Ðiện Biên Ðông giảm nghèo chưa bền vững

08:29 - Thứ Năm, 08/07/2021 Lượt xem: 4092 In bài viết

ĐBP - Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) Giảm nghèo bền vững, huyện Điện Biên Đông đã đạt những kết quả nổi bật, chỉ tiêu giảm nghèo đạt và vượt mục tiêu kế hoạch của tỉnh, huyện đề ra. Cơ sở hạ tầng được quan tâm đầu tư, đời sống hộ nghèo từng bước được cải thiện và nâng cao rõ rệt. Tuy nhiên kết quả xóa đói giảm nghèo vẫn chưa thực sự bền vững, tỷ lệ tái nghèo còn cao, đòi hỏi Điện Biên Đông cần có giải pháp để thực hiện hiệu quả mục tiêu giảm nghèo trong thời gian tới.

Người dân thị trấn Điện Biên Đông chăm sóc đàn gia cầm.

Những tín hiệu tích cực

Thực hiện Chương trình MTQG Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020, tổng nguồn vốn huyện Điện Biên Đông được giao hơn 369 tỷ đồng. Trong đó, vốn đầu tư phát triển hơn 283,9 tỷ đồng và vốn sự nghiệp trên 85 tỷ đồng. Từ nguồn vốn trên, huyện đã triển khai đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đời sống nhân dân. Cụ thể đã xây dựng mới và nâng cấp sửa chữa 78 công trình giao thông, thủy lợi, trạm y tế, trường học, nhà văn hóa, nước sinh hoạt với tổng kinh phí hơn 240 tỷ đồng. Thực hiện hiệu quả việc hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo, huyện đã hỗ trợ trồng rừng sản xuất, hỗ trợ mua giống trâu, bò sinh sản cho hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo; triển khai 15 mô hình chuyển đổi tập quán chăn nuôi, phát triển trâu, bò sinh sản với tổng kinh phí hơn 5,7 tỷ đồng... Nhằm nâng cao chất lượng đời sống, thu nhập cho hộ nghèo, huyện thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ về nhà ở, hỗ trợ tiền điện, y tế, giáo dục, đào tạo nghề cho lao động nông thôn, tín dụng đối với hộ nghèo. Đáng chú ý, ngoài nguồn lực đầu tư của nhà nước, huyện Điện Biên Đông làm tốt việc huy động nguồn lực xã hội để thực hiện mục tiêu giảm nghèo. Giai đoạn 2016 - 2020, tổng giá trị huyện huy động dành cho hoạt động an sinh xã hội và giảm nghèo hơn 36,5 tỷ đồng (95,7 triệu đồng quà thăm hỏi và hỗ trợ các đối tượng chính sách; hơn 2,4 tỷ đồng hỗ trợ các hộ nghèo, còn lại là cứu đói, hỗ trợ ảnh hưởng của Covid-19, trợ giúp xã hội khác).

Thông qua các hoạt động hỗ trợ trên, công tác giảm nghèo trên địa bàn huyện Điện Biên Đông đã đạt những kết quả tích cực. 5 năm qua, bình quân mỗi năm huyện giảm trên 5,2% hộ nghèo. Đến cuối năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện còn 45,22% tương đương 6.082 hộ nghèo (giảm hơn 2.000 hộ nghèo so với năm 2016). Một số chỉ tiêu khác về y tế, giáo dục cũng được huyện thực hiện đạt kế hoạch đề ra, Điện Biên Đông cũng là địa phương dẫn đầu về số người đi làm việc tại các doanh nghiệp, khu công nghiệp ngoài tỉnh và đi xuất khẩu lao động. Đồng thời huyện thực hiện tốt chính sách hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ gia đình chính sách; đảm bảo an sinh xã hội... Nhờ đó, cuộc sống của hộ nghèo trên địa bàn huyện đã từng bước được cải thiện, nâng cao.

Kết quả giảm nghèo chưa bền vững

Mặc dù công tác giảm nghèo trên địa bàn huyện Điện Biên Đông đã có sự chuyển biến đáng ghi nhận song vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần khắc phục. Đặc biệt là kết quả xóa đói giảm nghèo chưa thực sự bền vững, tỷ lệ hộ phát sinh nghèo và tái nghèo còn cao. Năm 2018 toàn huyện có 67 hộ tái nghèo, năm 2019 là 70 hộ và năm 2020 dù có giảm song vẫn còn 30 hộ. Bên cạnh đó, chênh lệch thu nhập giữa các hộ, nhóm hộ, các vùng, dân tộc còn cao, tiềm ẩn nhiều yếu tố gia tăng khoảng cách; tập quán sản xuất, sinh hoạt của đồng bào vùng cao chưa thực sự thoát khỏi tính tự túc, tự cấp; tình trạng thiếu đất canh tác nông nghiệp còn tồn tại ở nhiều vùng. Đáng nói, người nghèo, thậm chí một số cấp ủy, chính quyền địa phương ở cơ sở vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước; người lao động trong các hộ nghèo chưa qua đào tạo, trình độ học vấn thấp, thiếu chuyên môn kỹ thuật và kiến thức nên chưa chủ động, sáng tạo trong lao động sản xuất. Mặt khác, nguồn vốn ngân sách Trung ương để thực hiện chương trình MTQG Giảm nghèo bền vững trong những năm qua bố trí còn thấp trong khi đó việc huy động các nguồn lực khác trên địa bàn còn hạn chế; các chính sách, dự án giảm nghèo còn đầu tư dàn trải, có những bất cập nhất định, chưa có sự gắn kết, lồng ghép hiệu quả giữa một số chính sách, chương trình, dự án...

Theo ông Bùi Ngọc La, Chủ tịch UBND huyện Điện Biên Đông, để khắc phục những tồn tại trên, giải pháp quan trọng được huyện tập trung thực hiện là đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người nghèo, giúp họ có ý thức tự phấn đấu vươn lên thoát nghèo, biết thực hành tiết kiệm, học hỏi cách làm ăn, tận dụng hiệu quả các nguồn lực hỗ trợ để phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống. Hàng năm huyện chủ động rà soát thực trạng hộ nghèo, xác định nguyên nhân đói nghèo và đề ra giải pháp tổ chức thực hiện cụ thể đối với từng cấp, ngành, phân công trách nhiệm rõ ràng cho tập thể và cá nhân. Đồng thời sử dụng hiệu quả các nguồn lực, lồng ghép các nguồn vốn đầu tư, kết hợp chặt chẽ giữa nguồn lực đầu tư của Nhà nước, địa phương, doanh nghiệp và cộng đồng; gắn đầu tư phát triển sản xuất với đầu tư cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tăng cường vai trò của ban chỉ đạo các chương trình MTQG các cấp; thực hiện nghiêm túc công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện các chương trình, dự án giảm nghèo... Từ đó, thực hiện hiệu quả mục tiêu giảm nghèo bền vững trong giai đoạn tới, như: Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 4,5%/năm; thu nhập bình quân đầu người đến năm 2025 đạt 30 triệu đồng/năm; đào tạo nghề cho khoảng 3.000 lao động, phấn đấu mỗi năm tạo việc làm mới cho trên 500 lao động; 100% số bản có điện lưới quốc gia, 95% dân số được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh...

Đức Linh
Bình luận
Back To Top