Quyết liệt các giải pháp phát triển KT - XH

08:13 - Thứ Sáu, 23/07/2021 Lượt xem: 4260 In bài viết

ĐBP - Theo đánh giá của UBND tỉnh, 6 tháng cuối năm, tình hình phát triển kinh tế - xã hội (KT - XH) của tỉnh sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức. Đặc biệt, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp, có khả năng bùng phát trở lại trên địa bàn. Để thực hiện hiệu quả mục tiêu kép: Vừa phòng, chống dịch, bảo vệ sức khỏe nhân dân vừa phục hồi phát triển KT-XH, tỉnh sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp thúc đẩy KT-XH phát triển. Trong đó, tập trung quyết liệt phòng, chống dịch bệnh Covid-19 được xem là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. 

Tổ chốt phòng dịch Covid-19 Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Tây Trang làm nhiệm vụ tại mốc 113 tuyến biên giới Việt - Lào.

6 tháng đầu năm, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tiếp tục bùng phát, trên địa bàn tỉnh phát sinh hai đợt dịch với nhiều ca bệnh mắc mới trong cộng đồng, nhưng với sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền các cấp và nhân dân, tỉnh ta đã đạt được những kết quả tích cực trong thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH. Dịch bệnh Covid-19 đã cơ bản được kiểm soát; quốc phòng - an ninh được đảm bảo. Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) 6 tháng đầu năm 2021 ước đạt 5.665,5 tỷ đồng (theo giá so sánh năm 2010), tăng 3,65% so với cùng kỳ năm trước; trong đó khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt 1.072,17 tỷ đồng, tăng 2,47%; khu vực công nghiệp - xây dựng đạt 1.083,63 tỷ đồng, tăng  4,29%; khu vực dịch vụ đạt 3.266,1 tỷ đồng, tăng 3,85%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm đạt 243,61 tỷ đồng, tăng 3,27% so với cùng kỳ năm trước. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Các chính sách an sinh xã hội tiếp tục được thực hiện kịp thời, góp phần làm giảm khó khăn cho các đối tượng bị ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Bên cạnh những kết quả đạt được trong thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH 6 tháng đầu năm, thì hầu hết các chỉ tiêu kinh tế không đạt kế hoạch đề ra. Để nhanh chóng phục hồi và nâng cao tốc độ tăng trưởng kinh tế, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội; đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành tích cực, chủ động, quyết liệt thực hiện đồng bộ 8 nhiệm vụ trọng tâm và 12 nhóm giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2021 theo Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ. Chủ động khắc phục những khó khăn, hạn chế, phấn đấu hoàn thành cao nhất mục tiêu phát triển KT-XH của HĐND tỉnh giao năm 2021. Theo đó, giải pháp được quan tâm, chú trọng là thực hiện hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19. Các ngành, các cấp, đặc biệt là các lực lượng tuyến đầu chống dịch đề cao tinh thần trách nhiệm, tập trung trí tuệ, thời gian, công sức cho công tác phòng, chống dịch, nêu cao tinh thần “chống dịch như chống giặc”; khắc phục ngay những hạn chế, bất cập chuẩn bị sẵn sàng cho các tình huống xấu hơn theo phương châm “4 tại chỗ”, bảo đảm ổn định cuộc sống cho người dân; tuyệt đối không lơ là, chủ quan trước dịch bệnh; tổ chức tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho người dân trên địa bàn tỉnh theo kế hoạch.

Trong lĩnh vực phát triển kinh tế, Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo rà soát hoàn thiện và giao kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 cho các đơn vị, địa phương; xây dựng kế hoạch phát triển KT- XH, dự toán ngân sách và kế hoạch đầu tư công năm 2022. Đây được xem là những nội dung quan trọng, là nền tảng, tạo cơ sở pháp lý thúc đẩy phục hồi kinh tế. Để sản xuất nông, lâm nghiệp và kinh tế nông thôn phát triển, các cơ quan chuyên môn theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, thiên tai để chủ động sản xuất, ứng phó kịp thời, hiệu quả, không để bị động, bất ngờ, hạn chế tối đa thiệt hại trong quá trình sản xuất. Triển khai gieo cấy vụ mùa, cây trồng vụ hè thu, trồng rừng, cây phân tán, cây ăn quả. Chú trọng thực hiện công tác dự tính, dự báo và phòng, chống dịch, bệnh trên cây trồng, vật nuôi. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện giao đất, giao rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại các địa phương. Thúc đẩy phát triển kinh tế lâm nghiệp thông qua trồng rừng sản xuất, trồng cây gỗ lớn, đa tác dụng, trồng cây lâm sản ngoài gỗ, cây dược liệu phù hợp, có giá trị kinh tế cao. Tiếp tục kêu gọi, thu hút đầu tư dự án vào nông nghiệp, lâm nghiệp, nông thôn. Ở lĩnh vực công nghiệp, xây dựng, tỉnh thực hiện các ưu đãi, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào khu, cụm công nghiệp, mở rộng thị trường đầu ra cho các sản phẩm công nghiệp. Đồng thời, tháo gỡ các khó khăn liên quan đến điều chỉnh quy hoạch xây dựng, công tác giải phóng mặt bằng, vật liệu san lấp, mỏ đất đắp, các vị trí bãi đất đổ thải. Tạo điều kiện để các nhà đầu tư nghiên cứu, khảo sát, đầu tư các khu đô thị mới, hạ tầng kỹ thuật tại các đô thị, trọng tâm là thành phố Điện Biên Phủ. Tăng cường quản lý hoạt động xây dựng, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả và tiến độ trong công tác thẩm định dự án. Đẩy mạnh công tác xúc tiến, phát triển thương mại đến vùng nông thôn và thương mại biên giới; tăng cường tham gia quảng bá, xúc tiến du lịch tại các tỉnh, thành trong cả nước, trọng tâm là tổ chức “Tuần Văn hóa - Du lịch Điện Biên tại Hà Nội năm 2021”. Tập trung xây dựng môi trường đầu tư, kinh doanh minh bạch, thông thoáng; rà soát đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong quá trình giải quyết thủ tục đầu tư, giao đất, cho thuê đất, cấp phép xây dựng. Phấn đấu hết năm 2021, số lượng các dự án kêu gọi đầu tư đạt 15 dự án, với tổng mức đầu tư 2.000 tỷ đồng, trong đó có ít nhất 1 dự án FDI.

Tập trung chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các đơn vị tăng cường nhân lực, trang thiết bị, máy móc để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm của tỉnh như: Dự án Đường 60m và Dự án Hạ tầng khung thực hiện hoàn thành dứt điểm công tác giải phóng mặt bằng, bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công trước 30/8/2021, hoàn thành công trình trong năm 2021. Thực hiện hoàn thành Dự án giải phóng mặt bằng và xây dựng các điểm tái định cư Dự án Đầu tư xây dựng mở rộng Cảng Hàng không Điện Biên theo kế hoạch. Khẩn trương hoàn thành các thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng để sớm khởi công Dự án Đường giao thông kết nối các khu vực kinh tế trọng điểm thuộc vùng kinh tế động lực dọc trục quốc lộ 279 và quốc lộ 12. Tăng cường công tác quản lý, sắp xếp, sử dụng tài sản công; quản lý, sử dụng có hiệu quả các nguồn kinh phí hỗ trợ xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, hỗ trợ phát triển sản xuất.

Bài, ảnh: Mạnh Thắng
Bình luận
Back To Top