Cần sớm nâng cấp các tuyến giao thông huyết mạch

08:10 - Thứ Tư, 07/07/2021 Lượt xem: 8852 In bài viết

ĐBP - Là tỉnh miền núi, địa hình phức tạp, chia cắt; nhiều tuyến đường trên địa bàn tỉnh được đầu tư từ lâu, qua nhiều năm khai thác đã xuống cấp. Bên cạnh đó, hàng năm tỉnh ta chịu ảnh hưởng của thiên tai khiến cho nhiều tuyến đường giao thông huyết mạch bị hư hỏng.

Quốc lộ 279, đoạn qua xã Noong Hẹt (huyện Điện Biên) xuống cấp, hư hỏng ảnh hưởng đến khả năng khai thác tuyến.

Tuyến quốc lộ 279, đoạn từ TP. Điện Biên Phủ đi Cửa khẩu quốc tế Tây Trang giữ vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Bắc; góp phần tăng cường quan hệ mậu dịch giữa Việt Nam - Lào. Tuyến đường nằm trong chương trình hợp tác Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng, là huyết mạch giao lưu văn hóa, xã hội miền xuôi và miền ngược. Về mặt quốc phòng, đây là tuyến đường quan trọng đảm bảo an ninh quốc phòng cho vùng biên giới Tây Bắc.

Tuy nhiên, sau nhiều năm sử dụng, khai thác, tuyến đường đã có nhiều đoạn bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng ảnh hưởng lớn đến công năng khai thác, gây nhiều khó khăn đối với công tác đảm bảo an toàn giao thông. Thời gian gần đây, tình trạng xe có trọng tải nặng, xe container lưu thông qua tuyến tăng cao. Theo thống kê của Chi cục Quản lý đường bộ I.2, tuyến Điện Biên - Tây Trang bình quân có gần 1.000 xe/ngày đêm. Mật độ lưu thông nhiều, tải trọng lớn khiến cho mức độ hư hỏng, xuống cấp của tuyến đường ngày càng nhanh, nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông luôn ở mức cao. Điển hình như đoạn Km89 - Km93 mặt đường đá dăm nhựa chưa được đầu tư sửa chữa; đoạn từ Km105 - 116 mặt đường đá dăm nhựa rất xấu. Trên tuyến có 1 điểm đen về tai nạn giao thông (Km98+500 - Km103+150) và 2 điểm tiềm ẩn về tai nạn giao thông (Km109+300, Km110+600).

Trước thực trạng đó, Bộ Giao thông vận tải đã phê duyệt Dự án thành phần 2 đoạn Điện Biên - Tây Trang (Dự án Cải tạo nâng cấp quốc lộ 279 đoạn Tuần Giáo - Điện Biên - Tây Trang) tại Quyết định số 2424/QĐ-BGTVT, ngày 7/8/2008. Quy mô dự án đường cấp IV miền núi có chiều dài 42,4km, tổng mức đầu tư 1.045,938 tỷ đồng. Dự án gồm 3 phân đoạn: Đoạn tuyến tránh thành phố Điện Biên Phủ dài 11,6km; đoạn Điện Biên Phủ - Tây Trang dài 28,8km; đoạn Cửa khẩu Tây Trang dài 2km. Sau đó dự án bị tạm dừng, giãn tiến độ thực hiện sau năm 2015 theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24/2/2011 của Chính phủ và Quyết định số 64/QĐ-BGTGT ngày 8/1/2013 của Bộ GTVT. Đến nay, dự án vẫn chưa được khởi công.

Ông Phạm Văn Tuấn, Chi Cục trưởng Chi cục Quản lý đường bộ I.2, Cục Quản lý Đường bộ I (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) cho biết: Dự án bị tạm dừng, giãn tiến độ chưa biết thời gian nào mới khởi công. Để đảm bảo tuyến Điện Biên - Tây Trang cơ bản đáp ứng nhu cầu khai thác; đảm bảo an toàn giao thông, đơn vị quản lý đường bộ đã triển khai một số dự án nhỏ sửa chữa, khắc phục các sự cố trên tuyến. Những năm gần đây, Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Cục Quản lý đường bộ I và Chi cục đã tiến hành sửa chữa, nâng cấp tại các vị trí bị hư hỏng, điểm đen giao thông, nguy cơ không đảm bảo khai thác. Giai đoạn 2018 - 2020, Cục Quản lý đường bộ I đã đầu tư xử lý 3 “điểm đen”, gồm: Km98+430 - 600; Km 102 + 600 - Km103 + 720; Km104 + 500 - Km105 + 200, hiện trạng mặt đường rộng và được gia cố bằng bê tông xi măng. Các điểm cong, cua không đảm bảo tầm nhìn đều được đào, bạt cho đảm bảo tầm nhìn. Năm 2021, Chi cục tiếp tục có dự án sửa chữa, nâng cấp đoạn từ Km89 - Km93. Kế hoạch năm 2022, Chi cục kiến nghị cho nâng cấp, sửa chữa đoạn từ Km93 - Km96.

Tương tự, tuyến quốc lộ 4H (Km0 - Km47 và Km47+200 - Km184+200 bao gồm cả nhánh ra lối mở A Pa Chải), do nguồn vốn đầu tư ban đầu còn hạn chế, tuyến đường được đầu tư xây dựng theo chuẩn đường cấp VI-MN có châm chước (Bn=6m; Bm=3,5m), cường độ mặt đường thấp E=98Mpa. Trên tuyến còn tồn tại nhiều đường cong, bán kính nhỏ R=15 - 25m. Đến nay, sau nhiều năm đưa vào khai thác sử dụng đã xuống cấp, không đáp ứng khả năng khai thác trong tương lai. Mặt khác, việc chia tách huyện lỵ và quy hoạch cửa khẩu A Pa Chải đã khiến lưu lượng xe gia tăng nhanh chóng, xuất hiện nhiều phương tiện tải trọng lớn, xe khách cỡ lớn làm cho tuyến đường không đảm bảo an toàn giao thông, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo và ổn định an ninh quốc phòng.

Để tháo gỡ nút thắt về giao thông vận tải, đầu tư đồng bộ, hoàn chỉnh hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn, giảm thiểu mất an toàn giao thông, đáp ứng vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an ninh quốc phòng vùng biên giới Tây Bắc, UBND tỉnh đã nhiều lần có văn bản kiến nghị với các bộ ngành Trung ương, Chính phủ về việc đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án. Mới đây, ngày 23/4/2021, UBND tỉnh đã có Văn bản số 1155/UBND-TH gửi Bộ Giao thông vận tải về việc đầu tư một số dự án kết cấu hạ tầng giao thông quan trọng trên địa bàn tỉnh Điện Biên. Cụ thể, đối với Dự án Cải tạo nâng cấp quốc lộ 279 đoạn Tuần Giáo - Điện Biên - Tây Trang, đoạn Điện Biên - Tây Trang và dự án đầu tư, cải tạo quốc lộ 6 đoạn Tuần Giáo - Lai Châu (Km405+300 - Km501) đề nghị Bộ Giao thông vận tải tiếp tục bố trí vốn ngân sách Trung ương trong giai đoạn đầu tư công trung hạn 2021 - 2025; dự án nâng cấp, cải tạo quốc lộ 4H đề nghị Bộ Giao thông vận tải tiếp tục bố trí vốn từ nguồn trái phiếu Chính phủ.

Bài, ảnh: Nhật Phương
Bình luận
Back To Top