Tăng cường quản lý tài nguyên khoáng sản

08:41 - Thứ Hai, 27/09/2021 Lượt xem: 2299 In bài viết

ĐBP - Hiện nay toàn tỉnh có 27 điểm mỏ khoáng sản được cơ quan quản lý Nhà nước cấp quyền khai thác (chủ yếu là khoáng sản cát, đá làm vật liệu xây dựng thông thường). Hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh cơ bản phù hợp với chiến lược, quy hoạch khoáng sản, gắn với bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng - an ninh. Tuy nhiên, do hầu hết các loại khoáng sản phân bố phân tán trên diện rộng, chủ yếu ở nơi có địa hình hiểm trở, gây khó khăn trong quản lý, bảo vệ khoáng sản của các cấp, ngành chức năng.

Công nhân Doanh nghiệp tư nhân Đại Dương khai thác đá tại mỏ đá Minh Thắng 2, xã Quài Nưa (huyện Tuần Giáo). Ảnh: C.T.V

Thời gian qua, vẫn có một số doanh nghiệp hoạt động khai thác khoáng sản vi phạm khai thác không đúng trình tự, khai thác vượt ra ngoài ranh giới khu vực được phép khai thác; lập bản đồ hiện trạng, bản vẽ mặt cắt hiện trạng khu vực được phép khai thác khoáng sản không đúng theo quy định. Điều này không chỉ làm mất tài nguyên khoáng sản, thất thoát ngân sách Nhà nước mà còn gây ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, ảnh hưởng đến đời sống người dân, an ninh trật tự… Theo thống kê, năm 2020 đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh đã phát hiện 2 doanh nghiệp khai thác cát làm vật liệu xây dựng thông thường vượt công suất được phép khai thác. Qua đó đã kiến nghị xử phạt vi phạm hành chính, đồng thời tước quyền sử dụng giấy phép khai thác khoáng sản 6 tháng. Từ đầu năm đến nay, đoàn kiểm tra liên ngành cũng phát hiện 2 doanh nghiệp khai thác cát làm vật liệu xây dựng thông thường vượt ngoài ranh giới khu vực được cấp phép. Điển hình là Công ty Cổ phần Thịnh Vượng làm chủ đầu tư điểm mỏ đội 1, bản Noong Vai, xã Thanh Yên và đội C9, xã Thanh Xương (huyện Điện Biên) đã vi phạm khai thác vượt ra ngoài ranh giới khu vực được cấp phép; hủy hoại đất và UBND tỉnh đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

Tình trạng khai thác cát, sỏi nhỏ lẻ trái phép trên lòng sông, suối thời gian qua vẫn diễn biến phức tạp ở hầu hết các huyện, thị, thành phố trên địa bàn tỉnh. Nguyên nhân do lợi nhuận cao nên nhiều đối tượng khai thác cát trái phép, sai phép hoặc thu mua từ các đối tượng khai thác trái phép để kiếm lời. Trong khi đó, sự tham gia của nhân dân đối với công tác bảo vệ khoáng sản, giám sát việc thi hành pháp luật về khoáng sản vẫn còn hạn chế. Chính quyền một số địa phương, nhất là cấp cơ sở còn thiếu trách nhiệm, công tác quản lý địa bàn thiếu sự phối hợp ở vùng giáp ranh; không ngăn chặn, xử lý kịp thời, dứt điểm các hành vi vi phạm.

Hiện nay huyện Mường Nhé có 2 điểm mỏ đã thăm dò khoáng sản, 1 điểm mỏ đã có chủ trương thăm dò, 2 điểm mỏ đang khai thác đá, cát kết hợp được UBND tỉnh cấp phép khai thác. Ông Quàng Văn Hòa, Phó phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Mường Nhé cho biết: Hiện nay, nhu cầu cát làm vật liệu xây dựng rất lớn nhưng trên địa bàn chưa có điểm mỏ khai thác cát được cấp phép nên chưa đáp ứng nhu cầu xây dựng các công trình. Vì vậy hoạt động khai thác cát trái phép làm vật liệu xây dựng thông thường của các hộ gia đình, cá nhân vẫn còn diễn ra. Để tăng cường công tác quản lý tài nguyên khoáng sản, thời gian qua huyện đã chỉ đạo UBND các xã và các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai các giải pháp chấn chỉnh hoạt động khai thác cát sỏi trái phép. Tuy nhiên công tác kiểm tra, phát hiện, bắt giữ các trường hợp này gặp không ít khó khăn do lực lượng tham gia mỏng, chưa có đủ phương tiện phục vụ kiểm tra, đối tượng lại thường hoạt động vào ban đêm.

Nhằm tăng cường công tác quản lý hoạt động khai thác khoáng sản, ngày 10/4/2017 UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 08/2017/QĐ-UBND về quy chế quản lý hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Trong đó quy định rõ trách nhiệm của UBND từ cấp xã đến cấp huyện, đặc biệt là người đứng đầu chính quyền các cấp. Cụ thể, chủ tịch UBND cấp huyện phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh nếu để xảy ra hoạt động khai thác khoáng sản trái phép; kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm đối với chủ tịch UBND cấp xã và tổ chức, cá nhân thuộc quyền quản lý nếu không hoàn thành nhiệm vụ; nếu để xảy ra hoạt động khai thác khoáng sản thành điểm nóng, tập trung đông người, ảnh hưởng đến môi trường, gây mất an ninh trật tự, bức xúc trong nhân dân thì chủ tịch UBND cấp huyện phải chịu trách nhiệm... Song thực tế từ trước đến nay, các đoàn thanh tra, kiểm tra đã phát hiện, xử phạt nhiều vụ vi phạm khai thác khoáng sản trái phép nhưng chưa có trường hợp người đứng đầu nào chịu trách nhiệm.

Thời gian tới, cùng với việc tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với các hoạt động khoáng sản, tỉnh chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra tình hình khai thác cát sỏi trên địa bàn để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định. Đồng thời ký quy chế phối hợp với UBND 2 tỉnh Lai Châu và Sơn La để quản lý hoạt động khai thác cát sỏi tại các địa bàn giáp ranh theo quy định. Cùng với đó, xây dựng kế hoạch đấu giá khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường; trong đó, tập trung việc đấu giá khai thác cát để tạo môi trường minh bạch, cạnh tranh trong quản lý hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn.

Văn Tâm
Bình luận
Back To Top