Vào cuộc quyết liệt để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho chủ đầu tư

12:53 - Thứ Bảy, 17/07/2021 Lượt xem: 4355 In bài viết

ĐBP - Đó là ý kiến chỉ đạo của đồng chí Lê Thành Đô, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tại Hội nghị đánh giá tình hình tổ chức triển khai thực hiện và bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc các dự án phát triển mắc ca trên địa bàn tỉnh Điện Biên, diễn ra sáng nay (17/7).

Dự hội nghị có đồng chí Lò Văn Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng đại diện lãnh đạo các sở, ngành và Bí thư Huyện ủy 5 huyện: Điện Biên, Điện Biên Đông, Tuần Giáo, Nậm Pồ và Mường Nhé; đại diện chủ đầu tư các dự án trồng cây mắc ca đang triển khai trên địa bàn tỉnh Điện Biên.

Đồng chí Lê Thành Đô, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại hội nghị.

Theo báo cáo tại hội nghị, đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh đã trồng được 3.387ha cây mắc ca; trong đó trồng thuần 2.884ha, trồng xen với cây trồng khác 543ha, tập trung chủ yếu tại các huyện: Tuần Giáo, Mường Nhé, Mường Ảng, Điện Biên Đông, Điện Biên và TP Điện Biên Phủ. Phần lớn diện tích trồng cây mắc ca do các doanh nghiệp đầu tư với diện tích trên 2.600ha, số còn lại do các địa phương trồng xen kẽ, trồng thử nghiệm và người dân trồng tự phát. Từ năm 2017 đến nay, UBND tỉnh đã phê duyệt chủ trương đầu tư cho 5 dự án trồng cây mắc ca với tổng mức đầu tư 4.730 tỷ đồng, quy mô thực hiện trên diện tích 17.214ha. Theo đánh giá, các dự án trồng mắc ca đều chậm so với tiến độ, diện tích thực tế triển khai chỉ đạt 15% so với quy mô đã phê duyệt (2.616/16.854ha). Nguyên nhân chính khiến chậm tiến độ là do chủ đầu tư gặp khó khăn trong thực hiện các thủ tục liên quan đến đất đai và tiến hành giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án.

Cụ thể, diện tích đất trong vùng dự án hiện đều do người dân quản lý, sử dụng, khiến chủ đầu tư mất nhiều vốn và thời gian làm các thủ tục đền bù giải phóng mặt bằng; các thủ tục về đất đai rườm rà, phức tạp, còn có tranh chấp rất khó thực hiện; người dân một số địa phương chưa đồng thuận với chủ trương của dự án; một số cơ quan, đơn vị chưa đồng thuận, tạo điều kiện cho chủ đầu tư làm các thủ tục của dự án....

Từ thực tế trên, các đại biểu đã thảo luận, lắng nghe, tiếp thu ý kiến, kiến nghị của các nhà đầu tư. Qua đó, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thành Đô đã đề nghị các đơn vị, sở, ngành liên quan và chính quyền các huyện đang triển khai dự án phát triển cây mắc ca cần phải đồng hành và vào cuộc quyết liệt để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho chủ đầu tư. Từ đó đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án trồng mắc ca trong năm 2021 và những năm tiếp theo.

Việc cần làm ngay lúc này, đồng chí Lò Văn Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng: Các huyện và ngành chức năng liên quan cần nhanh chóng thực hiện đo đạc, quy chủ, giao đất, giao rừng. Từ đó cụ thể hóa các chương trình, hỗ trợ cho người dân địa phương, tạo quỹ đất, điều kiện thuận lợi cho chủ đầu tư triển khai dự án. Các sở, ngành tỉnh cần đồng thuận, phối hợp và tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho chủ đầu tư nhanh chóng hoàn tất các thủ tục nằm trong dự án; mỗi huyện đang được triển khai dự án trồng cây mắc ca cần quan tâm, vào cuộc và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân sở tại đồng thuận, hiểu rõ cơ chế, chính sách của dự án. Có thể nói, việc phát triển cây mắc ca trên địa bàn tỉnh Điện Biên ngoài mục đích giải quyết việc làm, phát triển kinh tế, đó còn là giải pháp phủ xanh rừng, góp phần ổn định dân cư và quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo ra giá trị hàng hóa của tỉnh Điện Biên.

Tin, ảnh: Phương Liên
Bình luận
Back To Top