Vấn đề hôm nay

Phát triển nông nghiệp gắn với thế mạnh địa phương

17:29 - Thứ Sáu, 10/09/2021 Lượt xem: 4090 In bài viết

ĐBP - Là tỉnh đất rộng, người thưa, phần lớn bà con sống nhờ nông nghiệp. Đây là lợi thế để chúng ta khai thác tốt tiềm năng về ruộng đồng, sông suối, đồi rừng... thúc đẩy KT - XH phát triển.

Mặc dù nông - lâm nghiệp hiện chỉ chiếm 18,76% GRDP của tỉnh, và trong 5 năm tới lĩnh vực này giảm thêm khoảng 2,34% (xuống còn 16,42%), nhưng sẽ tập trung vào những cây, con... có giá trị kinh tế cao, là thế mạnh của mỗi địa phương.

Biến mục tiêu thành hiện thực, tỉnh tập trung đẩy mạnh phát triển toàn diện sản xuất nông - lâm nghiệp trên cơ sở cơ cấu lại ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng phát triển sản xuất hàng hóa tập trung, có liên kết và ứng dụng công nghệ cao; tăng cường khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của từng vùng, từng địa phương.

Với huyện Điện Biên, Mường Ảng, Tuần Giáo... tập trung nâng cao chất lượng lúa gạo đặc sản theo cánh đồng lớn; phát triển trên 1.000ha cây ăn quả có múi: cam, chanh leo, xoài, bưởi... Cùng với đó là tăng tổng đàn gia súc ăn cỏ (chủ yếu trâu, bò, dê). Cánh đồng Mường Thanh rộng trên 4.000ha, gieo cấy 2 vụ lúa/năm. Nhiều năm qua, nông dân một số xã: Thanh Xương, Thanh Hưng, Noong Luống, Thanh Yên, Pom Lót... tập trung gieo cấy hàng nghìn héc ta lúa chất lượng cao, lúa thơm để tăng giá trị kinh tế trên cùng đơn vị diện tích. Huyện Điện Biên, ngành Nông nghiệp tỉnh phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan xây dựng "thương hiệu" cho hạt gạo Điện Biên. Ban hành cơ chế, chính sách thu hút doanh nghiệp, hợp tác xã tích tụ ruộng đất sản xuất lúa chất lượng cao phục vụ xuất khẩu. Với các huyện: Mường Chà, Mường Nhé, Nậm Pồ, Tuần Giáo... bảo vệ tốt diện tích có rừng, đẩy mạnh phát triển kinh tế lâm nghiệp (trồng cây gỗ lớn, cây dược liệu, cây lâm nghiệp đa mục đích như mắc ca, cao su, sa nhân, thảo quả, trám...) để người dân gắn bó với rừng và xây dựng nông thôn mới một cách hiệu quả, bền vững.

Một trong những mục tiêu quan trọng 5 năm tới tỉnh đặt ra là tập trung quyết liệt tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển cây mắc ca. Hiện nay, tỉnh đã cấp phép cho 5 dự án trồng mắc ca, tổng diện tích trên 17.200ha. Do phù hợp thổ nhưỡng, khí hậu nên cây mắc ca phát triển rất nhanh. Một số diện tích trồng cách đây 3 năm, đã cho thu hoạch, với năng suất khá cao, chất lượng tốt, thị trường đầu ra thuận lợi. Tỉnh xác định, trong những năm tới, mắc ca sẽ là cây xóa đói giảm nghèo ổn định, tiến tới làm giàu cho bà con nông dân vùng dự án.

Bên cạnh mở rộng diện tích trồng là thúc đẩy quy trình, thủ tục xây dựng nhà máy chế biến và phát triển thị trường tiêu thụ mắc ca, lúa gạo, cao su, dược liệu, các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm... theo hướng công nghiệp, đảm bảo môi trường. Thực tế, với sản phẩm nông nghiệp của tỉnh nói chung nhiều năm qua thường rơi vào vòng luẩn quẩn "được mùa mất giá" và ngược lại. Việc thiếu quy hoạch, định hướng chiến lược phát triển sản phẩm nông nghiệp lâu dài, ổn định cho bà con nông dân đã dẫn tới tình trạng "cung vượt cầu". Đầu ra thiếu ổn định, không có "doanh nghiệp truyền thống, uy tín" ký kết bao tiêu sản phẩm, nên luôn bị tư thương ép giá. Qua mỗi mùa vụ sản xuất, nông dân "đổ mồ hôi sôi nước mắt" trên đồng ruộng, ao hồ... nhưng giá trị kinh tế thu về không đáng bao nhiêu.

Do xa các thành phố lớn, điều kiện giao thông không thuận lợi, dịch vụ logistics khó khăn và thường tăng cao. Vì vậy, để sản phẩm nông nghiệp không bị ép giá, mất giá, chủ động nguồn hàng cho đối tác, việc quan trọng là tăng cường phát triển công nghiệp bảo quản sau thu hoạch, sơ chế, chế biến, phấn đấu nâng tỷ lệ chế biến sâu đạt khoảng 30% vào năm 2025. Mặt khác, quan tâm thúc đẩy việc đầu tư về mẫu mã, tem mác, bao bì sản phẩm gắn với xây dựng, phát triển nhãn hiệu sản phẩm, thương hiệu nông sản chủ lực, đặc sản của tỉnh và các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm, đa dạng hóa thị trường trong và ngoài tỉnh, hướng tới xuất khẩu.

Vấn đề xây dựng mẫu mã, thương hiệu sản phẩm nông nghiệp sẽ thuận lợi, khi tỉnh đang thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Sau 3 năm triển khai, hiện tại đã có 35 sản phẩm đạt OCOP. Chắp cánh thương hiệu nông nghiệp tỉnh nhà "bay xa", tỉnh dành nguồn kinh phí gần 200 tỷ đồng để thực hiện Chương trình OCOP giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác... chủ động đề xuất, sản xuất, nghiên cứu sản phẩm đạt OCOP, tất yếu giá trị, thương hiệu sản phẩm nông nghiệp là thế mạnh, đặc trưng của tỉnh sẽ ổn định, mang lại giá trị kinh tê cao, bền vững.

Nhận thức rõ tầm quan trọng của ngành Nông nghiệp trong cơ cấu GRDP, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh khóa XIV xác định, trong những năm tới sẽ tập trung nâng cao giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh của các sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh; phát triển thị trường, tìm nguồn tiêu thụ sản phẩm ổn định, từ đó góp phần đảm bảo an ninh lương thực, cải thiện, nâng cao đời sống của người dân, giúp giảm nghèo bền vững, bảo vệ môi trường… đưa sản xuất nông, lâm nghiệp thực sự là ngành tạo thu nhập chính cho người dân.

Tùng Lĩnh
Bình luận
Back To Top