Khó khăn trong phát triển sản phẩm OCOP

08:25 - Thứ Tư, 08/09/2021 Lượt xem: 3567 In bài viết

ĐBP - Sau gần 3 năm triển khai thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) toàn tỉnh đã có 35 sản phẩm của 19 chủ thể được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP, trong đó: 2 sản phẩm 4 sao và 33 sản phẩm 3 sao. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện còn nhiều hạn chế, bất cập cần kịp thời tháo gỡ để sản phẩm OCOP có thể bứt phá và phát triển bền vững.

Địa phương chưa quan tâm

Sản phẩm đặc trưng có nhiều nhưng sản xuất chủ yếu vẫn mang tính tự phát, theo phương thức thủ công; chất lượng, quy cách mẫu mã sản phẩm thiếu sức cạnh tranh; số lượng sản phẩm OCOP nhiều, nhưng đa phần mới đạt mức trung bình, tập trung khai thác ở lĩnh vực sản phẩm nông nghiệp; công tác giới thiệu, quảng bá hạn chế; một số địa phương lúng túng trong triển khai, chưa thật sự chú trọng… là những khó khăn trong xây dựng sản phẩm OCOP.

Mường Nhé là huyện duy nhất của tỉnh đến nay chưa có sản phẩm OCOP. Được biết, trên địa bàn huyện cũng có nhiều sản phẩm nông nghiệp đặc trưng có thể phát triển, nâng cấp thành sản phẩm OCOP như: Gạo tẻ đỏ Hà Nhì, cam Mường Nhé, tinh dầu sả, quả sa nhân, mận tam hoa; du lịch văn hóa… Lý do 3 năm qua huyện Mường Nhé chưa có sản phẩm OCOP được lãnh đạo UBND huyện, lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện giải thích: Các sản phẩm đều mới, chưa xác định được chủ thể tham gia. Hầu hết người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã chưa mặn mà tham gia xây dựng các sản phẩm. Đến nay, toàn huyện mới có 1 sản phẩm có chủ thể tham gia là sản phẩm tinh dầu sả Java của Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Suối Voi, song đến nay hợp tác xã cũng chưa xây dựng được hồ sơ để tổ chức đánh giá. Các sản phẩm du lịch văn hóa cộng đồng cần nhiều nguồn vốn đầu tư trong khi các nội dung chi hỗ trợ phát triển sản phẩm này không có trong danh mục chi quy định tại Thông tư 08/2019/TT-BTC ngày 30/1/2019 của Bộ Tài chính và chưa có hướng dẫn cụ thể nên không có cơ sở để tổ chức thực hiện.

Tuy nhiên, cần xét đến nguyên nhân chính quyền địa phương chưa thực sự vào cuộc. Hạn chế này của Mường Nhé rất rõ rệt nếu so với huyện Tủa Chùa - cũng là huyện đặc biệt khó khăn. Tủa Chùa cũng có nhiều sản phẩm mới, người dân sản xuất tự phát và chưa có chủ thể kinh tế tham gia. Tuy nhiên, nhờ thực hiện hiệu quả thu hút đầu tư, năm 2019 huyện Tủa Chùa đã thành lập được hợp tác xã H’Mông ở xã Trung Thu. Năm 2020, hợp tác xã H’Mông đã xây dựng thành công sản phẩm khoai sọ tím (sản phẩm mới) đạt chuẩn OCOP hạng 3 sao. Năm 2021, huyện Tủa Chùa tiếp tục mời gọi được Công ty TNHH Hương Linh Điện Biên tham gia liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm gạo Vai Gẫy và xây dựng kế hoạch phát triển thành sản phẩm OCOP năm 2021. Hoặc, huyện “trẻ” nhất tỉnh là Nậm Pồ, năm 2020 UBND huyện đã tổ chức bồi dưỡng, tập huấn và hỗ trợ UBND xã Chà Nưa thành lập Hợp tác xã ong mật Chà Nưa và xây dựng thành công sản phẩm mật ong Chà Nưa đạt chuẩn OCOP.

Như vậy, vấn đề chính là sự quan tâm, cách làm, phương pháp triển khai thực hiện của chính quyền địa phương đối với Chương trình OCOP. Cùng xuất phát điểm thấp, song ở Tủa Chùa, Nậm Pồ đã khéo léo phát huy nội lực, thu hút đầu tư còn Mường Nhé thì chưa làm được. Về kinh phí hỗ trợ, cần hỗ trợ trọng tâm, trọng điểm mới hiệu quả. Giai đoạn 2018 - 2020, nguồn vốn dành cho Chương trình OCOP huyện Mường Nhé được phân bổ 1,33 tỷ đồng. UBND huyện đã chi cho nhiều đầu việc như: Công tác xây dựng chương trình; tổ chức bộ máy; đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực; tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chương trình OCOP...

Cần sự vào cuộc đồng bộ

Cùng với xây dựng các sản phẩm mới thì việc phát triển bền vững các sản phẩm đã được công nhận cần được chú trọng và phải có sự vào cuộc đồng bộ, quyết tâm hơn nữa của các ngành chức năng, chính quyền địa phương và các chủ thể.

Trưng bày, giới thiệu và quảng bá sản phẩm sau khi được công nhận là hoạt động rất quan trọng đối với các sản phẩm OCOP. Song hoạt động này đang rất hạn chế. Hàng năm, qua sự kết nối của các sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Công Thương, lần lượt các chủ thể kinh tế được mời tham dự các hội chợ thương mại ở các tỉnh để quảng bá, giới thiệu và bán sản phẩm. Tuy nhiên, số lượng còn rất ít và số sản phẩm tham gia hạn chế. Trong khi hiện nay sản phẩm OCOP của các tỉnh đều được trưng bày, giới thiệu và bán tại các trung tâm của tỉnh; thậm chí nhiều tỉnh đã xây dựng trung tâm trưng bày ở cả cấp huyện. Đây cũng đồng thời là 1 điểm đến tham quan của khách du lịch đến địa bàn. Như vậy, sản phẩm OCOP mới có cơ hội được khách hàng biết đến, tìm hiểu và sử dụng. Còn đối với tỉnh ta, đến nay dù đã có 35 sản phẩm OCOP nhưng chưa có trung tâm trưng bày, bán sản phẩm. Năm 2020, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kết nối mở 1 gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP tại siêu thị Hoa Ba. Song gian hàng này đã “chết yểu”.

Trước thực tế thời gian qua các cấp, ngành đang quá chú trọng việc phát triển các sản phẩm OCOP mới mà thiếu đầu tư vào các sản phẩm đã chứng nhận dẫn tới việc đầu tư dàn trải, hiệu quả chưa cao, UBND tỉnh đã kịp thời chỉ đạo tiến hành 2 nhiệm vụ một cách đồng thời. Tại hội nghị sơ kết chương trình OCOP 6 tháng đầu năm 2021, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thành Đô chỉ đạo: Điều quan trọng là sản phẩm sau khi được công nhận phải đảm bảo vùng nguyên liệu, có liên kết bền vững, tránh tình trạng có sản phẩm OCOP nhưng chỉ để trưng bày, giới thiệu chứ không phát triển được thành hàng hóa.

Đối với các chủ thể kinh tế, cần tập trung kiện toàn bộ máy, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên, bộ phận để hoạt động hiệu quả; xây dựng các liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm bền vững; mở rộng vùng nguyên liệu; tăng cường chuyển đổi số trong hoạt động quảng bá, giới thiệu và bán sản phẩm…

Phạm Trung
Bình luận
Back To Top