Khơi dậy ý chí thoát nghèo

08:25 - Thứ Năm, 08/07/2021 Lượt xem: 4122 In bài viết

ĐBP - Dẫu còn không ít khó khăn nhưng nhiều hộ dân ở huyện biên giới Nậm Pồ đã và đang từng bước thay đổi tư duy, thay đổi cách làm, không còn trông chờ, ỷ lại vào các chính sách hỗ trợ của Nhà nước mà tự vươn lên phát triển kinh tế, từng bước thoát khỏi đói nghèo.

Nông dân bản Ham Xoong, xã Vàng Đán (huyện Nậm Pồ) thu hoạch mận.

Trong quá trình thực hiện chính sách giảm nghèo trước đây, chính sách hỗ trợ thiên về cho không đã dẫn tới tình trạng một bộ phận người dân có tư tưởng trông chờ, ỷ lại, không muốn thoát nghèo để tiếp tục được thụ hưởng. Tư tưởng trông chờ, ỷ lại như một hòn đá tảng cản trở sự phát triển cả một hệ thống. Nhận thấy thực tế này, việc áp dụng hệ thống chính sách giảm nghèo theo hướng hỗ trợ có điều kiện đã thể hiện hiệu quả rõ rệt khi khơi dậy được ý chí vươn lên của người nghèo. Từ những chương trình tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo, hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, giúp người dân có cơ hội tự lực vươn lên, tạo thu nhập ổn định để thoát nghèo bền vững.

Với người dân nghèo thuộc huyện biên giới Nậm Pồ cũng vậy. Về vùng Ba Chà hôm nay, không ai không ngỡ ngàng về sự thay da đổi thịt của vùng đất một thời gian khó. Đặc biệt là câu chuyện viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo của hơn 70 hộ dân xã Chà Nưa vẫn còn được kể lại như một lời nhắc nhở về ý thức tự vươn lên thoát nghèo của người dân. Ông Thùng Văn Ánh, Chủ tịch UBND xã Chà Nưa cho biết: Cấp ủy, chính quyền xã cũng đã tích cực tuyên truyền đến các hộ dân, rằng hộ nghèo nào cũng đã được nhận hỗ trợ 2 - 3 lần rồi thì phải có ý thức tự vươn lên. Sau đó cộng đồng bản cũng tích cực tuyên truyền, vận động để người dân hiểu được điều đó. Cuộc sống mới, tư tưởng mới nên việc cố thủ ở lại hộ nghèo là quên mất lòng tự trọng và nhận lấy sự không đồng tình của cộng đồng. Chính vì vậy từ năm 2017 đến nay có khoảng 70 hộ gia đình ở Chà Nưa đã viết đơn tự nguyện xin ra khỏi hộ nghèo để nhường các khoản hỗ trợ cho những người thực sự khó khăn và chuyên tâm vào phát triển kinh tế. Với ý thức của người dân như vậy, từ một vùng đất gian khó, Chà Nưa mạnh mẽ vươn lên trở thành xã đầu tiên đạt chuẩn nông thôn mới ở Nậm Pồ với thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 28 triệu đồng/năm. Tỷ lệ hộ nghèo còn 8,4% tập trung ở các bản vùng cao còn nhiều khó khăn. Đây là con số mơ ước của nhiều hộ vùng thuận lợi, chứ chưa nói gì đến xã biên giới. Quan trọng hơn, đại đa số người dân nơi đây đã từ bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại vốn đã tồn tại từ bao đời nay.

Nếu như trước đây, người dân huyện Nậm Pồ chỉ tập trung sản xuất làm sao cho đủ ăn với phương thức sản xuất cũ, lạc hậu và vẫn trông chờ, ỷ lại vào các khoản hỗ trợ của Nhà nước, chưa thực sự muốn vươn lên thoát nghèo. Song từ khi thay đổi được tư duy sản xuất mới đã xuất hiện nhiều gương nông dân dám nghĩ, dám làm, quyết tìm tòi đưa vào thử nghiệm và nhân rộng các loại cây, con giống mới (nuôi gà, chăn nuôi trâu, bò sinh sản...) phá vỡ thế độc canh, góp phần đa dạng hóa sản xuất, phát triển các ngành nghề, dịch vụ mới trong kinh tế nông thôn. Điển hình như gia đình ông Vàng A Là, xã Si Pa Phìn. Với xuất phát điểm như bao hộ dân khác, ông Là chỉ chăn nuôi theo hình thức cũ với quy mô nhỏ lẻ một vài con nên hiệu quả kinh tế không cao. Nhận thấy vùng đất nơi mình sinh sống có nhiều thế mạnh mà thiên nhiên ban tặng như những đồng cỏ xanh quanh năm, đồi núi thấp, khí hậu mát mẻ thuận lợi cho việc chăn nuôi gia súc với quy mô lớn. Vậy nên ông đã quyết định đề nghị UBND xã cấp cho hơn 20ha đất đồi cỏ hoang để quy hoạch làm bãi chăn thả gia súc. Với sự cần cù, chịu khó và ham học hỏi, chỉ trong vài năm, số trâu, bò đã lên đến gần 70 con. Nhờ đó mà gia đình ông có nguồn thu nhập khoảng 150 triệu đồng/năm sau khi đã trừ các chi phí. Với mức thu nhập trên, gia đình ông không chỉ thoát nghèo mà đã có một cuộc sống ổn định, con cái được học hành, nhà cửa khang trang... Theo thống kê của Hội Nông dân huyện Nậm Pồ, ngoài gia đình ông Là có không ít hộ nông dân khác đã thay đổi được tư duy vươn lên thoát nghèo. Đến nay, toàn huyện có 189 hộ nông dân đạt danh hiệu hộ sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp (5 hộ cấp tỉnh).

Dù đã có nhiều đổi thay tích cực song bài toán giảm nghèo ở Nậm Pồ vẫn còn nhiều khó khăn khi tỷ lệ hộ nghèo 6 tháng đầu năm 2021 vẫn còn 49,56% - một con số không phải thấp. Đa số hộ nghèo thuộc hộ đông con, đẻ dày, thiếu lao động; nghiện ma túy; không biết cách làm ăn (tập quán sản xuất lạc hậu, chưa biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất chỉ biết đốt rừng làm nương); bệnh tật, thiên tai… Và tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước vẫn là một căn bệnh nan y khó chữa, một nếp nghĩ cố hữu trong tư duy của nhiều người dân. Ông Bùi Văn Luyện, Chủ tịch UBND huyện Nậm Pồ cho biết: Thời gian qua, các chương trình, dự án giảm nghèo được cấp ủy, chính quyền huyện quan tâm chỉ đạo để hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng. Ý thức tự vươn lên của bà con cũng đã được cải thiện nhưng còn không ít hộ giữ tư tưởng trông chờ ỷ lại vào Nhà nước. Để giải quyết vấn đề này, huyện đã và đang quan tâm giải quyết việc làm cho người dân. Tuyên truyền, vận động để người dân đi lao động tại các khu công nghiệp lớn. Đồng thời, kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp về địa phương để tạo cơ hội giải quyết việc làm tại chỗ cho người dân. Hiện nay đã có 2 doanh nghiệp tới khảo sát các phương án trồng cây mắc ca trên địa bàn huyện. Một nội dung quan trọng không kém đó là tích cực tuyên truyền, vận động và sử dụng tốt sự hỗ trợ của Nhà nước, kết hợp với nguồn lực của người dân, để họ thay đổi được tư duy sản xuất, tích cực vươn lên phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

Diệp Chi
Bình luận
Back To Top