Nắm bắt, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp trong đại dịch

13:58 - Thứ Năm, 16/09/2021 Lượt xem: 5026 In bài viết

ĐBP - Doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh ta hoạt động đa dạng trên các lĩnh vực và cũng là đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp, nặng nề nhất bởi dịch bệnh Covid-19. Trước những hệ lụy của dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp đang phải “gồng mình” đối phó. Thấu hiểu, chia sẻ khó khăn đó, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh đã làm tốt vai trò là “cầu nối” cung cấp thông tin, kết nối giữa doanh nghiệp với chính quyền, các ngành chức năng, giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp... giúp doanh nghiệp vượt “sóng gió” đại dịch.

Lãnh đạo Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh tham quan cửa hàng bày bán vật liệu xây dựng của Công ty TNHH Mạnh Huyền Điện Biên.

Công ty TNHH Mạnh Huyền Điện Biên hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực kinh doanh vật liệu xây dựng, thiết bị lắp đặt khác trong xây dựng; đồ điện gia dụng, đồ nội thất… Hàng hóa đa dạng, phong phú, doanh nghiệp là địa chỉ tin cậy của người tiêu dùng khi tới tham quan, mua sắm. Tuy nhiên trước ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch bệnh Covid-19 hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp gặp không ít khó khăn do người dân có xu hướng tích trữ các nhu yếu phẩm và hàng tiêu dùng thay vì chi tiêu vào bất động sản. Lượng khách có nhu cầu mua sắm giảm trong khi cước vận chuyển tăng, thủ tục vận chuyển hàng hóa qua nhiều tỉnh phải thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh thêm phần khó khăn. Chị Đặng Thị Thanh Huyền, Trưởng cửa hàng bày bán vật liệu xây dựng, Công ty TNHH Mạnh Huyền Điện Biên, cho biết: Các sản phẩm hàng hóa kinh doanh của doanh nghiệp vận chuyển từ dưới xuôi lên nên khó khăn nhất là khâu vận chuyển, chuyển từ dưới xuôi lên Điện Biên và từ Điện Biên đi các huyện, thị trong tỉnh kéo theo nhiều chi phí phát sinh. Để “kích cầu” tiêu dùng, doanh nghiệp chủ động giảm giá, đẩy hàng ra nhưng lượng tiêu thụ vẫn chững lại, dòng tiền xoay vòng cũng bị chậm. Trước thực trạng này, doanh nghiệp mong muốn Nhà nước tiếp tục có cơ chế để lưu thông hàng hóa thuận tiện hơn cùng với bổ sung các chính sách vay vốn ưu đãi để kịp thời “trợ lực” giúp doanh nghiệp vượt khó khăn trong đại dịch.

Không chỉ tác động tới các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh vật liệu xây dựng, dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng trực tiếp tới các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại. Ông Nguyễn Tiến Vinh, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Thịnh Vượng Điện Biên là một trong số những doanh nghiệp phải cơ cấu lại kinh doanh vì dịch bệnh. Ông Vinh cho biết: Là một trong những nhà phân phối hàng đầu trên địa bàn tỉnh về đồ dùng khác cho gia đình, các mặt hàng lương thực, thực phẩm, xay xát và sản xuất bột thô… song trước tình hình dịch bệnh bùng phát, kéo dài nên hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, phải cơ cấu lại lao động để giảm chi phí “đầu vào”. Mọi năm vào thời điểm này, doanh số bán hàng của công ty thường tăng đến 30%, thậm chí hơn, nhưng từ năm ngoái đến nay, kinh doanh rất khó. Do dịch bệnh dẫn đến nguồn thu giảm, người tiêu dùng “thắt lưng buộc bụng” chi tiêu rất ít, chủ yếu tập trung vào những mặt hàng thực sự thiết yếu cho cuộc sống hàng ngày. Trong khi đó, tiền thuê mặt bằng, thuê nhân viên thì vẫn phải duy trì khiến doanh nghiệp lâm vào cảnh khó khăn. Mong muốn được “tiếp sức” để vượt qua giai đoạn khó khăn này, doanh nghiệp mong muốn được Nhà nước hỗ trợ về chính sách tín dụng ưu đãi để doanh nghiệp khôi phục, duy trì hoạt động kinh doanh. Đồng thời đề nghị Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh kiến nghị với tỉnh, các ngành: công an, quản lý thị trường và các cơ quan liên quan tăng cường kiểm tra chất lượng hàng hóa tránh việc hàng giả, hàng nhái tuồn vào thị trường, để các doanh nghiệp làm ăn chân chính được cạnh tranh bình đẳng, tiếp tục tạo dựng uy tín với khách hàng, đối tác.

Dây chuyền chế biến gạo của Công ty TNHH Giống nông nghiệp Trường Hương Điện Biên được đầu tư hiện đại, song sản phẩm tiêu thụ gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Trong ảnh: Lãnh đạo Công ty giới thiệu dây chuyền chế biến gạo liên hoàn cho lãnh đạo, hội viên Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh.

Tương tự, lĩnh vực sản xuất kinh doanh nông nghiệp khó chồng khó vì dịch bệnh khi sản lượng tiêu thụ giảm mạnh, khó “đầu ra”. Ông Nguyễn Thanh Trường, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Giống nông nghiệp Trường Hương Điện Biên, cho biết: Do ảnh hưởng của dịch bệnh, nông sản khó đầu ra, lượng tiêu thụ giảm mạnh tới 30% so với trước thời điểm cùng kỳ năm 2020 và giảm tới 50% so với thời điểm năm 2019 - trước thời điểm xảy ra dịch bệnh. Tiêu thụ sản phẩm giảm, chi phí vận chuyển tăng cao, đặc biệt là từ Công ty tới các tỉnh và từ các tỉnh tới các đại lý tiêu thụ; nhất là với một số địa phương áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 nên lưu thông hàng hóa bị ảnh hưởng lớn. Doanh thu giảm mạnh, song Công ty vẫn nỗ lực cơ cấu lại vị trí, việc làm phù hợp để “níu chân” người lao động. Doanh nghiệp mong muốn các cơ quan quản lý Nhà nước áp dụng đầy đủ các chính sách của Chính phủ, của tỉnh ưu đãi cho doanh nghiệp về thu hút đầu tư, hỗ trợ phát triển lĩnh vực nông nghiệp; nhất là tiếp cận vốn vay ưu đãi để tái đầu tư sản xuất, tạo điều kiện hỗ trợ giúp đỡ trong quá trình nghiên cứu khoa học, phát triển sản xuất; phát triển thị trường, cải tiến công nghệ sản xuất, hỗ trợ chế biến.

Trực tiếp đi cơ sở, lắng nghe tâm tư cũng như nắm tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp hội viên, ông Bùi Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh cho biết: Chia sẻ khó khăn và tìm các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp hội viên là mối quan tâm hàng đầu của Hiệp hội, đặc biệt là trong 2021 các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh kéo dài. Ngoài việc chia sẻ, tham gia ý kiến để có phương án tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp hội viên, Hiệp hội đã tích cực, chủ động tổ chức triển khai các hoạt động nhằm giúp các doanh nghiệp hội viên ổn định, phát triển sản xuất kinh doanh. Đồng thời, tuyên truyền đến các doanh nghiệp hội viên về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đặc biệt, Hiệp hội còn là “cầu nối” giữa các doanh nghiệp với chính quyền các cấp để giải quyết những tồn tại, vướng mắc trong các thủ tục hành chính về lĩnh vực đầu tư, kinh doanh. Hiệp hội cũng đẩy mạnh hoạt động xúc tiến quảng bá thông tin, liên kết hội viên; bước đầu đã quảng bá, khẳng định vị thế của Hiệp hội trong cộng đồng doanh nghiệp thông qua các hoạt động hỗ trợ thiết thực và chia sẻ thông tin, động viên, thăm hỏi doanh nghiệp. Tổ chức các hoạt động liên kết, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, hợp tác sản xuất, kinh doanh giữa các hội viên; vận động hội viên hoạt động kinh doanh chấp hành đúng pháp luật. Phối hợp với Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam chi nhánh Điện Biên triển khai chương trình ưu đãi tín dụng đối với các doanh nghiệp là thành viên Hiệp hội với các chính sách hỗ trợ cụ thể, như: giảm 1% lãi suất/năm so với mặt bằng lãi suất thị trường, kỳ hạn, tài sản đảm bảo, thời gian xử lý hồ sơ linh hoạt và gồm nhiều ưu đãi khác.

Bài, ảnh: Minh Thùy
Bình luận
Back To Top