Vấn đề bạn đọc quan tâm

Tháo gỡ khó khăn các dự án Mắc ca

07:55 - Thứ Năm, 29/07/2021 Lượt xem: 3419 In bài viết

ĐBP - Mới đây, tại hội nghị bàn giải pháp phát triển cây Mắc ca trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thành Đô chỉ đạo: Các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thị có vùng dự án phát triển cây Mắc ca cần tạo điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp, nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ trồng loại cây “xóa đói giảm nghèo này”.

Việc phát triển cây Mắc ca trên diện rộng được tỉnh Điện Biên tập trung chỉ đạo quyết liệt. Đã có nhiều hội nghị tập trung bàn thảo các giải pháp; ban hành các chính sách đặc thù để thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển cây Mắc ca. Nhờ đó, đến nay đã có 5 dự án trồng Mắc ca được tỉnh phê duyệt, tổng diện tích lên đến 17.214ha. Hy vọng sau khi Mắc ca “bén duyên” đất Điện Biên, nếu không là “cây triệu đô, tỷ đô” như “cha đẻ” của nó là ông Nguyễn Công Tạn, nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ từng ao ước, thì cũng sẽ mở ra cơ hội xóa đói giảm nghèo bền vững cho người dân Điện Biên. Bên cạnh đó, nguồn thu ngân sách hàng năm của UBND tỉnh tăng lên; doanh nghiệp mạnh lên nhờ Mắc ca... Tuy nhiên, sau hơn 4 năm triển khai, hiện tại diện tích trồng cây Mắc ca đạt tỷ lệ rất thấp (2.616/17.214ha, đạt 15,2% so với quy mô được phê duyệt).

Nguyên nhân dẫn tới tiến độ trồng Mắc ca đạt thấp là do diện tích đất trong vùng dự án (bao gồm cả đất quy hoạch lâm nghiệp) hiện cơ bản đang do người dân quản lý, sử dụng, canh tác nương rẫy. Diện tích đất “sạch” để giao hoặc cho doanh nghiệp thuê hầu như không có. Khi thực hiện các dự án trồng Mắc ca, doanh nghiệp phải bỏ vốn để đền bù, giải phòng mặt bằng, thực hiện các thủ tục về đất đai... mất rất nhiều thời gian và vốn đầu tư, dẫn đến chậm tiến độ. Việc thực hiện các thủ tục về đất đai rất phức tạp, trong khi nhà đầu tư không nắm rõ hết các quy định của Nhà nước. Ngoài ra, quá trình thực hiện các thủ tục về đất đai thường gặp vướng mắc, khó tháo gỡ (tranh chấp đất đai, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp sai so với thực địa...). Người dân tại một số địa phương không đồng thuận tham gia thực hiện dự án. Cá biệt có nơi bà con cản trở các nhà đầu tư triển khai thực hiện dự án. Hầu hết các dự án trồng Mắc ca đều triển khai trên địa bàn các xã có điều kiện kinh tế, xã hội khó khăn, cơ sở hạ tầng (giao thông, thủy lợi...) còn bất cập, thiếu thốn, trình độ lao động hạn chế. Thêm nữa, hiện nay chưa có một cơ quan, đơn vị thường trực của tỉnh, huyện để nắm bắt tình hình thực hiện, chủ động phối hợp, hỗ trợ các dự án trồng Mắc ca giải quyết khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện dự án...

Do vậy, để biến chủ trương tốt đẹp; khai thác hết tiềm năng, thế mạnh vốn có về đất đai đưa vào trồng cây Mắc ca trên diện rộng, mở ra cơ hội xóa đói giảm nghèo cho người dân, UBND tỉnh cần chỉ đạo quyết liệt hơn nữa, yêu cầu các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thị vùng dự án tạo mọi điều kiện thuận lợi để nhà đầu tư, doanh nghiệp có đất “sạch” trồng Mắc ca. Thành lập Ban Chỉ đạo hoặc Tổ công tác hỗ trợ phát triển cây Mắc ca ở cấp tỉnh và các huyện; sớm thành lập các Hợp tác xã Mắc ca để hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện liên kết trồng cây Mắc ca, đồng thời bố trí kinh phí hỗ trợ hoạt động của các Hợp tác xã theo cơ chế, chính sách hiện hành.

Như các nhà đầu tư kiến nghị thì có những việc họ không thể tháo gỡ, dân có đồng thuận chủ trương thì doanh nghiệp cũng không thể gom đủ đất theo quy hoạch để trồng Mắc ca, như tại xã Thanh An, Thanh Xương (huyện Điện Biên) của Công ty TNHH HL Điện Biên. Do vướng quy hoạch đất rừng phòng hộ hoặc đất đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhưng trên trên thực địa và trên giấy lại vênh nhau. Với bất cập này thì UBND huyện Điện Biên phải kiểm tra, đánh giá, đối chiếu lại các Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân. Nếu sai sót, chưa chuẩn xác thì phải điều chỉnh lại cho đúng, khi đó người dân mới có cơ sở góp đất với doanh nghiệp trồng Mắc ca.

Dự án trồng Mắc ca triển khai trên địa bàn nhiều huyện, liên quan đến kế sinh tồn của rất nhiều người dân. Và để dự án triển khai thuận lợi hơn trong thời gian tới thì UBND các huyện, thị cần quan tâm, vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân sở tại đồng thuận chủ trương, hiểu rõ cơ chế, chính sách của dự án, từ đó ủng hộ cách làm của doanh nghiệp. Vì rằng, việc phát triển cây Mắc ca trên địa bàn tỉnh, ngoài mục đích giải quyết việc làm, phát triển kinh tế hộ gia đình, đó còn là giải pháp phủ xanh rừng, góp phần ổn định dân cư và quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo giá trị hàng hóa ổn định, bền vững cho tỉnh.

Tùng Lĩnh
Bình luận
Back To Top