Tập trung khắc phục chỉ số PCI giảm điểm

09:12 - Thứ Tư, 01/09/2021 Lượt xem: 3769 In bài viết

ĐBP - Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2020 của tỉnh Điện Biên đạt 62,62 điểm (giảm 1,49 điểm). Với điểm số này, Điện Biên xếp thứ 46 trên bảng xếp hạng toàn quốc (giảm 2 bậc so với năm 2019), nằm trong nhóm các tỉnh có chỉ số trung bình của cả nước và xếp thứ 8/14 tỉnh miền núi phía Bắc. Qua phân tích các chỉ số thành phần cho thấy, một số chỉ số đã có cải thiện tích cực về mặt điểm số và xếp hạng song nhiều chỉ số bị giảm điểm hoặc xếp hạng ở mức thấp, rất thấp so với năm 2019.

Công nhân Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng số 6 thi công Dự án Hạ tầng kỹ thuật khung.

Chỉ số PCI được đánh giá qua đánh giá từ cộng đồng doanh nghiệp. Do vậy, sự mất điểm này đồng nghĩa với niềm tin của doanh nghiệp bị sụt giảm và các doanh nghiệp đã thể hiện thái độ của mình bằng việc chấm điểm qua 10 chỉ số thành phần. Năm 2020 trong 10 chỉ số thành phần PCI của tỉnh có 6 chỉ số giảm về vị trí xếp hạng và điểm số so với năm 2019 (gồm: Gia nhập thị trường; tiếp cận đất đai; chi phí thời gian; dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp; đào tạo lao động; thiết chế pháp lý và an ninh trật tự).

Có nhiều nguyên nhân cả khách quan lẫn chủ quan khiến PCI của tỉnh giảm trên bảng xếp hạng; trong đó ở mỗi chỉ số thành phần có những nguyên nhân khác nhau. Như chỉ số gia nhập thị trường bị giảm rất đáng kể: Năm 2019 đứng thứ 30/63 tỉnh, thì năm 2020 giảm 0,45 điểm và giảm 28 bậc, xếp thứ 58/63 tỉnh, thành. Điểm số giảm ít, nhưng vị trí xếp hạng bị giảm sâu. Chỉ số gia nhập thị trường trong PCI được đánh giá dựa trên các chỉ tiêu thành phần chủ yếu liên quan đến thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp và hoàn thiện các thủ tục để chính thức hoạt động. Kết quả phân tích các chỉ tiêu của chỉ số gia nhập thị trường của Điện Biên cho thấy có 8/10 tiêu chí thành phần giảm điểm, như: Việc cán bộ am hiểu chuyên môn về thủ tục và nhiệt tình, thân thiện đăng ký doanh nghiệp; ứng dụng công nghệ thông tin trong thủ tục đăng ký doanh nghiệp; doanh nghiệp phải chờ hơn 1 tháng hoàn thành tất cả các thủ tục để chính thức hoạt động; tỉ lệ doanh nghiệp làm thủ tục đăng ký doanh nghiệp qua phương thức mới (trực tuyến, thủ tục hành chính công, bưu điện)…

Tương tự, chỉ số tiếp cận đất đai của tỉnh luôn là chỉ số có xếp hạng thấp, cải thiện chậm. Năm 2020, chỉ số này giảm 3 bậc so với năm 2019 và xếp thứ 60/63 tỉnh, thành phố cả nước. Trong 11 chỉ tiêu của chỉ số này, chỉ có 4 chỉ tiêu tăng điểm, còn lại 7 chỉ tiêu bị giảm điểm. Cụ thể, số ngày doanh nghiệp chờ đợi để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (trung vị) là 75 ngày, xếp hạng thứ 63 cả nước. Chỉ tiêu thay đổi khung giá đất của tỉnh phù hợp với thay đổi giá thị trường, giảm 7% điểm và giảm 28 bậc so với năm 2019; chỉ tiêu khó khăn về thiếu quỹ đất sạch; việc cung cấp thông tin về đất đai không thuận lợi, nhanh chóng; doanh nghiệp không gặp cản trở về tiếp cận, mở rộng mặt bằng kinh doanh; khó khăn về thiếu quỹ đất sạch… đều bị giảm điểm. Đây là chỉ số phản ánh thực tế khó khăn, vướng mắc trong việc tiếp cận đất đai của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua. Đơn cử, Công ty cổ phần Cao su Điện Biên đề nghị các cấp, ngành sớm hoàn thiện hồ sơ, chuyển đổi mục đích sử dụng đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (đất chưa cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là 2,08ha) cho công ty để xây dựng trụ sở làm việc theo đúng quy định (gồm trụ sở nhà đơn vị tại các xã: Mùn Chung, Mường Mùn, Nà Tòng, Nà Sáy (huyện Tuần Giáo)). Đồng thời, xác định giá đất góp do các tập thể, cộng đồng, UBND xã đang quản lý. Tuy nhiên đến nay kiến nghị chưa được giải quyết cho doanh nghiệp.

Trên đây chỉ là 2 trong số 6 chỉ số thành phần PCI của tỉnh bị giảm điểm và xếp hạng năm 2020. Qua phân tích, đánh giá chung 128 tiêu chí thuộc 10 chỉ số thành phần trong PCI năm 2020 so với năm 2019, tỉnh ta có 68 tiêu chí tăng điểm, 5 tiêu chí giữ nguyên điểm số và 55 tiêu chí bị giảm điểm. Trong những tiêu chí bị giảm điểm có một số chỉ số có ý nghĩa rất quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của doanh nghiệp như: Tiếp cận đất đai, tính minh bạch, chi phí không chính thức, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp... cần được sớm cải thiện.

Mục tiêu của tỉnh đến năm 2025, phấn đấu điểm các chỉ số thành phần tăng bình quân từ 0,3 - 0,8 điểm/năm, chỉ số PCI của tỉnh xếp hạng thứ 35 - 40 cả nước và trong tốp 5 tỉnh dẫn đầu khu vực miền núi phía Bắc. Để tiếp tục cải thiện và nâng cao điểm số PCI của tỉnh, hướng tới tăng thứ hạng trên bảng xếp hạng PCI trong những năm tiếp theo, cần tiếp tục phát huy hơn nữa các tiêu chí, chỉ số có xu hướng tích cực; đồng thời đẩy mạnh cải thiện điểm số ở những tiêu chí, chỉ số thấp so với điểm trung vị của cả nước; đặc biệt cần chú trọng đến những chỉ số bị giảm điểm, các chỉ số có trọng số cao, những chỉ số tăng điểm nhưng còn ở mức thấp và những chỉ số còn dư địa để tiếp tục hành động.

Bài, ảnh: Văn Tâm
Bình luận
Back To Top