Đổi mới cách thức để giảm nghèo bền vững

08:21 - Thứ Năm, 08/07/2021 Lượt xem: 4390 In bài viết

ĐBP - Nhờ nỗ lực thực hiện công tác giảm nghèo, huyện Điện Biên đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Số hộ nghèo, cận nghèo năm sau đều giảm so với năm trước; đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên rõ rệt; cơ sở hạ tầng thiết yếu được đầu tư, xây dựng. Xác định “càng về sau công tác giảm nghèo càng khó”, bởi những hộ còn lại chủ yếu là hộ rất nghèo với nhiều nguyên nhân, Vì vậy bên cạnh việc huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư, huyện Điện Biên chú trọng nâng cao nhận thức, khơi dậy ý chí phấn đấu tự vươn lên cho người nghèo.

Hội viên Hội Cựu chiến binh xã Hua Thanh (huyện Điện Biên) vay vốn phát triển chăn nuôi, thoát nghèo bền vững. Trong ảnh: Gia đình cựu chiến binh Trần Văn Bốn chăm sóc đàn bò.

Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020, huyện Điện Biên tích cực lồng ghép các chương trình, dự án, huy động các nguồn lực tập trung cho công tác xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Huy động nguồn lực giảm nghèo đã khó, nhưng sử dụng nguồn lực cho hiệu quả càng khó hơn. Vì vậy trên cơ sở số hộ nghèo của từng năm, phân tích thực trạng, nguyên nhân nghèo và các lĩnh vực có ảnh hưởng đến công tác giảm nghèo, huyện đề ra những giải pháp nhằm phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và tiềm năng lợi thế của huyện để thực hiện kế hoạch giảm nghèo. Tổ chức rà soát, điều tra hộ nghèo, người nghèo và hộ cận nghèo đảm bảo đúng quy trình, quy định; làm tốt công tác kiểm tra, giám sát giảm nghèo tại cơ sở và kịp thời giải đáp, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.

Từ nguồn vốn chương trình giảm nghèo, hàng loạt công trình, dự án, mô hình sinh kế được đầu tư, như: Dự án hỗ trợ gà lai hướng thịt theo hộ gia đình tại các xã Thanh Hưng, Thanh Luông, Thanh Chăn; dự án hỗ trợ nuôi bò sinh sản luân chuyển theo nhóm hộ... Các chính sách vay vốn ưu đãi được triển khai đã giúp 6.238 lượt hộ nghèo, 5.391 lượt hộ cận nghèo được hưởng vay ưu đãi với tổng số tiền trên 106,5 tỷ đồng; huyện đã tổ chức 133 lớp dạy nghề cho 4.610 lao động nông thôn; toàn huyện đã giải quyết việc làm mới cho 6.247 lao động… Thông qua thực hiện các chính sách hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất, đào tạo dạy nghề, giải quyết việc làm, cho vay ưu đãi… đã góp phần làm thay đổi nhận thức, giúp người nghèo có việc làm, tạo thu nhập ổn định để thoát nghèo bền vững. Kết quả huyện Điện Biên đã giảm tỷ lệ hộ nghèo đa chiều trên địa bàn từ 29,03% (năm 2015) xuống còn 10,82% (năm 2020).

Giai đoạn 2021 - 2025, huyện Điện Biên phấn đấu mỗi năm giảm từ 1-2% hộ nghèo. Để đạt mục tiêu đó, trước hết cần khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong giai đoạn 2016 - 2020. Đó là kết quả giảm nghèo chưa thật sự bền vững, nguy cơ tái nghèo và phát sinh nghèo còn cao; một số cơ chế, chính sách chưa phù hợp; một số người nghèo vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước và cộng đồng, chưa chủ động vươn lên thoát nghèo. Hiện nay, một hộ nghèo đang được hưởng nhiều chính sách, chế độ ưu đãi, từ giáo dục, y tế đến vay vốn, xét duyệt hưởng các khoản hỗ trợ, nhận quà tặng... Điều này vô hình trung hình thành tư tưởng trông chờ, ỷ lại, nhất là tại khu vực vùng cao, vùng khó khăn, dân tộc thiểu số.

Để tiếp tục bứt phá trong công tác giảm nghèo, thời gian tới huyện Điện Biên tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tăng cường công tác tuyên truyền, động viên, hướng dẫn người nghèo chủ động vươn lên thoát nghèo, không trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước và xã hội. Cần giúp người nghèo nhận thức được chính sách xóa đói giảm nghèo là tạo điều kiện để người nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững chứ không phải hỗ trợ lúc họ khó khăn. Mặt khác công tác tuyên truyền làm sao để người dân thấy việc mình nghèo là đáng xấu hổ, gây ra gánh nặng cho xã hội để từ đó vươn lên thoát nghèo. Đổi mới trong cách tiếp cận về giảm nghèo, tăng cường và chuyển từ hình thức cho không sang hỗ trợ có điều kiện và cam kết vươn lên. Đặc biệt, trong việc huy động và sử dụng nguồn lực đầu tư cho công tác giảm nghèo, huyện chú trọng rà soát, phân bổ đúng, đủ, kịp thời nguồn vốn cho các xã theo quy định; huy động tối đa các nguồn lực xã hội tham gia công tác giảm nghèo bền vững. Ưu tiên nguồn lực thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững và Chương trình mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo hướng tích hợp với các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030. Cùng với đó, xây dựng, hướng dẫn các xã xây dựng mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác, tổ tự quản, sản xuất, làm kinh tế tiêu biểu... Khuyến khích các doanh nghiệp giúp đỡ các xã nghèo; vận động các hộ dân khá giả giúp đỡ hộ nghèo; xây dựng, nhân rộng các mô hình tốt, sáng kiến hay về giảm nghèo bền vững.

Thành Đạt
Bình luận
Back To Top