Tiếp tục thúc đẩy phát triển giao dịch trực tuyến

08:36 - Thứ Hai, 28/06/2021 Lượt xem: 3776 In bài viết

ĐBP - Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều doanh nghiệp, cơ quan đơn vị khuyến khích người dân giao dịch trực tuyến và tiếp cận các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt. Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm thì thương mại điện tử, đặc biệt mua sắm trực tuyến vẫn còn những rào cản và tiềm ẩn những rủi ro khó lường, khó kiểm soát.

Tăng cường giao dịch trực tuyến sẽ giảm dần hoạt động giao dịch trực tiếp. Trong ảnh: Người dân giao dịch công việc tại Bảo hiểm xã hội tỉnh (ảnh chụp trước tháng 4/2021).

Để thích ứng với điều kiện hiện nay, hầu hết siêu thị, cửa hàng kinh doanh ăn uống, cà phê, thiết bị máy tính… đã đẩy mạnh bán hàng online thông qua các trang mạng xã hội facebook, zalo hoặc các website. Theo thống kê sơ bộ tại một số siêu thị, cửa hàng lớn trên địa bàn tỉnh, trong thời gian qua, khi dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, tỷ lệ giao dịch hàng hóa qua thương mại điện tử tăng từ 10% - 30%; tập trung ở một số nhóm hàng thiết yếu như: Thức ăn nhanh, sữa hay thực phẩm chế biến sẵn… Vì vậy, chi tiêu không tiền mặt, hay giao dịch online cũng đã trở thành thói quen với nhiều người dân.

Không chỉ người dân thay đổi trong mua bán, dịch Covid-19 đã tác động, làm thay đổi phương thức, cách thức thực hiện giao dịch của nhiều cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp trong thực hiện nhiệm vụ. Đơn cử như Công ty Điện lực Điện Biên đã chủ động tăng cường nhân lực và thiết bị triển khai giao dịch online trên nhiều lĩnh vực nhằm hạn chế tối đa việc tập trung đông người, góp phần phòng chống dịch bệnh Covid-19. Theo đó, thay vì nộp tiền trực tiếp, hiện nay khách hàng có thể thanh toán tiền điện tự động qua các ngân hàng. Ngoài ra, khách hàng có thể thanh toán điện tử qua Vimo, Momo, VNPay, cổng Dịch vụ công quốc gia, ViettelPay… Khi đăng ký thanh toán tiền điện tự động qua các ngân hàng sẽ mang lại lợi ích tích cực cho khách hàng bởi tính an toàn, tiết kiệm thời gian, đặc biệt là trong công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19. Đến nay, công ty đã triển khai áp dụng hóa đơn điện tử cho toàn bộ khách hàng sử dụng điện. Tính đến đầu tháng 5/2021, toàn tỉnh có 30.196 khách hàng thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt.

Anh Nguyễn Văn Quỳnh, phường Noong Bua, TP. Điện Biên Phủ cho biết: Gần hai năm trở lại đây, tôi không phải đến các điểm thu tiền điện để nộp tiền như trước. Hàng tháng, tôi chỉ cần thao tác trên điện thoại thông minh là có thể thanh toán được tiền điện mà không cần dùng đến tiền mặt, không mất nhiều thời gian chờ đợi như nộp tại các điểm thu tiền điện.

Thời gian qua giao dịch trực tuyến được các địa phương, cơ quan, đơn vị đẩy mạnh thông qua việc triển khai dịch vụ công trực tuyến, nhất là mức độ 3 và mức độ 4. Tính từ đầu năm 2021 đến ngày 24/6, toàn tỉnh đã tiếp nhận hơn 35.000 hồ sơ phát sinh trực tuyến trên Cổng dịch vụ công trực tuyến tỉnh. Việc đẩy mạnh sử dụng dịch vụ công trực tuyến không chỉ đáp ứng yêu cầu trong thời điểm phòng chống dịch Covid-19 mà còn mang lại nhiều lợi ích như: Minh bạch, công khai trong giải quyết thủ tục hành chính, giảm tải được lượng giấy phải sử dụng khi làm hồ sơ, tiết kiệm được chi phí lưu trữ; góp phần xây dựng Chính phủ điện tử. Chỉ cần thao tác trên máy tính, gửi hồ sơ qua internet và nhận kết quả tại nhà, người dân có thể thực hiện thủ tục hành chính thông qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến.

Ông Trịnh Duy Đông, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại (Sở Công Thương) cho biết: Để đẩy mạnh hình thức giao dịch trực tuyến, phát triển thương mại điện tử, thời gian qua đơn vị đã triển khai nhiều giải pháp. Đến nay 100% doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đều sử dụng thư điện tử trong hoạt động giao dịch và trao đổi thông tin. Đồng thời ứng dụng rộng rãi các hình thức thanh toán điện tử trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Bao gồm thanh toán điện tử giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng, giữa cơ quan quản lý Nhà nước với doanh nghiệp. Đến nay, toàn tỉnh có 40% hệ thống các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng phân phối, cung cấp điện, nước, viễn thông sử dụng phương thức thanh toán bằng thẻ thanh toán và thanh toán qua phương tiện điện tử. Thực hiện xây dựng kết cấu hạ tầng thương mại điện tử, đến nay trung tâm đã thực hiện hỗ trợ 10 doanh nghiệp xây dựng website thương mại điện tử.

Giai đoạn 2021 - 2025, mục tiêu của tỉnh có từ 55% dân số trở lên tham gia mua sắm trực tuyến thông qua các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội, ứng dụng thương mại điện tử bán hàng; 50% giao dịch mua hàng trên website, ứng dụng thương mại điện tử có hóa đơn điện tử; 80% website thương mại điện tử có tích hợp chức năng đặt hàng trực tuyến; 70% các đơn vị cung cấp điện, nước, viễn thông và truyền thông triển khai hợp đồng điện tử với người tiêu dùng… Để đạt được mục tiêu đề ra, giải pháp thực hiện trong thời gian tới là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, kỹ năng ứng dụng thương mại điện tử cho người dân, doanh nghiệp; xây dựng bộ giải pháp hỗ trợ kinh doanh trực tuyến để giúp các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ triển khai ứng dụng thương mại điện tử. Liên kết, phối hợp với các ngân hàng trong việc đẩy mạnh thanh toán ứng dụng QR Code không dùng tiền mặt qua các giao dịch thương mại điện tử. Cùng với đó, hỗ trợ doanh nghiệp thiết kế, nâng cấp website thương mại điện tử có đầy đủ chức năng, như: giỏ hàng trực tuyến, tích hợp thanh toán trực tuyến, chức năng quản lý hoạt động khuyến mãi trực tuyến, kết nối mạng xã hội…

Bài, ảnh: Phong Vân
Bình luận
Back To Top