Kiểm tra, xử lý vi phạm tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm

08:30 - Thứ Tư, 28/07/2021 Lượt xem: 3021 In bài viết

ĐBP - Thực hiện Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa, Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, Luật Đo lường… các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa phải chấp hành các quy định về chất lượng, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đo lường. Tuy nhiên trong thời gian qua, trên thị trường vẫn còn tình trạng bày bán hàng hóa không đảm bảo về chất lượng, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật. Để ngăn chặn kịp thời những hành vi vi phạm đảm bảo quyền lợi chính đáng của các doanh nghiệp và người tiêu dùng trên địa bàn TP. Điện Biên Phủ, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 1 (Cục QLTT tỉnh) đã tăng cường triển khai các giải pháp, đẩy mạnh việc kiểm tra và xử lý các vi phạm liên quan đến quy định của pháp luật về tiêu chuẩn chất lượng, quy chuẩn, hợp quy.

Cán bộ Đội QLTT số 1 kiểm tra việc chấp hành các quy định trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa tại cơ sở kinh doanh vật tư y tế trên địa bàn TP. Điện Biên Phủ.

Để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi trên, Đội QLTT số 1 đã quán triệt triển khai, phân công, giao nhiệm vụ cho từng công chức, tăng cường thực hiện công tác quản lý theo địa bàn, nắm bắt thông tin việc chấp hành các quy định trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh; vận động thương nhân ký cam kết không kinh doanh hàng nhập lậu, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng không đảm bảo an toàn thực phẩm, xâm phạm sở hữu trí tuệ. Các mặt hàng tập trung kiểm tra gồm: Thuốc lá, thực phẩm, thực phẩm công nghệ (rượu, bia, nước giải khát, bánh, mứt kẹo, các sản phẩm từ bột, tinh bột, thực phẩm đông lạnh…); mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, thuốc chữa bệnh; vật liệu xây dựng, trang trí nội thất, điện tử, điện gia dụng; vàng trang sức, mỹ nghệ, xăng dầu…

Đội tăng cường giám sát, kiểm tra việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết, tập trung kiểm tra các hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa trên thị trường để đầu cơ, găm hàng, mua gom hàng hóa lợi dụng dịch bệnh để định giá hàng hóa bất hợp lý đối với các loại hàng hóa thiết yếu, đặc biệt là thiết bị, vật tư y tế… để phòng và chữa bệnh khi thị trường có biến động về cung cầu, giá cả hàng hóa do dịch bệnh Covid-19. Cùng với đó, chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng trong công tác trao đổi thông tin, kiểm tra kiểm soát thị trường, xử lý các hành vi vi phạm trong sản xuất, kinh doanh, thương mại.

Tính đến hết tháng 6/2021, Đội QLTT số 1 đã kiểm tra gần 150 vụ, lập hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính hàng chục vụ. Các hành vi vi phạm chủ yếu về giá, vi phạm trong kinh doanh; vi phạm nhãn mác. Riêng trong tháng 6, Đội QLTT số 1 đã phối hợp với lực lượng chức năng phát hiện, tổ chức kiểm tra và xử lý 9 cơ sở kinh doanh vi phạm nhãn mác, các quy định trong kinh doanh thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế. Tổng trị giá hàng hóa vi phạm hơn 102,6 triệu đồng, bao gồm 96 đơn vị sản phẩm thực phẩm chức năng, 266 đơn vị sản phẩm mỹ phẩm, 460 đơn vị sản phẩm thực phẩm, 7 đơn vị sản phẩm máy nông nghiệp và 186 đơn vị sản phẩm đồ điện gia dụng… Cùng với đó, Đội QLTT số 1 đã vận động hàng trăm cơ sở ký cam kết không kinh doanh hàng nhập lậu, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, không đảm bảo an toàn thực phẩm, xâm phạm sở hữu trí tuệ. Vận động 36 cơ sở kinh doanh dược phẩm và vật tư y tế ký cam kết không kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, mua vét, mua gom, lợi dụng tình hình dịch bệnh để tăng giá bất hợp lý đối với dược phẩm và vật tư y tế; 12 cơ sở kinh doanh xăng dầu ký cam kết không kinh doanh, mua bán xăng dầu giả, xăng dầu kém chất lượng, xăng dầu nhập lậu, không rõ nguồn gốc.

Những năm qua, việc chấp hành các quy định của pháp luật về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng và nhãn hàng hóa trong sản xuất, kinh doanh đã tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động của các doanh nghiệp, hộ sản xuất, kinh doanh trong việc thực hiện các qui định của pháp luật về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng và ghi nhãn hàng hóa… Đồng thời, góp phần ngăn chặn kịp thời hành vi vi phạm pháp luật, gian lận trong kinh doanh, nhất là các mặt hàng như vàng trang sức, mỹ nghệ, xăng dầu, mỹ phẩm… làm lành mạnh hoá thị trường, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng, cũng như các doanh nghiệp làm ăn chân chính trên địa bàn. Tuy nhiên, thời gian qua, công tác kiểm tra, xử lý vi phạm về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng còn nhiều khó khăn. Kinh phí để mua mẫu phục vụ khảo sát, đánh giá chất lượng sản phẩm, hàng hóa trên thị trường và phục vụ cho hoạt động thanh, kiểm tra hàng năm còn hạn chế. Còn thiếu một số trang thiết bị để kiểm tra, đánh giá các chỉ tiêu chất lượng phục vụ việc thanh tra, kiểm tra trong kinh doanh vàng, mũ bảo hiểm xe máy, đồ chơi trẻ em…

Bài, ảnh: Thành Đạt
Bình luận
Back To Top