Giá vật liệu tăng, ngành xây dựng gặp khó

08:32 - Thứ Sáu, 02/07/2021 Lượt xem: 7916 In bài viết

ĐBP - Từ đầu năm đến nay, giá nhiều loại vật liệu xây dựng liên tục tăng cao, nhất là sắt thép. Điều này ảnh hưởng lớn tới hoạt động sản xuất, kinh doanh, thi công các công trình xây dựng, nhất là các công trình nhà ở của người dân.

Công nhân Công ty TNHH Đầu tư thương mại và Dịch vụ Hoàng Anh thi công kè sông Nậm Rốm.

Theo phản ánh của một số đại lý kinh doanh mặt hàng vật liệu xây dựng tại TP. Điện Biên Phủ, từ đầu năm đến nay, giá các loại vật liệu như sắt thép, gạch, đá, xi măng… tăng liên tục so với những năm trước; trong đó, tăng mạnh nhất là sắt thép, có thời điểm tăng đến hơn 40%. Tại thời điểm tháng 5/2021 (thời điểm giá sắt tăng cao nhất) thì 1kg thép Tisco phi 6+8 có giá 20.450 đồng, trong khi cùng thời điểm năm 2020 chỉ có giá 13.300 đồng/kg; đối với thép Tisco phi 10 có giá 20.450 đồng/kg, cùng thời điểm năm 2020 chỉ có giá 13.630 đồng/kg; thép hộp mạ kẽm 26.800 đồng/kg, trong khi tháng 5/2020 chỉ có giá 17 nghìn đồng/kg… Cùng với đó, giá một số loại vật liệu khác cũng tăng theo nhưng không cao, như: Xi măng Bút Sơn PCB 40 có giá 1.820 đồng/kg; xi măng Điện Biên PCB 40 là 1.350 đồng/kg; đá 1 x 2 của Công ty Cổ phần Đầu tư thương mại Hưng Long có giá 220.000 đồng/m3 (giá bán tại nơi sản xuất); cát trát 330.000 đồng/m3 (giá bán tại nơi sản xuất)….

Đại diện cửa hàng vật liệu xây dựng của Công ty TNHH KDHH Điện Biên (chuyên kinh doanh vật liệu xây dựng) cho biết: Từ đầu năm đến nay, giá các loại vật liệu xây dựng do nhà sản xuất đưa ra thay đổi liên tục theo chiều hướng tăng, một ngày thay đổi vài lần giá bán, có khi chỉ 2 - 3 ngày đã tăng lên 4 giá. Những năm trước, giá có tăng chỉ tăng một vài trăm đồng, nhưng từ đầu năm đến nay có thời điểm tăng gần 10 nghìn đồng, tùy từng loại sắt thép. Giá các loại vật liệu xây dựng nhiều lần tăng khiến cho lượng bán ra của các cửa hàng vật liệu xây dựng bị giảm mạnh, doanh thu bị giảm hơn 50% so với trước đây.

Giá vật liệu xây dựng tăng cao đã tác động không nhỏ đến ngành xây dựng; trong đó, không chỉ khiến các nhà thầu điêu đứng mà đối với người dân đang xây dựng, sửa chữa công trình nhà ở… cũng rơi vào tình cảnh “tiến thoái lưỡng nan”, hoặc tạm dừng thi công, hoặc chấp nhận chi phí đội lên so với dự trù ban đầu.

Đầu năm 2021, gia đình anh Nguyễn Văn Tính (huyện Điện Biên) đã thuê thợ về xây nhà. Khởi công từ tháng 2, đến nay ngôi nhà vẫn chưa xong phần thô. Một trong những nguyên nhân dẫn đến ngôi nhà chưa thể hoàn thành là do giá vật liệu tăng cao. Anh Nguyễn Văn Tính cho biết: Căn nhà có diện tích hơn 100m2 khi lên dự toán xây dựng tôi đã tính thêm 10% chi phí trượt giá. Tuy nhiên, với đà tăng chóng mặt của giá vật liệu xây dựng như hiện nay thì phải bù thêm một khoản tiền khá lớn, thậm chí đến cả trăm triệu đồng. Gia đình đành chấp nhận vay mượn thêm để hoàn thành ngôi nhà chứ không còn cách nào khác.

Đối với doanh nghiệp ngành xây dựng dân dụng, giá vật liệu, đặc biệt là giá thép tăng vọt làm chi phí xây dựng tăng mạnh sẽ giảm lợi nhuận. Đặc biệt, đối với các công trình của công ty làm hợp đồng với phía chủ đầu tư theo dạng khoán trọn gói thì khi giá thép tăng, phía nhà thầu phải chịu. Bên cạnh đó, lượng khách hàng cũng giảm vì khách đã có kế hoạch xây nhà nhưng thấy giá tăng cao nên sẽ xem xét hoãn kế hoạch lại. Hoặc vẫn tiếp tục hợp đồng nhưng phải cắt giảm quy mô xây dựng, hoặc giảm bớt nguyên vật liệu ở những hạng mục khác để bù lại phần phát sinh giá sắt nên chất lượng công trình chắc chắn sẽ giảm đi.

Đại diện lãnh đạo Công ty TNHH Đầu tư thương mại và Dịch vụ Hoàng Anh chia sẻ: Đơn vị đang thi công kè sông Nậm Rốm. Giá vật liệu tăng cao như hiện nay ảnh hưởng đến doanh nghiệp, bởi tại thời điểm hợp đồng với chủ đầu tư giá sắt thép còn thấp, nhưng đến lúc thi công giá sắt tăng cao. Trong khi đó, công bố giá của liên ngành Xây dựng - Tài chính chưa kịp thời theo giá thị trường.

Trước những khó khăn đó, nhiều đề xuất, kiến nghị cần có biện pháp bảo đảm cân đối cung cầu và bình ổn giá thị trường vật liệu xây dựng, nhằm chia sẻ khó khăn với các doanh nghiệp và người dân. Các ngành chức năng có biện pháp để khảo sát giá thị trường, kịp thời công bố giá các loại vật tư, vật liệu, thiết bị chủ yếu có ảnh hưởng lớn đến các dự án đầu tư xây dựng phù hợp với giá thị trường; cập nhật biến động giá thị trường kịp thời. Hiện nay, các nhà thầu, người dân đều mong muốn các cơ quan chức năng xem xét, điều chỉnh lại giá vật liệu xây dựng cho sát thực tế, đồng thời có phương án hỗ trợ trượt giá hợp lý để các nhà thầu giảm bớt thiệt hại.

Bài, ảnh: Văn Tâm
Bình luận
Back To Top