Đảm bảo cung ứng hàng hóa vùng khó khăn

10:35 - Thứ Tư, 29/09/2021 Lượt xem: 2318 In bài viết

ĐBP - Thời gian qua, do áp dụng quy định hạn chế đi lại, tạm dừng các lễ hội khiến hoạt động mua bán của người dân khó khăn hơn các năm trước; lĩnh vực du lịch - thương mại - dịch vụ; doanh thu các nhóm ngành hàng đều giảm, làm giảm tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ. Để bảo đảm cân đối cung - cầu hàng hóa thiết yếu, ổn định thị trường trên địa bàn, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, tỉnh ta đã triển khai nhiều biện pháp lưu thông hàng hóa, tránh tình trạng khan hiếm, đội giá.

Có mặt tại bản Hua Sa A, xã Tỏa Tình, huyện Tuần Giáo, chúng tôi thấy nhiều hộ kinh doanh bày bán hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân. Các mặt hàng đa dạng về chủng loại, mẫu mã, có giá thành phải chăng, phù hợp với thu nhập, điều kiện kinh tế của người dân. Anh Phan Xuân Diệu, chủ một cửa hàng tạp hóa tại bản Hua Sa A cho biết: Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 dẫn đến kinh tế khó khăn, lượng mua của người dân giảm khoảng 50% so với những năm trước. Mùa mưa bão vừa qua, từ trung tâm huyện đến xã nhiều điểm có nguy cơ sạt lở, gây ách tắc giao thông có thể xảy ra, ảnh hưởng việc vận chuyển hàng hóa. Vì vậy, gia đình đã làm việc với đại lý phân phối đặt hàng số lượng tăng gấp 3 - 5 lần so với bình thường; để dự trữ các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân. Cũng như nhiều hộ kinh doanh khác, gia đình thực hiện nghiêm các quy định về giá, cam kết không tăng giá. Đồng thời, đảm bảo an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19 nhằm tránh nguy cơ lây lan dịch bệnh… Theo Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Tuần Giáo, xã Tỏa Tình là địa bàn tiếp giáp và có tuyến quốc lộ kết nối trực tiếp với tỉnh Sơn La nên giao thông vận tải thuận lợi. Thời gian qua, hạ tầng giao thông của huyện đã từng bước được đầu tư, xe ô tô có thể đi đến trung tâm các xã và nhiều thôn, bản không chỉ ở Tỏa Tình mà nhiều xã khác. Vì vậy, giả thiết khi xảy ra mưa bão, sạt lở kéo dài hoặc dịch bệnh diễn biến phức tạp thì hàng hóa thiết yếu như: Lương thực, thực phẩm trên địa bàn có thể tự cung cấp.

Hiện nay, từ thành phố đến các huyện vùng cao trên địa bàn tỉnh, hệ thống phân phối hàng hóa phát triển nhanh, mạng lưới bán buôn, bán lẻ đáp ứng nhu cầu lưu thông hàng hóa; hoạt động thương mại đã có sự chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, do Điện Biên không có nhà máy sản xuất, chế biến, vì vậy nguồn hàng chủ yếu là nhập từ các tỉnh như: Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hưng Yên, Thái Bình, Vĩnh Phúc... Toàn tỉnh hiện có 2 trung tâm thương mại, 3 siêu thị đạt tiêu chuẩn hạng III; 16 cơ sở hoạt động theo mô hình siêu thị, đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân. Chợ truyền thống có 34 chợ, trong đó 1 chợ hạng I, 8 chợ hạng II và 25 chợ hạng III; 16 chợ thành thị, 18 chợ nông thôn. Đây là những điểm tập trung và là kênh phân phối hàng hóa, các nhu yếu phẩm cho đời sống cư dân nội vùng. Các doanh nghiệp kinh doanh hoạt động theo hình thức nhà phân phối, đại lý. Bên cạnh chợ truyền thống, siêu thị, trung tâm thương mại được đặt tại trung tâm huyện, thị thì tại vùng sâu, vùng xa các doanh nghiệp còn phân phối hàng hóa tới các đại lý, các cửa hàng tạp hóa bằng xe hàng bán lưu động.

Từ khi xuất hiện dịch Covid-19, Sở Công Thương chủ động xây dựng các phương án đảm bảo cung ứng hàng hóa trên địa bàn với mục tiêu vừa phát triển sản xuất, không ngăn sông cấm chợ, đảm bảo lưu thông hàng hóa; tăng cường kiểm tra việc dự trữ kết hợp tuyên truyền, vận động các cơ sở kinh doanh, doanh nghiệp, hợp tác xã chủ động dự trữ, cung ứng đủ số lượng, chất lượng hàng hóa thiết yếu, liên tục ứng phó với các cấp độ dịch bệnh. Đồng thời vận động các doanh nghiệp thương mại rà soát, xây dựng phương án cung ứng hàng hóa và chủ động tập kết hàng hóa thiết yếu (lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm, hóa chất khử trùng, khẩu trang y tế) tại các kho, đại lý, cửa hàng, điểm bán hàng trong hệ thống phân phối ở các xã vùng sâu, vùng xa, các khu vực dễ bị chia cắt (cả phương án ngắn và dài ngày). Ngoài ra, các huyện, thị xã, thành phố chủ động xây dựng phương án đảm bảo hàng hóa thiết yếu theo phương châm “4 tại chỗ” và hình thành các điểm bán hàng bình ổn giá tại địa phương để đáp ứng nhu cầu của người dân cũng như điều tiết thị trường.

Sở Công Thương đã hướng dẫn các doanh nghiệp được tỉnh phân công dự trữ hàng hóa chủ động kịp thời cung ứng, xử lý các “điểm nóng” của thị trường khi cần thiết. Qua kiểm tra cho thấy các doanh nghiệp thực hiện công việc này rất tốt nên đảm bảo cung ứng, lưu thông hàng hóa đến với người dân đầy đủ. Đến nay, các doanh nghiệp dự trữ hàng hóa trị giá gần 30 tỷ đồng, gồm các mặt hàng thiết yếu như: mì tôm, gạo, các mặt hàng lương thực, thực phẩm khác… góp phần đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu với mức giá ổn định, phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân.

Đức Kiên
Bình luận
Back To Top