Phát triển nông nghiệp bền vững, chất lượng cao

08:28 - Thứ Sáu, 02/07/2021 Lượt xem: 4444 In bài viết

ĐBP - Năm 2020, mặc dù gặp nhiều khó khăn do thiên tai, dịch bệnh song tổng giá trị sản xuất ngành Nông nghiệp tỉnh ta vẫn đạt trên 3.800 tỷ đồng, chiếm 18,76% GRDP của tỉnh. 6 tháng đầu năm 2021, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tổng giá trị sản xuất nông nghiệp vẫn có sự tăng trưởng khá, ước đạt trên 1.944,6 tỷ đồng (tăng 3,72% so với cùng kỳ năm 2020), chiếm 19,47% GRDP toàn tỉnh. Tuy nhiên, đánh giá thực chất thì sự tăng trưởng ngành Nông nghiệp tỉnh chủ yếu do phát triển theo chiều rộng, hiệu quả kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng.

Xã viên Hợp tác xã Thanh Yên (huyện Điện Biên) sử dụng máy gặt đập liên hợp thu hoạch lúa. Ảnh: Lan Phương

Những hạn chế lớn

Hạn chế dễ nhận thấy là cơ cấu sản xuất nông nghiệp chuyển dịch chậm. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên diện tích đất lúa kém hiệu quả sang cây trồng có giá trị kinh tế cao, thích ứng môi trường còn hạn chế. Năm 2020 chuyển đổi từ đất trồng lúa  ruộng sang cây trồng khác được 133,8ha; chuyển đổi từ đất lúa nương sang cây trồng khác được 95ha; triển khai 2 dự án cánh đồng lớn quy mô 53ha và thí điểm dồn điền, đổi thửa để tổ chức sản xuất lúa theo mô hình cánh đồng lớn 62ha tại xã Thanh Yên, Thanh Hưng (huyện Điện Biên). Kết quả đó là đáng khích lệ nhưng so với điều kiện thực tế thì chưa tương xứng.

Một điểm yếu nữa là năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp còn thấp. Việc ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất nông nghiệp vẫn còn hạn chế. Hiện nay trên địa bàn tỉnh mới có 700m2 trồng rau thủy canh hồi lưu trong nhà lưới công nghệ cao; 3ha trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP trong nhà lưới cơ bản. Mức độ ứng dụng cơ giới hóa trong nông nghiệp mới tăng lên ở bề rộng: đạt 100% trong khâu xay xát, 70% trong khâu làm đất nhưng về chiều sâu còn rất hạn chế khi tỷ lệ áp dụng cơ giới hóa công nghệ cao trong chế biến mới đạt 3,13% diện tích.

Chất lượng quy hoạch chưa thực sự hợp lý, thiếu sự liên kết, thống nhất. Việc triển khai thực hiện các mô hình “Cánh đồng mẫu lớn”, “Chuỗi sản xuất”, “Chuỗi liên kết” chưa chặt chẽ; việc chuyển đổi sản xuất hàng hóa quy mô lớn còn gặp nhiều khó khăn. Trong năm 2020, có 3 chuỗi được cấp chứng nhận gồm: Chuỗi cung ứng miến dong an toàn của cơ sở Đặng Văn Lộc và các hộ dân trồng, sơ chế dong riềng; chuỗi cung ứng gạo nếp nương an toàn Hợp tác xã (HTX) Tâm Thiện và các hộ dân liên kết trồng, thu mua lúa nếp nương; chuỗi cung ứng mật ong an toàn của HTX nuôi ong rừng Chà Nưa. Qua đó nâng tổng số có 20 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn trên địa bàn tỉnh.

Canh tác độc lập thì kinh tế hộ nông dân rất dễ tổn thương trước những rủi ro. Giải pháp khắc phục vấn đề này là liên kết hộ nhỏ lẻ thành HTX, tổ hợp tác. Năm 2020 trên địa bàn tỉnh có 32 HTX nông nghiệp đăng ký thành lập mới theo Luật HTX năm 2012, nâng tổng số lên 162 HTX nhưng có 32 HTX đang ngừng hoạt động, chờ  giải thể. Đánh giá hoạt động theo Luật Hợp tác xã 2012, mới có 70 HTX đạt loại khá, tốt; 48 HTX đạt trung bình và 13 HTX xếp loại yếu. Như vậy, số lượng HTX nông nghiệp tuy nhiều nhưng chất lượng hoạt động hạn chế; các dịch vụ cung ứng cho thành viên chưa đáp ứng nhu cầu thực tế. Do nhận thức về vai trò của HTX trong nông nghiệp, nông thôn chưa đầy đủ, chưa bắt kịp xu thế phát triển nên đa số HTX chỉ cung cấp một số sản phẩm đầu vào như: Giống, phân bón, thức ăn chăn nuôi… còn khâu chế biến sâu và tiêu thụ sản phẩm thì rất thấp.

Cần giải pháp đồng bộ

Trong thời gian tới, tỉnh ta xác định giảm dần tỷ trọng nông, lâm, thủy sản, tăng tỷ trọng dịch vụ, thương mại và công nghiệp nhưng hiện nay trên 85% dân số của tỉnh ở khu vực nông thôn và lực lượng lao động nông nghiệp vẫn rất lớn. Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ngành Nông nghiệp không chỉ đáp ứng nhu cầu lương thực - thực phẩm mà còn thể hiện là một trong những trụ đỡ để phát triển kinh tế - xã hội, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch chung của tỉnh.

Để phát huy tiềm năng, thế mạnh phát triển nông nghiệp bền vững, chất lượng cao trước hết phải nâng cao chất lượng công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch sản xuất, trên cơ sở phát huy lợi thế sản phẩm và lợi thế vùng, miền.

Tiếp đến là đẩy mạnh ứng dụng, chuyển giao khoa học, công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm nông sản. Chú trọng tập huấn kỹ thuật cho nông dân góp phần thay đổi phương thức sản xuất, nâng cao thu nhập. Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, HTX đầu tư vào nông nghiệp, nhất là lĩnh vực bảo quản, chế biến nông sản.

Sớm khắc phục nhược điểm lớn trong phát triển nông nghiệp trên địa bàn tỉnh là tình trạng sản xuất tự phát, manh mún, nhỏ lẻ để phát triển các mô hình liên kết. Khuyến khích phát triển các liên kết sản xuất giữa nông dân với doanh nghiệp, HTX hướng tới hình thành các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh hiện đại. Khi tư duy thay đổi, người nông dân không chỉ có cách nghĩ, cách làm mới mà còn góp phần nâng cao chất lượng, giá trị, khả năng cạnh tranh của sản phẩm. Kèm theo đó là chính sách hỗ trợ tài chính, đa dạng và đơn giản hóa thủ tục tiếp cận vốn cho nông dân, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp.

Một vấn đề thiết yếu để phát triển nông nghiệp chất lượng cao, bền vững là hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm và phát triển thị trường. Sự đồng hành, dẫn dắt của cơ quan quản lý Nhà nước về điều tra, khảo sát để nắm bắt thị hiếu tiêu dùng và xác định, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp… luôn là kỳ vọng của người nông dân.

Hà Nguyễn
Bình luận
Back To Top