Tích cực tuyên truyền cơ chế, chính sách phát triển mắc ca

10:03 - Thứ Sáu, 24/09/2021 Lượt xem: 3981 In bài viết

ĐBP - Nhằm phát triển bền vững, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước - doanh nghiệp - người dân khi thực hiện các dự án phát triển mắc ca trên địa bàn, UBND tỉnh đã ban hành một số cơ chế, chính sách. Với chức năng, nhiệm vụ được giao, thời gian qua Liên minh Hợp tác xã (HTX) tỉnh đã chủ trì phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan và nhà đầu tư đẩy mạnh công tác tuyên truyền cơ chế, chính sách đến người dân vùng dự án phát triển mắc ca.

Đại diện Liên minh HTX tỉnh trao đổi với cán bộ, người dân xã Na Tông (huyện Điện Biên) về cơ chế, chính sách trồng mắc ca.

Tại các buổi tuyên truyền, Liên minh HTX tỉnh đã tập trung phổ biến định hướng về việc phát triển cây mắc ca trên địa bàn; đặc biệt là những lợi ích của việc trồng mắc ca thông qua mô hình hợp tác xã. Nội dung tuyên truyền chủ yếu tập trung vào hình thức sử dụng đất thực hiện dự án, như: Nhà nước cho nhà đầu tư thuê đất để thực hiện các dự án trồng mắc ca theo quy định của pháp luật về đất đai; người dân hợp tác với nhà đầu tư thực hiện các dự án trồng mắc ca theo phương thức hợp đồng liên kết.

Theo đó, căn cứ vào hợp đồng ký kết, người dân chủ động phát triển cây mắc ca trên diện tích đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp của mình và nhà đầu tư chịu trách nhiệm hỗ trợ, cung cấp cây giống, vật tư thiết yếu, bảo đảm tiêu chuẩn, hướng dẫn kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm. Ngoài hai hình thức trên, người dân có thể hợp tác với nhà đâu tư thông qua hình thức khác, như góp vốn với nhà đầu tư (bằng giá trị quyền sử dụng đất) để thực hiện các dự án trồng mắc ca, nhưng việc hợp tác phải đảm bảo đầy đủ quyền lợi và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân theo quy định của pháp luật về góp vốn, đất đai và các quy định liên quan.

Liên quan đến việc giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, người dân vùng dự án được nhà đầu tư hỗ trợ 100% kinh phí làm thủ tục xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; được hỗ trợ kinh phí khai hoang những diện tích ngoài hạn mức cấp quyền sử dụng đất theo quy định. Nhà đầu tư hỗ trợ kinh phí đo đạc, quy chủ toàn bộ phần diện tích theo hiện trạng trong vùng dự án; phối hợp với chính quyền địa phương vùng dự án cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân theo thực trạng diện tích đất trồng cây hàng năm hiện nay người dân đang quản lý sử dụng, nhưng tối đa không quá 5ha/hộ gia đình, cá nhân. Đối với diện tích đất do người dân quản lý còn lại trong vùng dự án (sau khi đã cấp cho hộ gia đình, cá nhân theo hạn mức), Nhà nước thực hiện thu hồi cho nhà đầu tư thuê theo quy định. Nhà đầu tư hỗ trợ tối thiểu cho người dân 15 triệu đồng/ha công khai hoang, cải tạo đất. Đối với diện tích đất giao, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân (tối đa không quá 5ha/hộ gia đình, cá nhân), thì người dân được toàn quyền quyết định trong việc sử dụng làm nương hoặc hợp tác, liên kết với nhà đầu tư để trồng mắc ca theo dự án đầu tư được cấp có thẩm quyền quyết định.

Trong trường hợp người dân hợp tác với nhà đầu tư trồng mắc ca theo phương thức hợp đồng liên kết thông qua hợp tác xã thì nhà đầu tư chịu trách nhiệm hỗ trợ, cung cấp cây giống, vật tư thiết yếu cho người dân, mức hỗ trợ không quá 50 triệu đồng/hộ gia đình theo chính sách hỗ trợ sau đầu tư của tỉnh. Nhà đầu tư sẽ thu hồi khoản tiền hỗ trợ này khi các hộ dân liên kết trồng mắc ca được Nhà nước hỗ trợ hoặc khi sản phẩm mắc ca được thu hoạch (tùy theo điều kiện nào đến trước); đồng thời hỗ trợ miễn phí hướng dẫn kỹ thuật, chăm sóc, thu hoạch và chịu trách nhiệm bao tiêu sản phẩm.

Tham gia các buổi tuyên truyền, đã có những ý kiến thắc mắc, đề nghị làm rõ một số vấn đề, như: Nguồn vốn đầu tư; hiệu quả dự án; giá sản phẩm mắc ca về sau có bình ổn? Khâu bao tiêu sản phẩm; việc thu hồi đất của người dân, chính sách hỗ trợ người dân tham gia… Sau khi được giải đáp, hầu hết người dân đã đồng thuận, ủng hộ chủ trương thực hiện dự án; nhiều người mong muốn tham gia phát triển cây mắc ca theo hình thức liên kết thông qua mô hình hợp tác xã.

Ông Lò Văn Phong, bản Na Hươm, xã Na Tông (huyện Điện Biên) chia sẻ: “Sau khi được Liên minh HTX tỉnh tuyên truyền về cơ chế, chính sách phát triển cây mắc ca, đặc biệt những lợi ích của việc thông qua mô hình hợp tác xã, bản thân tôi mong muốn dự án sớm triển khai thực hiện trên địa bàn.”

Ông Phí Văn Dương, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho biết: Công tác tuyên truyền về cơ chế, chính sách phát triển cây mắc ca nhấn mạnh vào nội dung, hình thức thực hiện. Nếu như trước đây, người dân chủ yếu góp vốn bằng quyền sử dụng đất cho doanh nghiệp thì nay có thể thực hiện theo hình thức hợp tác với nhà đầu tư thực hiện các dự án trồng mắc ca theo phương thức hợp đồng liên kết thông qua mô hình hợp tác xã. Đặc biệt, khi tham gia qua mô hình hợp tác, tư liệu đất đai của người dân vẫn là của người dân; đồng thời còn được Liên minh HTX hướng dẫn thành lập HTX và bảo vệ quyền lợi, lợi ích của người dân trong suốt quá trình tham gia.

Bài, ảnh: Văn Tâm
Bình luận
Back To Top