Nỗ lực đảm bảo tiến độ dự án Cảng Hàng không Điện Biên

08:20 - Thứ Sáu, 03/09/2021 Lượt xem: 4693 In bài viết

ĐBP - Công tác đo đạc, kiểm đếm đối với các hộ gia đình, cá nhân và các tổ chức thuộc diện giải phóng mặt bằng Dự án Đầu tư xây dựng mở rộng Cảng Hàng không Điện Biên đã được UBND TP. Điện Biên Phủ hoàn thành từ cách đây khá lâu. Song, đến ngày 20/8, UBND TP. Điện Biên Phủ mới phê duyệt được 40 phương án bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB) với tổng giá trị phê duyệt là 367,5 tỷ đồng, trong đó: 30 phương án bồi thường, hỗ trợ cho 665/1.305 hộ gia đình, cá nhân và 6 tổ chức với diện tích 87,93ha tổng giá trị phê duyệt 353,186 tỷ đồng; nhận bàn giao mặt bằng của 463 hộ và 9 tổ chức với tổng diện tích 152,05ha/201,34ha. Hiện nay cơ bản các điểm tái định cư (TĐC) số 1, số 3 và số 3 mở rộng đã hoàn thành và có thể tổ chức giao đất cho các hộ dân. Riêng điểm TĐC C13 vẫn còn 2 hộ chưa đồng thuận bàn giao mặt bằng. Do vướng mặt bằng nên khối lượng hoàn thành xây lắp mới chỉ đạt 45,8% giá trị gói thầu; hoàn thành 50% các lô đất với khoảng 55 ô đủ điều kiện để bàn giao đất TĐC.

Công ty TNHH Đầu tư - Xây dựng và Thương mại Tùng Lâm thi công các hạng mục thuộc Dự án Đầu tư xây dựng điểm tái định cư C13.

Dự án Đầu tư xây dựng mở rộng Cảng Hàng không Điện Biên có thể khởi công vào quý IV/2021 hay không phụ thuộc vào tiến độ GPMB vùng dự án. Do đó, UBND TP. Điện Biên Phủ đã đề ra nhiều giải pháp để thực hiện đồng bộ công tác bồi thường GPMB và bố trí TĐC.

Ông Lê Tiến Dũng, Chủ tịch UBND TP. Điện Biên Phủ cho biết: Hiện nay, một số hộ gia đình, cá nhân vẫn chưa thật sự đồng thuận với mức giá bồi thường tài sản, kiến trúc trên đất và mức chênh lệch giá đất ở nơi đi và nơi đến dẫn đến tình trạng các hộ dân đã có đơn thư phản ánh với chủ đầu tư khiến tiến độ bồi thường GPMB bị chậm. Để giải quyết vấn đề này, UBND TP. Điện Biên Phủ đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, chính quyền cơ sở tăng cường tuyên truyền, vận động với nhiều hình thức và nhiều thành phần tham gia để người dân hiểu, đồng thuận với những cơ chế, chính sách của tỉnh. Các trường hợp đã áp dụng đầy đủ chính sách nhưng vẫn cố tỏ ra chây ì, thành phố kiên quyết thực hiện cưỡng chế theo quy định. Đối với các dự án xây dựng điểm TĐC, thành phố tiếp tục đôn đốc các nhà thầu hoàn thành các hạng mục còn lại, bàn giao toàn bộ mặt bằng TĐC để thành phố tiến hành bố trí TĐC cho người dân. Điểm TĐC C13 còn vướng mặt bằng 2 hộ dân, dù đã thực hiện đầy đủ các cơ chế, chính sách nhưng người dân vẫn không đồng thuận nên UBND TP. Điện Biên Phủ đã ra quyết định cưỡng chế theo quy định để bàn giao mặt bằng cho nhà thầu thi công. Thành phố đã tiên lượng sẽ phát sinh các trường hợp được hỗ trợ TĐC (khoảng 100 ô đất) nên chủ động tìm các điểm TĐC mới để bổ sung vào quỹ đất TĐC dự án. Cụ thể sẽ thu hồi, bổ sung 4.500m2 ở điểm TĐC số 1 để bố trí thêm 25 - 30 suất đất TĐC; điều chỉnh dự án đấu giá đất tại tổ 14 phường Thanh Bình bổ sung khoảng 59 ô đất TĐC; bổ sung vào điểm TĐC Khe Chít 1, 2 (phường Noong Bua). Thời gian tới, tất cả cuộc họp Ban Chỉ đạo Dự án, UBND thành phố sẽ mời tất cả cán bộ trực tiếp thực hiện dự án đến họp, tiếp thu tinh thần chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về tiến độ triển khai dự án, từ đó nêu cao tinh thần làm việc, phấn đấu hoàn thành khối lượng công việc giao đúng thời hạn.

Đến ngày 25/8, TP. Điện Biên Phủ đã chi trả 245 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch vốn giao. Thực hiện chủ trương của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về ứng trước nguồn ngân sách địa phương để thực hiện Dự án GPMB, hỗ trợ TĐC theo quy hoạch chi tiết Cảng hàng không Điện Biên giai đoạn 2020, định hướng đến năm 2030, UBND TP. Điện Biên Phủ đã đề nghị xin tạm ứng số vốn 200 tỷ đồng.

Về vấn đề này, ông Đinh Bảo Dũng, Giám đốc Sở Tài chính cho biết: Căn cứ vào chủ trương của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và nhiệm vụ UBND tỉnh giao, Sở Tài chính đã chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, UBND TP. Điện Biên Phủ tham mưu cho UBND tỉnh xem xét, quyết định và sẽ cung cấp đủ kinh phí tạm ứng cho TP. Điện Biên Phủ thực hiện dự án.

Thực tế cho thấy, hầu hết các địa phương khi tổ chức thực hiện các dự án lớn, trọng điểm, các đối tượng, thế lực chống phá luôn lợi dụng để kích động, lôi kéo người dân phản đối về chế độ, chính sách của Nhà nước, nhằm gây mất an ninh trật tự. Để đảm bảo dự án triển khai đúng theo kế hoạch, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo ngày 23/8, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Thắng đề nghị lực lượng Công an tỉnh vào cuộc phối hợp với Công an TP. Điện Biên Phủ và chính quyền địa phương tổ chức rà soát, theo dõi tại các địa bàn thuộc phạm vi dự án. Nếu phát hiện các tổ chức, cá nhân có biểu hiện lôi kéo, xúi giục người dân, tạo dư luận không tốt trong nhân dân về việc triển khai dự án phải xử lý nghiêm. Đồng thời tăng cường tuyên truyền, vận động để người dân nắm, hiểu và đồng thuận.

Bài, ảnh: Phạm Trung
Bình luận
Back To Top