Nông dân huyện Điện Biên phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại

07:03 - Thứ Hai, 20/09/2021 Lượt xem: 3742 In bài viết

ĐBP - Những năm gần đây, nhiều hộ chăn nuôi trên địa bàn huyện Điện Biên đã đầu tư phát triển theo hướng tập trung, quy mô trang trại, gia trại. Từ đó, không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình, hạn chế rủi ro do dịch bệnh mà còn góp phần thúc đẩy chăn nuôi của huyện phát triển theo hướng bền vững.

Mô hình chăn nuôi trâu vỗ béo của gia đình chị Lò Thị Định, xã Sam Mứn (huyện Điện Biên).

Nhiều năm trước, gia đình chị Lò Thị Định, xã Sam Mứn chủ yếu chăn nuôi nhỏ lẻ, hiệu quả kinh tế thấp. Từ năm 2015, gia đình chị đầu tư xây dựng chuồng trại với diện tích trên 300m2 chăn nuôi trâu bò sinh sản kết hợp với quy trình kỹ thuật vỗ béo đàn trâu bò. Mô hình chăn nuôi của gia đình chị được chia thành nhiều ô, chuồng riêng biệt để nuôi nhiều lứa trâu, bò khác nhau. Trung bình gia đình chị nuôi vỗ béo đàn trâu từ 30 con/lứa. Để đảm bảo nguồn thức ăn, chị Định trồng 2.000m2 cỏ voi, đồng thời dự trữ rơm, cây ngô. Thu nhập từ chăn nuôi của gia đình chị từ 50 - 80 triệu đồng/năm.

Chị Lò Thị Định cho biết nuôi vỗ béo trâu bò không mất nhiều thời gian như nuôi sinh sản, tuy nhiên, chế độ dinh dưỡng phải đảm bảo thường xuyên. Với phương thức chăn nuôi này, gia đình chỉ cần đầu tư chuồng trại, công chăm sóc. Từ khi chuyển sang nuôi trâu bò vỗ béo, tôi thấy hiệu quả kinh tế, đồng thời còn giải quyết được tình trạng thả rông gia súc; tăng hiệu quả quản lý đàn trong việc chăm sóc và phòng trừ dịch bệnh; tận dụng được nguồn phụ phẩm để tái đầu tư.

Cũng đầu tư phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại nhưng gia đình ông Lò Văn Oai, xã Thanh Chăn lựa chọn mô hình ao cá, chăn nuôi gà, vịt đẻ và thịt theo hướng tập trung, an toàn sinh học. Trước đây gia đình ông chỉ nuôi khoảng vài chục con gà để ăn thịt và bán lẻ ngoài chợ, từ cuối năm 2019, nhận thấy chăn nuôi nhỏ lẻ không đem lại hiệu quả kinh tế cao, ông Oai đầu tư xây dựng chuồng trại chăn nuôi với quy mô lớn. Hiện nay gia đình ông Oai đang có gần 4.000m2 ao thả cá và trên 2.000 con gà, vịt; thu nhập trên 100 triệu đồng/năm.

Ông Lò Văn Oai cho biết, nhờ được tiếp cận những tiến bộ khoa học kỹ thuật từ nhiều mô hình kinh tế, gia đình đã mạnh dạn áp dụng chuyển đổi cơ cấu sản xuất từ làm ruộng sang làm mô hình VAC. Chăn nuôi gia cầm tập trung, sử dụng công nghệ an toàn sinh học không tốn nhiều nhân công chăm sóc, đàn gia cầm phát triển tốt, ít mắc bệnh, hiệu quả cao hơn nhiều so với cách chăn nuôi truyền thống. Từ khi chuyển sang làm trang trại tổng hợp, gia đình tôi đã thoát nghèo, mức sống của gia đình được tăng lên.

Ông Chu Văn Bách, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Điện Biên cho biết: Việc phát triển chăn nuôi tập trung theo hướng trang trại, gia trại không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với chăn nuôi nhỏ lẻ mà còn giúp người chăn nuôi hạn chế dịch bệnh, tiết kiệm chi phí đầu tư, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Không những thế còn giúp các hộ dân có điều kiện liên kết với các công ty, hợp tác xã để hỗ trợ trong sản xuất và chủ động về đầu ra cho sản phẩm. Để góp phần giúp người dân trên địa bàn huyện phát triển các mô hình chăn nuôi, ngoài sự chủ động của người dân, huyện đã có các chính sách hỗ trợ, khuyến khích như: Tạo điều kiện cho người dân vay vốn; quan tâm đào tạo, tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật; tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, hợp tác xã liên kết đầu tư phát triển chăn nuôi bền vững… Nhờ đó, chăn nuôi trên địa bàn huyện ngày càng phát triển. Đến nay tổng đàn gia súc, gia cầm đạt hơn 1,7 triệu con, trong đó đàn gia cầm hơn 1,6 triệu con, tăng 9,26% so với cùng kỳ năm 2020.

Bài, ảnh: Thành Đạt
Bình luận
Back To Top