Tạo đồng thuận trong GPMB các dự án trọng điểm

07:45 - Thứ Năm, 15/07/2021 Lượt xem: 4897 In bài viết

ĐBP - Để các dự án trên địa bàn TP. Điện Biên Phủ thực hiện đúng tiến độ, sớm đi vào hoạt động thì công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) là một trong những nhiệm vụ phải đi trước một bước, là nhiệm vụ rất quan trọng và phức tạp vì ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của người dân; tiềm ẩn nguy cơ gây mất an ninh, trật tự tại cơ sở. Do đó cần có sự tập trung vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị từ tỉnh tới cơ sở, trong đó phải phát huy được vai trò, trách nhiệm của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội.

Lãnh đạo Trung tâm Quản lý đất đai TP. Điện Biên Phủ giải đáp chế độ, chính sách liên quan tới công tác giải phóng mặt bằng Dự án Đường 60m cho người dân có đất bị thu hồi thực hiện dự án tại phường Him Lam.

Tại cuộc họp do Ban Dân vận Tỉnh ủy tổ chức đầu tháng 7 vừa qua với sự tham gia của lãnh đạo các ban xây dựng Đảng, Đảng đoàn, MTTQ và các tổ chức hội, đoàn thể tỉnh cùng hệ thống chính trị TP. Điện Biên Phủ đã tập trung họp bàn, thống nhất giải pháp dân vận trong GPMB Dự án Đường 60m và Dự án Hạ tầng kỹ thuật khung. Ông Lê Tiến Dũng, Chủ tịch UBND TP. Điện Biên Phủ thông tin về tiến độ, các biện pháp thực hiện giải phóng mặt bằng cũng như những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện đối với 2 dự án trọng điểm trên. Dù thành phố đã nỗ lực trong công tác tuyên truyền, vận động, giải đáp chế độ chính sách liên quan tới bồi thường, GPMB cho các hộ dân có đất bị thu hồi để thực hiện dự án, song tới nay tại cả 2 dự án trên tiến độ đều rất chậm. Nguyên nhân chủ yếu là “vướng” trong công tác GPMB. Đến thời điểm này, Dự án Đường 60m còn 7% diện tích chưa GPMB (7.192,3m2/105.582m2); 36 hộ chưa bàn giao mặt bằng, trong đó 23 hộ chưa nhận tiền, chưa bàn giao mặt bằng với lý do giá bồi thường thấp, đề nghị cấp đất tái định cư (TĐC) cho con (giao đất có thu tiền sử dụng đất không qua đấu giá); 13 hộ đã nhận tiền nhưng chưa bàn giao mặt bằng với lý do chưa có đất TĐC. Tương tự, với Dự án Hạ tầng kỹ thuật khung đến thời điểm hiện tại diện tích chưa GPMB chiếm 18,6% (3,75ha/20,17ha). Trong đó còn 29 hộ chưa cho kiểm đếm với lý do chưa có thông báo thu hồi đất, các hộ không nhất trí làm dự án; 91 hộ chưa nhận tiền và nhận tiền nhưng chưa bàn giao mặt bằng với lý do chưa có đất TĐC, giá bồi thường thấp; đề nghị làm xong Đường 60m mới nhận tiền và bàn giao mặt bằng.

Tại cuộc họp, bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Phó Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy cho rằng, điểm mấu chốt để giải quyết những vướng mắc trong công tác GPMB đối với 2 dự án trọng điểm trên là thành phố cần quan tâm tới việc bố trí cán bộ, công chức có khả năng vận động, thuyết phục; am hiểu về chế độ, chính sách làm công tác tuyên truyền, vận động; nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân để bà con tin tưởng, đồng thuận, chấp hành. Cùng với đó là phải thực hiện tốt khâu giám sát việc bồi thường lập phương án hỗ trợ TĐC, tăng cường đối thoại với nhân dân. Nếu phát hiện việc áp dụng cơ chế, chính sách chưa phù hợp, chưa đảm bảo quyền lợi chính đáng của nhân dân mà sau đó bà con kiến nghị, phản ánh thì phải được xem xét cụ thể từng trường hợp và có trả lời cụ thể, kịp thời để nhân dân biết. Còn nếu các cơ quan chức năng đã triển khai thực hiện đúng thì phải tăng cường công tác tuyên truyền, vận động để người dân hiểu, đồng thuận trong quá trình thực hiện. Bà Huyền nhấn mạnh, cán bộ làm công tác dân vận, xuống với dân tuyên truyền, giải thích chế độ chính sách sau khi người dân phản ánh, kiến nghị ngoài chính sách phải nói luôn, nói ngay; không thể vì ngại va chạm mà cứ “Xin tiếp thu để báo cáo lên cấp trên xem xét”. Làm như vậy sẽ không hiệu quả, người dân sẽ không tin vào cán bộ mà cần giải thích rõ quy định, chế độ chính sách của Đảng, Nhà nước, của tỉnh để bà con hiểu. Bà Huyền cũng thẳng thắn khi cho rằng, biết quá trình thực hiện các dự án trọng điểm ở thành phố vướng ở khâu GPMB, song trên thực tế cách làm của thành phố vẫn cứ là “độc lập tác chiến”, chưa phát huy được vai trò của MTTQ và các tổ chức hội, đoàn thể, chính trị - xã hội, chưa “kéo” được già làng, trưởng bản, người có uy tín ở khu dân cư cùng vào cuộc.

Bà Huyền thông tin, qua 2 lần trực tiếp xuống địa bàn, tiếp xúc với các hộ có đất bị thu hồi thực hiện dự án cho thấy một số vướng mắc cần được thành phố quan tâm giải quyết đó là việc một bộ phận người dân chưa đồng thuận về cơ chế chính sách, cách áp dụng giá. Thực tế có bất cập đó là giá đất áp cho tổ 12, 16, 17, 18 phường Him Lam mỗi địa bàn một giá. Cùng loại đất nhưng mức áp cao nhất tới 950.000 đồng/m2 nhưng có nơi chỉ từ 350.000 - 450.000 đồng/m2. Nếu cứ áp dụng chính sách này theo quyết định Tổ liên ngành 875 mà người dân bức xúc, phản ánh mà cán bộ vẫn làm thì chưa thể gọi là... dân vận.

Vấn đề Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Lò Văn Mừng đặt ra là đối với 2 dự án trọng điểm của thành phố không phải là lớn so với các dự án khác của nhiều tỉnh, như: Quảng Ninh, Nghệ An... và các tỉnh khác thực hiện được trong khi tại thành phố thì lại vướng? Dù biết rằng công tác GPMB không dễ bởi liên quan tới quyền lợi của người dân có đất bị thu hồi. Đồng thuận với quan điểm của bà Huyền, ông Lò Văn Mừng cho rằng công tác dân vận trong GPMB các dự án cần phải được thực hiện bài bản và phải “kéo” được cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc để tuyên truyền, vận động giúp người dân hiểu, đồng thuận và chấp hành. Cần phải có phương pháp, kỹ năng về dân vận; phân loại nhóm các gia đình có cùng nguyên nhân, kiến nghị để tuyên truyền, vận động; phân công cụ thể nhiệm vụ cho từng đồng chí cấp ủy viên vào cuộc vận động từng nhóm gia đình, tổ dân phố. Cách làm này cần phải được thực hiện bài bản, theo đúng quy trình và có thời hạn giải quyết cụ thể chứ không sẽ “vỡ trận”. Thêm vào đó là phải nhất quán trong công tác tuyên truyền về chế độ, chính sách; phân công nhiệm vụ các đồng chí cấp ủy tham gia các tổ tuyên truyền, vận động; thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở, phát huy vai trò của người uy tín ở khu dân cư. Công tác tuyên truyền, vận động cần đi vào từng nhóm hộ, những kiến nghị, đề xuất chính đáng của người dân phải được nghiêm túc xem xét tham mưu giải quyết, giải quyết.

Ông Mừng nêu quan điểm, người dân bức xúc cùng một vấn đề, một nội dung qua nhiều năm là phải có nguyên nhân, có cơ sở. Muốn người dân làm theo, tin theo thì phải thực hiện đúng, phù hợp với chủ trương của Đảng, chính sách, quy định của Nhà nước, của tỉnh. Do đó cần phát huy quy chế dân chủ, thực hiện tốt phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” ngay từ giai đoạn công bố quy hoạch đến triển khai dự án. Kiên trì bám cơ sở, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân, kịp thời tham mưu cấp có thẩm quyền giải quyết, bảo đảm tối đa quyền lợi của người dân bị thu hồi đất.

Minh Thùy
Bình luận
Back To Top