Người nuôi cá lao đao vì thua lỗ

15:20 - Thứ Năm, 30/09/2021 Lượt xem: 3418 In bài viết

ĐBP - Với 20 lồng nuôi cá các loại, chủ yếu là rô phi, trắm cỏ, chép giòn nhưng đợt thu hoạch vừa qua gia đình anh Trần Bá Quảng nuôi cá ở hồ Lọng Luông (xã Mường Phăng, TP. Điện Biên Phủ) bán lỗ chừng 200 triệu đồng. Anh Quảng bảo, nhận thầu nuôi cá tại hồ Lọng Luông hơn 1 năm qua, bỏ ra trên 3 tỷ đồng đầu tư hệ thống lồng bè, con giống, thức ăn cá bã… Cá lớn nhanh do được chăm sóc và thực hiện đúng quy định về phòng chống dịch bệnh, song niềm vui ngắn chẳng tay gang, bởi kể từ khi quyết làm ăn lớn thì giá thức ăn cho cá tăng chóng mặt trong khi giá cá bán trên thị trường giảm thấp, tiêu thụ khó khăn.

Giá thức ăn nuôi cá tăng cao khiến người nuôi thủy sản gặp nhiều khó khăn. Trong ảnh: Người lao động của gia đình anh Trần Bá Quảng cho cá ăn trên hồ Lọng Luông.

Gia đình anh Trần Bá Quảng có ao nuôi thủy sản nhiều năm nay. Với kinh nghiệm sẵn có về nuôi tôm, cá các loại nên hơn 1 năm trước anh Quảng đã mạnh dạn nhận thầu lại diện tích hơn 10ha mặt nước hồ Lọng Luông để nuôi cá lồng. Tuy nhiên, từ thời điểm đó tới giờ, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nên giá thức ăn cho cá liên tục tăng cao, thêm cước phí vận chuyển leo thang, trong khi giá cá giảm, đầu ra tiêu thụ sản phẩm lại gặp khó do dịch bệnh. Anh Quảng nhớ lại sau khoảng chục lần thức ăn nuôi cá tăng giá thì đến nay giá 1 bao cám có độ đạm 30% trọng lượng 25kg, anh mua với giá 390.000 - 400.000 đồng (tăng hơn 80.000 đồng/bao so với thời điểm giữa năm 2020). Với 20 lồng cá nuôi hồ, sau gần 6 tháng, lứa thu hoạch cá rô phi vừa qua gia đình anh xuất bán khoảng 40 tấn, song với giá bán đổ chỉ 30.000 đồng/kg; trừ chi phí các loại lỗ khoảng 200 triệu đồng, chưa tính thêm phần nhân công thuê nuôi, bảo vệ. Cá thu hoạch đúng thời điểm không xuất bán được sang Lào và các nhà hàng đóng cửa, trường học không tổ chức ăn cho học sinh tại trường để thực hiện các biện pháp phòng chống dịch… nên việc tiêu thụ sản phẩm vô cùng khó khăn, giá bán thấp. Trong điều kiện hiện nay giá thức ăn cho cá vẫn tăng cao, lứa cá chép giòn chuẩn bị xuất bán tới, thay vì bán đổ anh Quảng dự kiến sẽ liên hệ với một số nhà hàng trên địa bàn TP. Điện Biên Phủ và khu vực lân cận để bán lẻ nhằm vớt vát chút vốn đã đầu tư.

Giống như gia đình anh Quảng, các hộ nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh ta thời gian qua gặp vô vàn khó khăn không những phải đối mặt về giá thức ăn cho cá tăng cao mà còn phải cạnh tranh về giá cá nuôi công nghiệp từ các tỉnh dưới xuôi vào tỉnh bán đổ cho các tiểu thương tại các chợ đầu mối. Trong khi dịch bệnh Covid-19 tiếp tục có những diễn biến phức tạp, chi phí đầu vào tăng cao, nhiều hộ đã chọn giải pháp chăm nuôi cầm chừng chứ không dám đầu tư nuôi nhiều như trước. Gia đình bà Trần Thị Nhạn, xã Thanh Nưa (huyện Điện Biên) là hộ có thâm niên nuôi cá các loại với hơn 3.000m2 mặt nước. Song vụ thu hoạch cá vừa rồi đúng thời điểm dịch bệnh Covid-19 nên thay vì cất lưới cả mẻ để bán đổ như mọi năm thì gia đình bà Nhạn chuyển sang đánh bắt bán lẻ. Tuy nhiên cá đến tuổi buộc phải xuất bán, nuôi thêm ngày nào thì càng tốn thức ăn, trọng lượng cá không tăng thêm là bao lại tốn công chăm nuôi, phấp phỏng lo dịch bệnh.

Thống kê của cơ quan chức năng, cá rô phi hiện có giá bán từ 35.000 - 40.000 đồng/kg, cá chép từ 60.000 - 70.000 đồng/kg, cá trắm cỏ 65.000 - 70.000 đồng/kg, cá tầm khoảng 200.000 đồng/kg… Sản lượng cá cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ trong tỉnh, tuy nhiên một số sản phẩm tồn đọng do dịch bệnh các bếp ăn tập thể và các nhà hàng tạm thời ngừng hoạt động, sức mua giảm. Cụ thể, tồn khoảng 20 tấn cá rô phi, 7 tấn cá tầm. Trong tháng 9/2021, giá nhiều chủng loại nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong nước tiếp tục tăng so với tháng trước: Giá khô đậu tương Cái Lân (Quảng Ninh) là 13.150 đồng/kg (tăng 50 - 100 đồng/kg); giá ngô, sắn nguyên liệu (trữ bột 30%) tiếp tục có xu hướng tăng... đã tác động làm giá thức ăn chăn nuôi thành phẩm tăng 300 đồng/kg so với tháng trước. Hiện thức ăn cho cá có giá từ 16.000 - 23.000 đồng/kg (tùy từng hãng sản xuất), cao nhất trong vài năm trở lại đây. Theo dự báo giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, trong đó có thức ăn cho cá tiếp tục ở mức cao do hạn hán ở một số quốc gia ảnh hưởng đến nguồn cung, cộng với giá cước vận chuyển cao do dịch bệnh Covid - 19 diễn biến phức tạp.

Bài, ảnh: Gia Kiên
Bình luận
Back To Top