Tăng cường chống buôn lậu, hàng nhái, hàng giả

14:24 - Thứ Tư, 29/09/2021 Lượt xem: 3226 In bài viết

ĐBP - Theo đánh giá của đơn vị chức năng, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn tỉnh không có diễn biến nổi cộm, các vụ việc vi phạm có quy mô, tính chất, mức độ không lớn, số lượng mặt hàng vi phạm không nhiều. Tuy nhiên, vẫn tiềm ẩn diễn biến phức tạp; hành vi vi phạm phát hiện, xử lý chủ yếu ở các lĩnh vực về giá, điều kiện kinh doanh, an toàn thực phẩm và về nhãn.

Lực lượng quản lý thị trường kiểm tra mặt hàng thiết yếu tại Chợ Trung tâm 1 (TP. Điện Biên Phủ).

Các đối tượng sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn để qua mặt cơ quan chức năng như: Xé lẻ, lợi dụng giờ cao điểm, sử dụng phương tiện kỹ thuật số, thiết bị viễn thông, ứng dụng mạng xã hội, dịch vụ chuyển phát nhanh, shipper để vận chuyển, kinh doanh nhằm trốn tránh việc kiểm tra, gây khó khăn cho lực lượng chức năng. Ngoài ra, tâm lý e ngại dịch bệnh, người dân cũng hạn chế đi lại, ngại tiếp xúc, ham rẻ, dễ dãi trong mua sắm, tiêu dùng cũng là thời cơ để các đối tượng thực hiện hành vi vi phạm sản xuất, kinh doanh hàng nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Để đảm bảo công tác phòng, chống buôn lậu hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng, Cục Quản lý thị trường Điện Biên đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường theo kế hoạch định kỳ năm, kiểm tra chuyên đề và đột xuất. Căn cứ chỉ đạo của cấp trên và tình hình diễn biến thị trường thực tế tại địa phương, vừa qua Cục đã ban hành kế hoạch kiểm tra chuyên đề mặt hàng phân bón và đấu tranh, phòng, chống các hành vi vi phạm trong lĩnh vực xuất bản phẩm, đặc biệt là hành vi in và tiêu thụ sách giáo khoa giả. Đồng thời, thành lập tổ công tác thương mại điện tử; tăng cường kiểm tra, xử lý hàng hóa giả mạo nhãn hiệu; kiểm tra, kiểm soát đối với hoạt động kinh doanh mủ cao su không rõ nguồn gốc, xuất xứ... Đơn vị chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng trao đổi thông tin, kiểm tra, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh các mặt hàng. Cụ thể là các mặt hàng: May mặc, đồ chơi trẻ em, mũ bảo hiểm, đồ điện, xăng dầu, phân bón, thực phẩm.

Ông Lò Ngọc Minh, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Điện Biên cho biết: Thời gian qua, luân chuyển hàng hóa đạt mức trung bình, tuy nhiên thị trường có phần sôi động hơn, tập trung chủ yếu những ngày chuẩn bị cho năm học mới với các mặt hàng thiết bị học sinh, đồ điện, hàng may mặc. Mặt hàng đồ chơi trẻ em, bánh trung thu cũng được bày bán tại siêu thị, các chợ truyền thống và dọc các tuyến phố với số lượng không nhiều, sức mua giảm đáng kể. Nắm bắt tình hình thị trường đó, đơn vị đã ứng trực thường xuyên (kể cả ngày nghỉ, ngoài giờ hành chính) để kịp thời cập nhật, báo cáo diễn biến, tình hình và xử lý các tình huống phát sinh trên địa bàn được giao quản lý.

Kết quả, trong quý III, toàn tỉnh thực hiện kiểm tra 507 vụ; 120 vụ xử phạt vi phạm hành chính. Trong đó, 56 vụ vi phạm lĩnh vực giá, 18 vụ vi phạm an toàn thực phẩm (hàng quá hạn sử dụng, hỏng mốc, không rõ nguồn gốc xuất xứ), vi phạm khác 45 vụ (ghi nhãn hàng hóa) với số tiền xử phạt nộp ngân sách Nhà nước hơn 190 triệu đồng. Trị giá hàng hóa vi phạm về an toàn thực phẩm buộc tiêu hủy hơn 21 triệu đồng, gồm 760 đơn vị sản phẩm thực phẩm các loại quá hạn sử dụng, hỏng mốc và 300kg hoa quả (táo, lựu, nho, xoài, lê) không rõ nguồn gốc xuất xứ. Ngoài ra, đơn vị còn đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trực tiếp đến trên 500 lượt tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thông qua công tác quản lý theo địa bàn, kiểm tra, xử lý vi phạm. Đồng thời, vận động 1.544 tổ chức, cá nhân ký cam kết không kinh doanh hàng nhập lậu, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; ký quy chế phối hợp với 43 UBND cấp xã, phường trong công tác đấu tranh, phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ... nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của chính quyền địa phương, người kinh doanh trong công tác đấu tranh chống các hành vi vi phạm.

Bài, ảnh: Đức Kiên
Bình luận
Back To Top