Giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân

10:39 - Thứ Hai, 26/07/2021 Lượt xem: 2607 In bài viết

Trong 6 tháng đầu năm 2021, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam đã giữ nguyên các mức lãi suất điều hành, đồng thời điều hành linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ (CSTT) để bảo đảm thanh khoản thông suốt cho hệ thống, ổn định thị trường tiền tệ. Qua đó tạo tiền đề giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ khách hàng phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Khách hàng giao dịch tại VPBank (ảnh chụp trước ngày 27-4-2021).

Cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho hơn 241.000 khách hàng

NHNN Việt Nam cho biết, hiện nay lãi suất liên ngân hàng duy trì ở mức thấp hơn giai đoạn trước dịch Covid-19 (cuối năm 2019), thanh khoản thị trường tiền tệ dồi dào giúp các tổ chức tín dụng (TCTD) giảm áp lực chi phí vốn, sẵn sàng cung ứng vốn cho sản xuất, kinh doanh nhưng vẫn kiểm soát được lạm phát. Ngày 28-6-2021, tổng phương tiện thanh toán (M2) tăng 3,64% so với cuối năm 2020. Bên cạnh đó, NHNN Việt Nam chỉ đạo hệ thống TCTD chủ động cân đối khả năng tài chính để áp dụng lãi suất cho vay hợp lý; triệt để tiết giảm chi phí hoạt động, tập trung mọi nguồn lực để giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ và đồng hành với doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn do tác động bởi đại dịch Covid-19.

Đến ngày 14-6-2021, các TCTD đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 241.443 khách hàng với dư nợ 326.299 tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho 679.877 khách hàng với dư nợ 1.053.808 tỷ đồng. Lũy kế số tiền lãi miễn, giảm cho khách hàng từ ngày 23-1-2020 đến 14-6-2021 là 18.279 tỷ đồng. Cho vay mới lãi suất thấp hơn so với trước dịch với doanh số lũy kế từ ngày 23-1-2020 đến nay đạt 3.700.754 tỷ đồng cho hơn 500.000 khách hàng. Ngoài ra Ngân hàng Chính sách xã hội đã thực hiện gia hạn nợ cho 178.952 khách hàng với dư nợ 4.472 tỷ đồng, cho vay mới đối với hơn 3,1 triệu khách hàng với số tiền 113.710 tỷ đồng.

Kể từ ngày 1-1-2021 đến 30-6-2021, tổng số tiền lãi Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã giảm cho khách hàng là 2.115 tỷ đồng. Nhằm tiếp tục hỗ trợ khách hàng, Vietcombank quyết định giảm lãi suất tiền vay trong thời gian từ ngày 15-7-2021 đến hết 31-12-2021, cụ thể như sau: Giảm lãi suất 1%/năm cho khách hàng doanh nghiệp thuộc 9 ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh; giảm lãi suất tới 1%/năm cho khách hàng cá nhân vay vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh. Tổng số tiền lãi hỗ trợ khách hàng trong 6 tháng cuối năm 2021 dự kiến lên tới 4.000 tỷ đồng và cả năm 2021 là 6.100 tỷ đồng.

Trong 6 tháng đầu năm 2021, lĩnh vực được Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) tập trung hỗ trợ là các ngành vận tải, nhà hàng, khách sạn và giáo dục. Không chỉ trợ giúp các khách hàng hiện hữu, các khoản vay mới cũng được VPBank hỗ trợ nhằm giúp khách hàng ổn định, phục hồi sản xuất, kinh doanh, giảm thiểu tác động của dịch Covid-19. Mức lãi suất hỗ trợ bình quân cho các khoản vay mới của các doanh nghiệp vừa và nhỏ là 0,85% và với khách hàng cá nhân được giảm đến 1,2%, trong đó mặt bằng lãi suất mới của các doanh nghiệp lớn thấp hơn đến 1% so với trước đây. Tổng số khách hàng được VPBank giảm lãi suất trong 6 tháng đầu năm 2021 là hơn 100.000 khách hàng với tổng dư nợ tương ứng là gần 140.000 tỷ đồng. Số lãi đã giảm cho các phân khúc khách hàng này lên tới hàng trăm tỷ đồng.

Điều hành tín dụng hiệu quả

Trên cơ sở mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2021 khoảng 6,5% và lạm phát khoảng 4% được Quốc hội và Chính phủ đề ra cho năm 2021, NHNN Việt Nam đã xây dựng chỉ tiêu định hướng tín dụng cả năm 2021 khoảng 12% và có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế. Đồng thời, thông báo chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2021 đối với từng TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài trên cơ sở tình hình hoạt động, khả năng tăng trưởng tín dụng lành mạnh, an toàn. Bên cạnh đó, NHNN Việt Nam tiếp tục chỉ đạo các TCTD tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ. Kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như: Bất động sản, chứng khoán, các dự án BOT, BT giao thông; tăng cường quản lý rủi ro đối với cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, tín dụng tiêu dùng. Tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, góp phần hạn chế tín dụng đen.

Từ nay tới cuối năm, NHNN Việt Nam tập trung chỉ đạo cơ cấu lại các TCTD yếu kém bằng các hình thức phù hợp với cơ chế thị trường trên nguyên tắc thận trọng, bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền và giữ vững sự ổn định, an toàn hệ thống các TCTD; tiếp tục tăng cường năng lực tài chính cho các ngân hàng thương mại nhà nước, bảo đảm vai trò chủ đạo của các ngân hàng này trong hệ thống các TCTD. NHNN Việt Nam chỉ đạo các TCTD tăng cường kiểm soát chất lượng tín dụng; tích cực triển khai các biện pháp kiểm soát và hạn chế nợ xấu phát sinh, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

P.V (theo QĐND)
Bình luận
Back To Top