Phát triển thủy sản theo hướng hàng hóa

08:18 - Thứ Sáu, 23/07/2021 Lượt xem: 3690 In bài viết

ĐBP - Hiện nay, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh là 2.660ha. Sản lượng thủy sản đạt 2.069,5 tấn; trong đó sản lượng nuôi trồng 1.934,6 tấn, sản lượng khai thác đạt 134 tấn. Sản lượng thủy sản trong tháng 6/2021 ước đạt 344,24 tấn, tăng 5,09% so với cùng kỳ năm trước.

Người dân thôn Huổi Trẳng, xã Tủa Thàng (huyện Tủa Chùa) nuôi cá lồng trên lòng hồ sông Đà.

Bà Nguyễn Thị Hằng, Phó phòng Chăn nuôi - Thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: Nguồn nước và chất lượng nước trên địa bàn tỉnh cơ bản không bị ô nhiễm, đảm bảo cho phát triển thủy sản. Cơ cấu nuôi trồng và dịch vụ thủy sản trên địa bàn ngày càng đa dạng, nhiều giống thủy sản có giá trị được sử dụng mang lại thu nhập ổn định cho nông dân. Đặc biệt mô hình nuôi cá rô phi đơn tính trong ao, lồng bè tại các hồ chứa thủy lợi, thủy điện phát triển mạnh. Các loại cá nước lạnh, có giá trị kinh tế cao như: Hồi, tầm, lăng chấm, chiên, diêu hồng... được đầu tư phát triển. Những năm qua, để khuyến khích phát triển thủy sản theo hướng bền vững, tỉnh ta đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách kịp thời, phù hợp để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Điển hình như, Quyết định số 45/2018/QĐ-UBND, ngày 24/12/2018 của UBND tỉnh về chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông - lâm - nghiệp thực hiện cơ cấu lại ngành Nông nghiệp tỉnh. Bên cạnh đó, các địa phương lồng ghép các nguồn vốn sự nghiệp của các chương trình như: Xây dựng nông thôn mới, 30a… để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phát triển thủy sản. Nhờ đó, đến nay, có nhiều mô hình thủy sản đạt hiệu quả kinh tế cao.

Mô hình phát triển thủy sản của ông Lò Văn Yêu lớn nhất xã Thanh Chăn (huyện Điện Biên) với 20 ao cá, tổng diện tích mặt nước khoảng 1ha. Chủ yếu diện tích ao ông Yêu sử dụng để nuôi cá thương phẩm và một phần nhỏ nuôi cá giống. Cơ cấu giống thủy sản rất đa dạng, như: Cá trắm cỏ, chép, rô phi đơn tính, trê lai… Qua nhiều năm phát triển, sản phẩm thủy sản của gia đình ông Yêu không chỉ phục vụ nhu cầu thị trường trong tỉnh mà đã vươn ra cả thị trường các tỉnh Bắc Lào. Tổng thu nhập từ mô hình thủy sản khoảng 350 - 400 triệu đồng/năm.

Bản Ten Hon, xã Tênh Phông (huyện Tuần Giáo) có lợi thế với nhiều khe suối, dòng nước trong, mát lạnh chảy ra từ những khu rừng tự nhiên trên địa bàn. Năm 2015, Công ty TNHH Sơn Hạnh đã đầu tư xây dựng hệ thống bể nuôi cá hồi, cá tầm thương phẩm tại bản Ten Hon. Đến nay, tổng diện tích mặt nước đạt trên 1.000m2. Ông Tô Quốc Sơn, Giám đốc Công ty TNHH Sơn Hạnh cho biết: Đến nay, dự án đã hoạt động ổn định; chất lượng sản phẩm đảm bảo các tiêu chuẩn theo đúng quy định. Bên cạnh đó, sản phẩm cá hồi, cá tầm Tênh Phông đã được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Sở Khoa học và Công nghệ tạo điều kiện, hỗ trợ cấp mã truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Hiện nay, sản phẩm cá hồi, cá tầm Tênh Phông không chỉ đáp ứng nhu cầu trong tỉnh mà đã vươn ra thị trường các tỉnh: Sơn La, Hòa Bình, Ninh Bình, Lai Châu…

Bên cạnh sự đầu tư phát triển thủy sản của từng hộ, cá nhân, doanh nghiệp, những năm gần đây, tận dụng lợi thế với 13 hồ chứa thủy lợi và lòng hồ Thủy điện Sơn La, tỉnh ta đã đầu tư, hỗ trợ các dự án phát triển thủy sản theo hướng liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Từ đó, hình thành nghề mới ổn định, tăng thu nhập của người dân trên địa bàn. Điển hình như huyện Tủa Chùa có 50km chiều dài lòng hồ thủy điện Sơn La, huyện đã vận dụng linh hoạt các nguồn vốn để đầu tư mô hình nuôi cá lồng trên lòng hồ. Từ năm 2018 đến nay, huyện Tủa Chùa đã hỗ trợ 3 dự án nuôi cá thương phẩm trên lòng hồ thủy điện theo hướng liên kết sản xuất tại các xã: Huổi Só, Tủa Thàng và Sín Chải.

Ông Lò Văn Yến, thôn Huổi Trẳng (xã Tủa Thàng) cho biết: Năm 2018, gia đình tôi và một số hộ dân trong thôn được UBND huyện tạo điều kiện hỗ trợ chi phí làm lồng, hỗ trợ con giống và thức ăn để triển khai dự án nuôi cá lồng trên lòng hồ sông Đà. Dự án kết thúc, sản phẩm cá thương phẩm được các doanh nghiệp bao tiêu toàn bộ với giá thị trường. Từ dự án của huyện, các hộ trong thôn đã tiếp tục nhân rộng mô hình để phát triển kinh tế, tăng thu nhập.

Bà Vũ Thị Ngọc Ánh, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tủa Chùa cho biết: Phát triển nghề nuôi, đánh bắt thủy sản trên lòng hồ thủy điện cũng được xác định là một hướng chủ lực trong phát triển kinh tế của huyện. Do đó, huyện Tủa Chùa đã và đang khuyến khích, tạo điều kiện cho người dân phát triển nghề nuôi thủy sản để tăng thu nhập.

Bài, ảnh: Phạm Trung
Bình luận
Back To Top