Sớm gỡ khó cho hoạt động kinh doanh vận tải hành khách

08:02 - Thứ Hai, 12/07/2021 Lượt xem: 4298 In bài viết

ĐBP - Vận tải hành khách là một trong những ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất do dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh. Thời gian qua, không ít doanh nghiệp (DN) vận tải hành khách chưa thể phục hồi do liên tiếp chịu tác động của dịch bệnh. Với nhiều khó khăn trong việc duy trì hoạt động, DN vận tải mong muốn có sự đồng hành, hỗ trợ để tháo gỡ, tiếp tục sản xuất kinh doanh.

Xe khách liên tỉnh chuẩn bị xuất bến tại Bến xe khách tỉnh.

Cắt, giảm chuyến cố định

Liên tiếp chịu tác động của dịch Covid-19 khiến nhiều đơn vị kinh doanh vận tải hành khách tuyến cố định dù phải xuất bến với xe không hoặc chỉ có vài khách vẫn phải chấp nhận bù lỗ duy trì chạy để giữ lốt, giữ khách.

Ông Nguyễn Văn Hạ, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Tân Thanh (phường Tân Thanh, TP. Điện Biên Phủ) cho biết: Trước những khó khăn trong thời gian dịch bệnh Covid-19, HTX đã nhiều lần đề nghị Sở Giao thông vận tải (GTVT) điều chỉnh tạm thời phương án khai thác các tuyến cố định để tháo gỡ khó khăn, giảm thiểu thiệt hại và đã được Sở chấp thuận. Từ ngày 11/5 - 31/10, HTX Tân Thanh đã giảm 30 chuyến vận tải hành khách cố định đang hoạt động xuống còn 15 chuyến/tháng tuyến Mường Chà - Bắc Giang và ngược lại. Ngoài ra, tuyến từ bến xe Mường Luân (huyện Điện Biên Đông) đi bến xe Triều Dương (tỉnh Hưng Yên) và ngược lại lúc 12 giờ 30 phút và 16 giờ, HTX cũng giảm 24 chuyến đang hoạt động xuống còn 12 chuyến/tháng. Đồng thời, cắt một số tuyến liên tỉnh như: Mường Luân - Móng Cái (Quảng Ninh) và ngược lại, Mường Luân - bến xe Thượng Lý (TP. Hải Phòng) và ngược lại; chuyến nội tỉnh như: TP. Điện Biên Phủ - QL12 - Mường Chà - QL4H - Mường Nhé và ngược lại, chuyến từ bến xe TP. Điện Biên Phủ - QL279 - ngã ba Pom Lót - QL12 - Na Son - bến xe Mường Luân và ngược lại. Là DN nhỏ, tiềm lực tài chính không nhiều nên khi doanh thu thấp, tất cả các lái xe đã đồng thuận giảm hoặc nghỉ việc, chờ dịch bệnh đi qua sẽ khôi phục hoạt động.

Còn với Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng số 6 vừa qua cũng đã đề nghị Sở GTVT tạm thời giảm số chuyến chạy xe trên các tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh trong thời gian dịch bệnh Covid-19. Cụ thể là từ ngày 13/5 đến hết ngày 10/7, Công ty sẽ giảm từ 60 chuyến xuống còn 30 chuyến/tháng tuyến từ Điện Biên đi Hà Nội và ngược lại. Để người dân biết và chủ động cho việc đi lại thuận tiện, tại bến xe khách hai đầu tuyến đã thực hiện niêm yết công khai các thông tin về việc giảm số chuyến chạy xe. Sau thời gian tạm thời giảm số chuyến xe trên, Công ty sẽ tiếp tục thực hiện theo phương án khai thác tuyến đã được Sở phê duyệt.

Không chỉ các doanh nghiệp vận tải hành khách tuyến cố định gặp khó khăn, thời gian qua các loại hình vận tải khác như: Xe buýt, taxi cũng bị ảnh hưởng lớn bởi các diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19. Nhiều đơn vị kinh doanh hoạt động vận tải khách không chỉ thiệt hại về doanh thu mà còn phải thêm gánh nặng đảm bảo đời sống của người lao động, chi trả lương hàng tháng. Trong khi đó, hầu hết DN vận tải đều phải vay ngân hàng để đầu tư phương tiện nên đang chịu áp lực rất lớn về lãi suất và lộ trình trả nợ ngân hàng. Ngoài ra còn các khoản phí đăng kiểm, phí bảo trì đường bộ, phí bảo dưỡng… dù phương tiện không hoạt động hoặc chỉ hoạt động cầm chừng.

Đồng hành cùng doanh nghiệp

Ông Nguyễn Thái Bình, Phó Giám đốc Sở GTVT cho biết: Để hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, từng bước phục hồi hoạt động kinh doanh cho các DN vận tải trên địa bàn, Sở GTVT đã hướng dẫn các đơn vị kinh doanh vận tải chủ động đề xuất, xem xét việc giảm, cắt một số chuyến cố định liên tỉnh và nội tỉnh vừa đảm bảo nhu cầu đi lại của người dân vừa thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch. Khi tình hình dịch bệnh tại các địa phương tương đối ổn định thì Sở kịp thời cho đơn vị vận tải tiếp tục hoạt động nhưng phải thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch. Đồng thời, hướng dẫn các đơn vị kinh doanh vận tải phối hợp với cơ quan liên quan đánh giá những khó khăn, thống kê thiệt hại. Từ đó, báo cáo đề xuất, kiến nghị Bộ GTVT, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan xem xét có các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho lĩnh vực vận tải đường bộ. Trước mắt, Sở GTVT chủ động nghiên cứu phương án đề xuất Bộ và UBND tỉnh thực hiện các biện pháp hỗ trợ về tài chính như giãn nộp thuế.

Mặc dù đến nay, Điện Biên đã mở một số tuyến liên tỉnh song khi đi qua tỉnh Sơn La (chưa mở tuyến) còn gặp nhiều khó khăn. Sở GTVT đã phối hợp với Sở đối lưu hướng dẫn DN vận tải hành khách dừng đỗ tại điểm theo quy định. Riêng tuyến nội tỉnh, thực hiện chỉ đạo UBND tỉnh, Sở GTVT chỉ đạo dừng vận tải khách, song cũng linh hoạt không dừng tuyệt đối các tuyến vào huyện Nậm Pồ vì còn hoạt động vận chuyển hàng hỗ trợ. Để hoạt động vận tải diễn ra được an toàn đi đôi với đảm bảo công tác phòng, chống dịch, Sở GTVT cũng chỉ đạo lực lượng thanh tra giao thông tiếp tục phối hợp với lực lượng chức năng của Công an tỉnh giám sát hoạt động của các phương tiện vận tải khách.

Bài, ảnh: Mai Phương
Bình luận
Back To Top