Phát triển hạ tầng thương mại hiện đại, đồng bộ

07:54 - Thứ Tư, 28/07/2021 Lượt xem: 3087 In bài viết

ĐBP - Những năm gần đây, một số dự án xây dựng trung tâm thương mại (TTTM), siêu thị, chợ… trên địa bàn tỉnh đã được cấp phép đầu tư và đi vào hoạt động. Có thể nói, cơ sở hạ tầng từng bước đồng bộ đã và đang thúc đẩy hoạt động kinh doanh thương mại dịch vụ trên địa bàn tỉnh diễn ra ngày càng sôi động, với nhiều loại hình dịch vụ, thương mại phong phú, đa dạng, đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao của người dân.

Người dân mua sắm tại Siêu thị Hoa Ba.

Được khởi công từ tháng 2/2020, Chợ Trung tâm huyện Mường Ảng xây dựng trên diện tích 13.700m2 với quy mô trong giai đoạn I gồm 2 khu bán hàng và các hạng mục phụ trợ như: Bể nước ngầm, khu vệ sinh, hệ thống phòng cháy chữa cháy, hệ thống cấp thoát nước... với tổng mức đầu tư hơn 8,1 tỷ đồng. Sau hơn 8 tháng thi công, đầu tháng 11/2020, chợ đã hoàn thành và chính thức đưa vào hoạt động, tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao thương của người dân ở địa phương. Đây là công trình quan trọng không chỉ tạo điểm nhấn cho bộ mặt đô thị trung tâm huyện mà còn tạo tiền đề để phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Còn tại TP. Điện Biên Phủ, đầu tháng 12/2020, Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng số 6 khánh thành Trung tâm Tổ chức sự kiện Him Lam Grand Center. Đây là tổ hợp trung tâm tổ chức sự kiện, nhà hàng, vui chơi giải trí, rạp chiếu phim nằm trong TTTM Him Lam Plaza có quy mô khoảng 8.000m2. Với đầy đủ hệ thống phòng họp hội nghị, nhà hàng, sức chứa lên đến 1.800 khách, lại nằm ở vị trí thuận lợi, Trung tâm Tổ chức sự kiện Him Lam Grand Center được kỳ vọng không chỉ góp phần kiến tạo không gian đô thị hiện đại mà còn mang đến cho người dân những trải nghiệm mua sắm, vui chơi giải trí và ẩm thực mới.

Đầu tháng 3 vừa qua, việc UBND tỉnh ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư với Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC tiếp tục mang tín hiệu tích cực cho sự phát triển hạ tầng thương mại (HTTM) theo hướng hiện đại trên địa bàn tỉnh. Theo đó, UBND tỉnh đồng ý giao Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC tổ chức khảo sát thực địa, vị trí, địa điểm để nghiên cứu đầu tư xây dựng 2 dự án. Thứ nhất, Dự án khách sạn, TTTM và nhà ở thương mại tại phường Thanh Trường (TP. Điện Biên Phủ) sẽ được xây dựng với diện tích dự kiến khoảng 7ha, gồm 1 khách sạn 5 sao quy mô tối thiểu 300 phòng nghỉ và khu TTTM, nhà ở thương mại. Dự án thứ 2 là tổ hợp sân golf, khu thương mại dịch vụ, khu du lịch nghỉ dưỡng tại xã Thanh Nưa, dự kiến sẽ được xây dựng trên diện tích khoảng 120ha. Khi các dự án hoàn thành sẽ là một trong những điểm nhấn quan trọng góp phần để “bức tranh” hạ tầng thương mại trên địa bàn tỉnh thêm đa dạng, phong phú.

Thực tế cho thấy, tỉnh ta có nhiều lợi thế, tiềm năng để thu hút đầu tư phát triển HTTM như: Quỹ đất tại trung tâm thành phố, thị xã, trung tâm các huyện còn tương đối rộng, có nhiều tiềm năng khai thác, sức mua của người dân ngày càng tăng và đã có thay đổi trong việc lựa chọn mua sắm. Vì vậy, những năm gần đây, tỉnh đã tập trung đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống chợ trung tâm huyện, thị xã, thành phố; ưu tiên đầu tư xây dựng chợ nông thôn vùng sâu, vùng xa, chợ biên giới, cửa khẩu. Riêng năm 2020, đã có 2 chợ được đầu tư xây mới (Chợ Trung tâm huyện Mường Ảng; chợ Núa Ngam, xã Núa Ngam, huyện Điện Biên) và 1 chợ được nâng cấp cải tạo (chợ Nà Tấu, xã Nà Tấu, TP. Điện Biên Phủ) với tổng số vốn đầu tư hơn 13,8 tỷ đồng. Huy động nguồn lực xã hội đầu tư xây dựng các TTTM dịch vụ, siêu thị kinh doanh tổng hợp tại trung tâm huyện, thị xã, thành phố… Nhờ vậy, cơ sở HTTM không ngừng được hoàn thiện theo hướng hiện đại. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 2 TTTM, 3 siêu thị đạt tiêu chuẩn hạng III, 16 cơ sở hoạt động theo mô hình siêu thị; 34 chợ đang hoạt động chủ yếu là chợ hạng 3. Toàn tỉnh hiện có trên 19.740 doanh nghiệp, hộ kinh doanh với tổng vốn đăng ký trên 25.500 tỷ đồng. Trong đó, nhiều doanh nghiệp và hầu hết các hộ kinh doanh hoạt động trong lĩnh vực thương mại như: Hệ thống khách sạn, nhà nghỉ, cơ sở lưu trú, nhà hàng, kho hàng hoá, siêu thị, cửa hàng chuyên doanh, cửa hàng tổng hợp, mạng lưới chợ, TTTM. Giai đoạn 2016 - 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trên địa bàn tỉnh ước đạt hơn 55.890 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân trên 12,79%/năm.

Theo đại diện Sở Công Thương, tuy phát triển cả về quy mô và số lượng nhưng HTTM của tỉnh chưa tương xứng với tiềm năng. Hiện vẫn còn 3 chợ bán kiên cố và 3 chợ tạm; cơ sở vật chất kỹ thuật một số cơ sở trong hệ thống HTTM chưa đáp ứng yêu cầu. Bên cạnh đó, phân bố hệ thống HTTM còn chưa hợp lý và hài hòa, mới chỉ tập trung phát triển tại khu vực thành thị… Để phát triển cơ sở hạ tầng, mạng lưới kinh doanh thương mại trên địa bàn, thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục huy động đầu tư từ các nguồn lực để nâng cấp, phát triển hệ thống chợ, đầu tư phát triển các TTTM, siêu thị theo hướng hiện đại tại các địa bàn trọng điểm có đông dân cư và các đô thị; ưu tiên vốn đầu tư xây dựng HTTM nông thôn như: Hệ thống chợ, nhất là chợ trung tâm cụm xã vùng nông thôn, chợ biên giới, chợ cửa khẩu tạo điều kiện thuận lợi cho giao thương hàng hoá và cung ứng dịch vụ; khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển kinh doanh theo các phương thức kinh doanh tiên tiến, hiện đại; từng bước phát triển các đô thị, thị trấn thành các trung tâm bán buôn. Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách về khuyến khích thu hút ưu đãi, đầu tư trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ. 

Bài, ảnh: Thu Hằng
Bình luận
Back To Top