Để người dân, doanh nghiệp hào hứng với các gói ưu đãi tín dụng

16:02 - Thứ Tư, 11/08/2021 Lượt xem: 2446 In bài viết

Thực hiện chủ trương của Chính phủ và chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam về việc triển khai các giải pháp hỗ trợ khách hàng trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, ngành ngân hàng đã giảm lãi suất cho vay và miễn, giảm các loại phí dịch vụ. Tuy nhiên, vẫn có những doanh nghiệp (DN) gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn ưu đãi.

Sát cánh cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn

 NHNN Việt Nam cho biết, đến tháng 7-2021, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 63/NQ-CP ngày 29-6-2021, 16/16 ngân hàng quy mô lớn đã tiếp tục giảm ngay lãi suất cho vay bình quân khoảng 1%/năm đối với dư nợ tín dụng của khách hàng hiện hữu chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Hiện tại, lãi suất cho vay bình quân đối với các khoản cho vay mới và cũ còn dư nợ của các tổ chức tín dụng (TCTD) phổ biến ở mức 8-10%/năm. Tổng số tiền lãi giảm cho khách hàng hiện hữu và cho vay mới ước tính từ nay đến cuối năm 2021 là 20.372 tỷ đồng. Qua đó, đã góp phần giảm bớt áp lực tài chính, tăng khả năng tiếp cận vốn vay ngân hàng cho DN và nền kinh tế.

Tuy nhiên, dịch Covid-19 đã tác động nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN, khiến tiềm ẩn nguy cơ nợ xấu tăng lên, buộc các ngân hàng phải thận trọng trong việc cho vay vốn. Bên cạnh đó, dù các ngân hàng triển khai nhiều gói tín dụng ưu đãi nhưng nhu cầu khách hàng sụt giảm, nhiều DN chưa có phương án chuyển đổi sản xuất, kinh doanh hiệu quả nên chưa “mặn mà” với việc vay vốn. Mặt khác, nhiều DN mới hoạt động, tài sản bảo đảm chưa có, phương án kinh doanh chưa hiệu quả nên không thể chứng minh năng lực với ngân hàng, do đó việc giải ngân rất khó được thực hiện.

Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam.

Một thực tế cho thấy, mặc dù ngành ngân hàng đã rất tích cực trong việc giảm lãi suất nhưng vẫn có những DN chưa tiếp cận được nguồn vốn. Ông Nguyễn Thành Trung, Giám đốc Công ty Cổ phần Thẩm định giá PSD chia sẻ: “DN tôi có nhu cầu vay vốn từ ngân hàng nhưng không có tài sản thế chấp nên rất khó được cho vay. Còn nếu vay tín chấp thì hạn mức cho vay lại quá thấp, không đáp ứng nhu cầu thực sự của DN. Trước mắt, DN đang có nhu cầu vay vốn để trả lương cho người lao động để duy trì hoạt động kinh doanh của mình nhưng chưa tìm được nguồn hỗ trợ phù hợp từ ngân hàng”.

Cần ưu tiên trong tiếp cận vốn ngắn hạn

 Trao đổi với phóng viên, chuyên gia tài chính-ngân hàng TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, việc các ngân hàng giảm lãi suất là một việc rất tốt, đặc biệt có lợi cho những DN đã vay vốn từ trước đây. Tuy nhiên, việc các DN mới có khả năng vay được không thì lại là chuyện khác. Nguyên nhân bởi vì nhiều DN đang gặp khó khăn do tác động của dịch Covid-19, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh nên với mức giảm lãi suất như hiện nay thì họ cũng không đi vay. Đối với DN, điều họ cần bây giờ là một khoản vốn ngắn hạn để đáp ứng thanh khoản, trả lương cho lao động, thanh toán nguyên vật liệu, tiền bảo hiểm xã hội... với chi phí vốn cực thấp (lãi suất cho vay chỉ khoảng 3-5%/năm).

TS Tô Hoài Nam, Phó chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) nhận định, dịch Covid-19 đã khiến các chuỗi cung ứng bị đứt đoạn, nguồn thu của nhiều DN bị hạn chế do khách hàng hủy hợp đồng, chưa thu được khoản phải thu... Trong bối cảnh ngân hàng giảm lãi suất mà có những DN chưa tiếp cận được thì cần xem xét rất kỹ các khía cạnh tạo nên hiện tượng đó, cụ thể như: Nhóm DN không có nhu cầu vay vốn; từng khó khăn của mỗi DN bởi vì hoạt động của mỗi đơn vị là khác nhau; hay do độ trễ của chính sách... để từ đó Nhà nước có sự phản ứng chính sách phù hợp, thích đáng hơn.

Để giải quyết những khó khăn trong việc tiếp cận vốn của DN, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng cần xây dựng một tổ hợp tín dụng (có sự tham gia của khoảng 10 ngân hàng) dưới sự chủ trì của NHNN Việt Nam. Quy chế cho tổ hợp tín dụng này vay vốn có thể có hạn mức tín dụng lên đến 300.000 tỷ đồng để hỗ trợ các DN vay vốn. Thời gian vay vốn trong 5 năm, bao gồm 2 năm đầu dưới hình thức tuần hoàn, có hạn mức vay vốn và sau 3 năm thì trả dần vốn vay ban đầu. Mục đích ngắn hạn là giúp DN có ngay vốn lưu động để phục vụ việc trả lương, thanh toán nguyên vật liệu...; về dài hạn có thể giúp DN đầu tư vào lĩnh vực công nghệ thông tin, số hóa... nhằm gia tăng hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh. Để có nguồn vốn lãi suất thấp (khoảng 3-5%/năm) thì các ngân hàng trong tổ hợp tín dụng có thể sử dụng nguồn tiền gửi không kỳ hạn (CASA) của mình (mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn hiện nay chỉ khoảng 0,1%/tháng). Cùng với đó, Nhà nước nên nghiên cứu việc thành lập quỹ bảo lãnh tín dụng quốc gia (với vốn điều lệ khoảng 30.000 tỷ đồng, được xây dựng từ nguồn vốn ngân sách) có khả năng bảo lãnh cho các ngân hàng lên đến gấp 10 lần mức vốn điều lệ (tương đương 300.000 tỷ đồng); từ đó giúp việc cho vay DN thuận lợi hơn, kể cả áp dụng hình thức vay tín chấp.

P.V (theo QĐND)
Bình luận
Back To Top