Gỡ khó cho sản xuất, tiêu thụ vật liệu xây dựng

10:22 - Thứ Tư, 29/09/2021 Lượt xem: 2426 In bài viết

ĐBP - Để khuyến khích tăng cường sử dụng vật liệu xây dựng không nung và hạn chế sản xuất, sử dụng gạch đất sét nung, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 567/QĐ-TTg ngày 28/4/2010 về phê duyệt Chương trình phát triển vật liệu xây dựng không nung đến 2020. Qua thời gian thực hiện Quyết định này, việc sản xuất và sử dụng vật liệu xây dựng không nung trên địa bàn tỉnh đã đạt được một số kết quả khả quan. Tuy nhiên, để đẩy mạnh việc sản xuất và tiêu thụ vật liệu xây dựng không nung vẫn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Công nhân Công ty TNHH Đầu tư thương mại và dịch vụ Hoàng Anh sản xuất gạch không nung xi măng cốt liệu. Ảnh: Văn Tâm

Hiện nay, toàn tỉnh có 16 tổ chức, doanh nghiệp được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư sản xuất gạch không nung xi măng cốt liệu, với tổng công suất trên 150 triệu viên/năm, chủ yếu trên địa bàn các huyện: Điện Biên, Tuần Giáo, Mường Chà (chưa bao gồm các tổ chức, cá nhân sản xuất gạch xây không nung xi măng cốt liệu chưa được cấp phép)… Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, một số doanh nghiệp đã dừng hoạt động và một số đơn vị mới thực hiện thuê đất với Nhà nước, chưa đầu tư dây chuyền công nghệ sản xuất. Các sản phẩm gạch xây không nung xi măng cốt liệu được các doanh nghiệp chú trọng đầu tư dây chuyền tiên tiến, hiện đại và đồng bộ; sản phẩm được chứng nhận hợp quy sản phẩm theo quy định về việc ban hành tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia về sản phẩm, hàng hóa, vật liệu xây dựng và kê khai giá với cơ quan chức năng quản lý.

Để thúc đẩy phát triển gạch không nung, theo quy định tại Thông tư 13/2017/TT-BXD ngày 8/12/2017 của Bộ Xây dựng tại các đô thị từ loại III trở lên (bao gồm cả TP. Điện Biên Phủ) phải sử dụng tối thiểu 70% vật liệu xây dựng không nung tại các công trình được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước, vốn Nhà nước ngoài ngân sách; các khu vực còn lại phải sử dụng tối thiểu 50%. Trước tình hình trên, Sở Xây dựng đã có văn bản về sử dụng gạch không nung, tăng cường quản lý chất lượng đối với vật liệu gạch xây dựng không nung. Tuy nhiên, hiện tại mức tiêu thụ thực tế không nhiều, do cắt giảm công trình dự án chưa thực sự cần thiết và cấp bách. Do vậy, các đơn vị sản xuất cũng chỉ sản xuất cầm chừng khoảng 25% - 30% công suất thiết kế; thậm chí có đơn vị phải tạm dừng sản xuất do không có thị trường tiêu thụ.

Theo Sở Xây dựng, nguyên nhân do thói quen dùng gạch nung của người tiêu dùng. Giá thành sản phẩm gạch không nung cao hơn so với gạch đất sét nung; đội ngũ công nhân có tay nghề, sử dụng thành thạo các công cụ chuyên dùng khi thi công các sản phẩm vật liệu xây dựng không nung còn thiếu. Mặt khác, các đơn vị sản xuất gạch xây không nung xi măng cốt liệu chưa tiếp cận được các chính sách ưu đãi trong đầu tư phát triển gạch xây không nung; các nhà đầu tư chưa quan tâm đến việc sử dụng vật liệu mới trong công trình xây dựng. Cùng với đó, hiện nay việc sử dụng gạch xây không nung đang bị chi phối bởi giá gạch không nung của các cá nhân tự phát. Trong khi đó, gạch thủ công của các hộ gia đình cá thể chưa thực hiện đánh giá chất lượng sản phẩm, chứng nhận và công bố hợp quy cho sản phẩm và giá bán chưa tuân thủ quy định của pháp luật trong việc kiểm soát chất lượng sản phẩm trước khi đưa ra tiêu thụ trên thị trường.

Các sản phẩm gạch xây không nung thuộc nhóm bắt buộc chứng nhận và công bố hợp quy khi áp dụng thử nghiệm mẫu điển hình và đánh giá quá trình sản xuất; giám sát thông qua thử nghiệm mẫu lấy tại nơi sản xuất hoặc trên thị trường kết hợp với đánh giá quá trình sản xuất. Để đánh giá hợp quy, quy định nhà sản xuất phải có chứng chỉ hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001. Việc xây dựng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn này mất nhiều thời gian, chi phí, điều này gây khó khăn cho các tổ chức sản xuất, kinh doanh sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh chưa có tổ chức được công nhận đủ điều kiện thực hiện đánh giá và chứng nhận hợp quy, gây khó khăn cho các đơn vị sản xuất vật liệu xây dựng khi tiến hành chứng nhận và công bố hợp quy.

Bên cạnh những nguyên nhân khách quan, thì hiện nay các đơn vị sản xuất gạch xây không nung trên địa bàn tỉnh cũng chưa duy trì việc đánh giá, giám sát hàng năm thông qua việc thử nghiệm mẫu lấy tại nơi sản xuất kết hợp với đánh giá quá trình sản xuất. Hầu hết đơn vị sản xuất chưa xuất trình được hồ sơ chất lượng của vật liệu đầu vào xi măng, cốt liệu, phụ gia; phần lớn đơn vị sản xuất chưa thực hiện việc công bố tiêu chuẩn áp dụng. Một số cơ sở sản xuất chưa hiểu hết về các đặc tính kỹ thuật của sản phẩm nên công tác bảo quản sản phẩm khi lưu kho bãi và vận chuyển chưa đúng quy trình, làm ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm khi đưa vào sử dụng.

Để tạo điều kiện cho các đơn vị, doanh nghiệp phát triển và tiêu thụ gạch xây không nung xi măng cốt liệu, Sở Xây dựng kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo về việc sử dụng gạch không nung trong xây dựng các công trình sử dụng vốn đầu tư công, vốn Nhà nước ngoài đầu tư công, vốn PPP hay vốn khác. Đồng thời, không nghiệm thu đối với các vật liệu được sản xuất trên địa bàn tỉnh nói chung và gạch không nung xi măng cốt liệu nói riêng khi đưa vào sử dụng công trình vốn ngân sách Nhà nước không rõ nguồn gốc xuất xứ của các đơn vị sản xuất, không thực hiện chứng nhận hợp quy sản phẩm. Các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định về sử dụng gạch xây không nung cũng như hạn chế sản xuất lò gạch đất nung đến các tổ chức, cá nhân theo Kế hoạch 2761/KH-UBND, ngày 31/7/2014 của UBND tỉnh về triển khai Chương trình phát triển vật liệu xây không nung đến năm 2020 và lộ trình xóa bỏ lò gạch thủ công, lò thủ công cải tiến, lò đứng liên tục và lò vòng sử dụng nhiên liệu hóa thạch trên địa bàn tỉnh.

Văn Tâm
Bình luận
Back To Top