Cần tạo sự đồng thuận của người dân

08:20 - Thứ Tư, 30/06/2021 Lượt xem: 4429 In bài viết

ĐBP - Dự án Đường 60m và Dự án Hạ tầng kỹ thuật khung là hai trong số nhiều dự án trọng điểm của tỉnh do UBND TP. Điện Biên Phủ làm chủ đầu tư bị chậm tiến độ, mặc dù đây là những dự án có nhiều cơ chế, chính sách đặc thù nhất. Cụ thể, Dự án Đường 60m được phê duyệt đầu tư năm 2015, đã hết thời gian thực hiện và đã được gia hạn. Nhưng tính đến ngày 25/6 vẫn còn 11,4% diện tích chưa giải phóng mặt bằng (12.102m2/105.582m2); 38 hộ dân chưa giải phóng mặt bằng. Còn Dự án Hạ tầng kỹ thuật khung số diện tích chưa giải phóng mặt bằng chiếm 23,8% tổng diện tích phải giải phóng mặt bằng (4,81ha/20,17ha) của 120 hộ gia đình; 29 hộ dân chưa cho kiểm đếm; 91 hộ gia đình chưa nhận tiền và chưa bàn giao mặt bằng. Lý do được người dân đưa ra là đơn giá bồi thường thấp; chưa có đất tái định cư; đề nghị cấp đất tái định cư cho con (giao đất có thu tiền sử dụng đất không qua đấu giá); đề nghị giải quyết hết tồn tại, vướng mắc của Dự án Đường 60m rồi mới đồng ý cho đo đạc kiểm đếm Dự án Hạ tầng kỹ thuật khung; không đồng ý thực hiện nghĩa vụ truy thu tài chính…

Công nhân Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng số 6 thi công Dự án Đường 60m.

Một trong những dự án khác ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống nhân dân là Dự án Bến xe khách tại xã Thanh Minh, TP. Điện Biên Phủ. Dự án có chủ trương đầu tư từ năm 2005, đến năm 2009 được phê duyệt điều chỉnh quy hoạch; đồng thời UBND tỉnh có quyết định về việc thu hồi đất và cho phép Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng số 6 thuê 5,5ha đất để xây dựng. Năm 2009, TP. Điện Biên Phủ đã tiến hành bàn giao mốc giới quy hoạch khu đất xây dựng bến xe. Tuy nhiên từ đó đến nay, do khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, kinh phí giải phóng mặt bằng và chủ trương, hình thức đầu tư nên dự án chưa triển khai thực hiện. Vì dự án “treo” nên nhiều quyền lợi của nhân dân bị ảnh hưởng, như: Không thể sửa chữa nhà cửa; mua bán, chuyển nhượng đất đai; thế chấp quyền sử dụng đất vay vốn ngân hàng phát triển sản xuất, kinh doanh... Cùng với đó là hạ tầng khu dân cư không được đầu tư dẫn đến ô nhiễm môi trường, giao thông khó khăn.

Không chỉ chậm tiến độ, nhiều dự án trong quá trình triển khai còn xảy ra nhiều sai phạm, gây mất niềm tin với người dân. Mới đây nhất, những sai phạm tại Dự án Đầu tư xây dựng khu nhà ở Tân Thanh (TP. Điện Biên Phủ) đã khiến nhiều hộ dân bức xúc. Dự án được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư lần đầu từ tháng 10/2013 và điều chỉnh tháng 5/2016, do Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng và Công nghệ môi trường tỉnh Điện Biên làm chủ đầu tư. Qua thanh tra đã phát hiện quá trình thực hiện dự án của chủ đầu tư và các đơn vị liên quan để xảy ra nhiều sai phạm, làm tăng tổng mức đầu tư hơn 57 tỷ đồng. Về quy hoạch chi tiết điều chỉnh, bổ sung do UBND TP. Điện Biên Phủ phê duyệt vượt quy mô; công tác lập, thẩm định trình tỉnh phê duyệt chấp thuận đầu tư, phê duyệt điều chỉnh đầu tư dự án chưa tuân thủ đầy đủ quy định; chưa lấy ý kiến thẩm định tổng mức đầu tư trước khi trình phê duyệt điều chỉnh. Dự án chưa được cấp phép xây dựng theo quy định của Luật Xây dựng 2014; chứng nhận đăng ký đầu tư với quy mô, mục tiêu và tổng vốn đầu tư của dự án không phù hợp với các nội dung đã được chấp thuận đầu tư...

Trước tình trạng trên, thời gian qua Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo các địa phương, đơn vị liên quan về trách nhiệm thực hiện dự án. Nhiều dự án đã được cơ quan chức năng thanh tra, kiến nghị xử lý sai phạm đối với các đơn vị liên quan; đồng thời tạo cơ chế, chính sách đặc thù, theo hướng có lợi cho người dân. Đối với 2 dự án: Đường 60m và Hạ tầng kỹ thuật khung, để tăng cường niềm tin của người dân, tỉnh yêu cầu địa phương, đơn vị liên quan cần xem xét kiểm điểm trách nhiệm của từng cán bộ liên quan khi để các dự án này chậm tiến độ nhiều năm. Cán bộ nào không đáp ứng nhiệm vụ cần kiểm điểm, thay thế và xử lý nghiêm các sai phạm của tập thể, cá nhân. Năng lực tuyên truyền, vận động nhân dân của cán bộ tham gia thực hiện cũng cần phải nhìn nhận lại để đổi mới cách làm, tạo sự đồng thuận của nhân dân; các trường hợp cố tình chống đối, chây ỳ cần thực hiện các biện pháp cưỡng chế theo quy định của pháp luật. Trong quá trình thực hiện, tăng cường công tác giải quyết thủ tục hành chính và có cơ chế đặc thù riêng; thành lập tổ công tác tiếp nhận, giải quyết kiến nghị cho người dân theo quy định.

Thời gian tới, trên địa bàn tỉnh triển khai, thực hiện nhiều chương trình, dự án quan trọng. Việc người dân đồng thuận ủng hộ dự án tác động lớn đến tiến độ thực hiện dự án. Để bảo đảm hài hòa quyền lợi của người dân trong phạm vi dự án, cần chủ động rà soát các hộ dân bị ảnh hưởng, những trường hợp đặc thù để xem xét, giải quyết. Đặc biệt, cán bộ cần đặt mình vào vị trí của người dân để giải quyết hợp tình, hợp lý trên cơ sở quy định của pháp luật. Có như vậy mới đẩy nhanh tiến độ các dự án, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân.

Bài, ảnh: Văn Tâm
Bình luận
Back To Top