Kết nối, quảng bá, tiêu thụ nông sản thời 4.0

07:39 - Thứ Tư, 28/07/2021 Lượt xem: 4575 In bài viết

ĐBP - Giúp khách hàng cập nhật thông tin nhanh chóng, không bị giới hạn về thời gian, khoảng cách địa lý, tiếp cận nhiều đối tượng khác nhau là những ưu điểm, tiện ích mang lại của việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm thông qua ứng dụng trên mạng internet. Trong bối cảnh Điện Biên chưa có sàn giao dịch thương mại điện tử (TMĐT), trước mắt các doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX), hộ kinh doanh đã lựa chọn ngày càng nhiều việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm nông sản - thế mạnh của tỉnh trên nhiều kênh internet như website riêng, zalo, facebook.

Sản phẩm nông sản của hội viên được Hội Liên hiệp Phụ nữ TX. Mường Lay giới thiệu, quảng bá.

Ứng dụng nhiều kênh internet

Nhận thấy tiện ích của việc quảng bá xúc tiến thương mại trên mạng internet, hiện nay, ngày càng nhiều DN, HTX, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, kết nối internet, sử dụng các phần mềm trong sản xuất điều hành, như: Phần mềm kế toán, quản lý nhân sự, quản lý bán hàng. Một số doanh nghiệp cũng chủ động xây dựng website riêng và thành lập các trang mạng xã hội (zalo, facebook) để thúc đẩy tiếp thị, quảng bá, trao đổi thông tin qua internet. Sau thời gian ứng dụng trên nhiều kênh internet, hầu hết các DN, HTX đều cho rằng so với phương thức truyền thống, đây là kênh tiếp cận với người tiêu dùng nhanh, hiệu quả nhất, đặc biệt là có chi phí thấp.

Truy cập vào website nongsantamsang.com, ở bất cứ đâu người tiêu dùng cũng có thể nắm được các thông tin giới thiệu về HTX Dịch vụ tổng hợp Thanh Yên (đội 2, xã Thanh Yên, huyện Điện Biên); giá thành các sản phẩm gạo Hana 112 Điện Biên Tâm Sáng, gạo lứt đỏ Tâm Sáng, gạo séng cù Điện Biên Tâm Sáng, gạo tám Điện Biên Tâm Sáng; chính sách đại lý và nhà phân phối cũng như nhanh chóng liên hệ được với HTX cung cấp, phân phối sản phẩm nông sản. Ông Quản Bá Tới, Giám đốc HTX Dịch vụ tổng hợp Thanh Yên cho biết: HTX được thành lập từ tháng 1/2015 ban đầu với 10 thành viên, thế mạnh là chuyên sản xuất, cung ứng các sản phẩm nông sản gạo chất lượng cao đạt tiêu chuẩn VietGAP và ngày càng được nhiều khách hàng tin dùng. Năm 2017, HTX lập website với tên miền nongsantamsang.com để quảng bá, giới thiệu các sản phẩm nông sản. Cùng với phương thức bán hàng truyền thống, nhiều đơn hàng hiện nay của HTX đều qua các ứng dụng trên mạng internet. Đặc biệt, qua ứng dụng trên facbook với tên miền “Gạo Tâm Sáng - gạo cao cấp số 1 Điện Biên”, khách hàng chỉ việc inbox để lên đơn số lượng, địa chỉ và lựa chọn phương thức vận chuyển, thanh toán là đã có thể nhanh chóng mua được sản phẩm. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, đây cũng là kênh tiêu thụ sản phẩm nông sản hiệu quả, không tốn chi phí. Nhờ sự nỗ lực kết nối, quảng bá, năm 2019 đã đánh dấu bước chuyển mình của HTX khi thành công giới thiệu sản phẩm gạo tới thị trường Hà Nội và ngay sau đó được bày bán tại hệ thống siêu thị VinMart lớn trên địa bàn Hà Nội.

Không chỉ với HTX Dịch vụ tổng hợp Thanh Yên mà hiện nay rất nhiều DN, HTX, hộ kinh doanh đã chú trọng đẩy mạnh việc giới thiệu, quảng bá sản phẩm nông sản trên trang thông tin và mạng xã hội. 

Hướng tới cách mạng công nghiệp 4.0

Ông Trịnh Huy Đông, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại (Sở Công Thương) cho biết: Trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 thì việc ứng dụng công nghệ thông tin trong xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là nông sản rất quan trọng. Hiện nay, đa số là doanh nghiệp của tỉnh có quy mô nhỏ và vừa, chủ yếu sản xuất, kinh doanh các sản phẩm nông sản như: Gạo, chè, cà phê, mật ong, miến dong, hoa quả, rau xanh các loại… Nhằm giúp cho các DN, HTX trên phát triển đồng bộ ứng dụng TMĐT phục vụ sản xuất kinh doanh, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh mở rộng và phát triển thị trường, Sở Công Thương đã xây dựng Đề án “Xây dựng, phát triển bộ thương hiệu trực tuyến cho các sản phẩm chủ lực, sản phẩm OCOP của tỉnh năm 2021”. Với mục tiêu giúp DN sản xuất kinh doanh các sản phẩm chủ lực của Điện Biên xây dựng Bộ nhận diện thương hiệu trực tuyến gồm: website, hệ thống email, fanpage trên facebook, landing page. Từ đó, đẩy mạnh hoạt động quảng bá sản phẩm và thương hiệu DN trong môi trường kinh doanh trực tuyến, tạo sự tin tưởng ổn định đối với khách hàng truyền thống; đồng thời phát triển khách hàng tiềm năng. 6 tháng đầu năm, Trung tâm Xúc tiến thương mại đã triển khai chương trình “Duy trì bản đồ số ngành Công Thương tại website congthuongdienbien.com”, “Hỗ trợ Doanh nghiệp, hợp tác xã trang bị bộ phần mềm hóa đơn điện tử, chứng thư số Server”. Đồng thời, cập nhật các thông tin thương mại, thông tin hội chợ triển lãm, chương trình xúc tiến thương mại, giới thiệu hình ảnh về 35 sản phẩm OCOP tỉnh; 14 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu lên bản đồ số. Đặc biệt là tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh quản trị, khai thác, sử dụng website TMĐT, phần mềm Quản lý bán hàng Shop One phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Bài, ảnh: Mai Phương
Bình luận
Back To Top