiền giao dịch đạt 30 tỷ đồng, trong đó dư nợ cho vay là 28 tỷ đồng. Tính đến 31/5/2021, dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn của Agribank Điện Biên đạt 4.653 tỷ đồng với hơn 22.140 khách hàng còn dư nợ.

Bài, ảnh: Thu Hằng
Bình luận
Back To Top