Phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại, gia trại

08:23 - Thứ Sáu, 17/09/2021 Lượt xem: 4002 In bài viết

ĐBP - Những năm qua, người dân huyện Mường Nhé đổi mới tư duy, mạnh dạn đầu tư phát triển chăn nuôi, nhất là chăn nuôi đại gia súc theo hướng tập trung, quy mô trang trại, gia trại. Điều này không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cho các gia đình, hạn chế rủi ro dịch bệnh mà còn góp phần thúc đẩy ngành chăn nuôi của huyện phát triển theo hướng bền vững.

Mô hình chăn nuôi đại gia súc theo hình thức tập trung của gia đình ông Vũ Thái Thụy, bản Nà Pán, xã Mường Nhé.

Hơn 10 năm trước, cuộc sống gia đình ông Sùng Phì Sinh, bản Tả Kố Khừ, xã Sín Thầu gặp rất nhiều khó khăn. Dù chăm chỉ làm ăn nhưng kinh tế chẳng mấy khấm khá. Thấy tiềm năng, lợi thế phát triển chăn nuôi, ông Sinh mạnh dạn huy động vốn từ người thân, gia đình, bạn bè đầu tư xây dựng chuồng trại, mua trâu, bò giống về nuôi. Những năm đầu, do chưa nhiều kinh nghiệm chăn nuôi nên gia súc của gia đình ông kém phát triển, hay mắc bệnh. Chịu khó học hỏi kinh nghiệm, sau nhiều năm nỗ lực, tới nay ông đã gây dựng được mô hình chăn nuôi theo hình thức trang trại với trên 150 con trâu, bò... Ông Sùng Phì Sinh chia sẻ: Trước kia gia đình cũng chỉ nuôi vài con gia súc để làm sức kéo. Được người thân và chính quyền xã động viên, tôi quyết tâm phát triển kinh tế đến nay đã mang lại hiệu quả, thu nhập ổn định.

Ở xã Sín Thầu, ngoài ông Sùng Phì Sinh, còn có gia đình ông Chang Váng Sinh, Pờ Dần Xinh cũng chăn nuôi theo hình thức trang trại; hàng chục hộ chăn nuôi theo hình thức gia trại. Những mô hình này hiện nay đã và đang phát huy hiệu quả, là động lực để người dân xóa đói giảm nghèo. Ông Pờ Chinh Phạ, Chủ tịch UBND xã Sín Thầu cho biết: Đàn gia súc toàn xã hơn 2.000 con. Từ những mô hình chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế, xã tiếp tục vận động người dân tập trung nguồn lực, lựa chọn các mô hình chăn nuôi phù hợp với điều kiện thực tiễn; khuyến khích mỗi hộ nuôi ít nhất từ 2 - 5 con gia súc; phấn đấu mỗi năm tốc độ tăng trưởng đàn gia súc tăng 5 - 7%.

Xã Mường Nhé cũng là một trong những địa phương điển hình trong phát triển chăn nuôi theo hình thức trang trại, gia trại. Đặc biệt, vài năm gần đây, sau khi được cấp ủy, chính quyền xã tuyên truyền, nhiều gia đình chủ động liên kết, xây dựng mô hình chăn nuôi đại gia súc với số lượng từ 10 - 20 con. Bà Lò Thị Nhâm, Phó Chủ tịch UBND xã chia sẻ: Hiện xã duy trì đàn gia súc trên 5.000 con với hơn 20 mô hình trang trại, gia trại nuôi trâu, bò tập trung. Để đảm bảo nguồn thức ăn cho gia súc, đồng thời từng bước hình thành các mô hình chăn nuôi tập trung quy mô lớn, xã vận động người dân bố trí diện tích đất trồng cỏ, chủ động nguồn thức ăn cho vật nuôi. Xã hiện có trên 3ha cỏ voi phục vụ chăn nuôi.

Không chỉ xã Mường Nhé và xã Sín Thầu, nhiều xã trên địa bàn huyện Mường Nhé đang từng bước hình thành và phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại, gia trại. Ông Nguyễn Văn Thắng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, cho biết: Phát triển chăn nuôi, nhất là chăn nuôi đại gia súc là một trong những chủ trương lớn của huyện. Đây là một trong những “chìa khóa” để người dân xóa đói giảm nghèo. Tháng 5 vừa qua, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã ban hành Nghị quyết số 05 về phát triển chăn nuôi đại gia súc theo hình thức nuôi nhốt tập trung, từng bước hình thành chuỗi liên kết sản phẩm có giá trị giai đoạn 2021 - 2025 và những năm tiếp theo.

Để nghị quyết đi vào cuộc sống, hiện nay, huyện đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức để bà con hiểu được lợi ích của việc chăn nuôi đại gia súc; từ đó chuyển từ thả rông sang nuôi nhốt tập trung. Đến nay, 11/11 xã đã quy hoạch một số vị trí để phát triển đàn gia súc. Một số gia đình, đơn vị bước đầu cũng đã chọn địa điểm, quỹ đất, đầu tư kinh phí xây dựng chuồng trại, trồng cỏ và các loại nguyên liệu để phát triển chăn nuôi. Đặc biệt, trong quá trình triển khai nghị quyết, huyện khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để người dân phát triển chăn nuôi, như: hỗ trợ con giống, tạo điều kiện về quỹ đất, vốn vay, kỹ thuật; tổ chức thực hiện các chương trình: 30a/CP; 135/CP; “Bò giống giúp người nghèo biên giới”… Với những cách làm đó, huyện Mường Nhé phấn đấu đến năm 2025, tổng đàn trâu, bò đạt trên 20.000 con; trong đó phát triển trên 400 nông hộ, gia trại chăn nuôi trâu, bò tham gia chuỗi/hợp tác xã.

Bài, ảnh: Quang Long
Bình luận
Back To Top