Chủ động cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh

10:08 - Thứ Sáu, 01/10/2021 Lượt xem: 4011 In bài viết

ĐBP - Thực hiện các nghị quyết của Trung ương, Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, đảm bảo quyền kinh doanh, quyền bình đẳng tiếp cận nguồn lực và cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp, tỉnh đã ban hành các chương trình, kế hoạch hành động, đề ra mục tiêu, giải pháp và giao nhiệm vụ cụ thể đến các sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh. Từ đó, các ngành, địa phương đã cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phù hợp theo ngành, lĩnh vực và điều kiện thực tế để từng bước thực hiện hiệu quả.

Nhà đầu tư Công ty TNHH Giáo dục và Thương mại dịch vụ Hoa Ba khảo sát thực địa khu vực nghiên cứu đầu tư xây dựng Siêu thị Hoa Ba tại thị trấn Tuần Giáo (huyện Tuần Giáo). 

Cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, UBND tỉnh đã phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam thống nhất, ký cam kết tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. UBND tỉnh cũng đã ban hành quyết định phê duyệt Đề án Nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), trong đó phân công trách nhiệm chủ trì, phối hợp cụ thể cho các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố đối với từng chỉ tiêu, chỉ số thành phần. Năm 2019 UBND tỉnh đã ban hành Đề án Xây dựng và triển khai Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương tỉnh Điện Biên để tạo sự cạnh tranh, thi đua về chất lượng điều hành kinh tế giữa các sở, ngành, địa phương. Tỉnh cũng đã có nhiều giải pháp cải cách thủ tục hành chính đối với việc khởi sự, chuẩn bị gia nhập thị trường các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Từ năm 2016 đến nay, việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (cả đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế), thông báo mẫu dấu được cơ quan đăng ký kinh doanh (Sở Kế hoạch và Đầu tư) trực tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả cho doanh nghiệp thông qua hệ thống đăng ký doanh nghiệp quốc gia. Từ đầu năm 2020 đã triển khai thực hiện quy trình phối hợp, liên thông giữa các cơ quan quản lý Nhà nước (cơ quan đăng ký kinh doanh, quản lý lao động, bảo hiểm xã hội, thuế...) được thực hiện qua phương thức kết nối, chia sẻ dữ liệu số giữa các hệ thống công nghệ thông tin. Nhờ đó rút ngắn được thời gian giải quyết hồ sơ đăng ký doanh nghiệp. Đến nay, thời gian cấp đăng ký mới của tỉnh trung bình 1,21 ngày (giảm 1,79 ngày so với quy định), thời gian cấp đăng ký thay đổi trung bình 1,26 ngày (giảm 1,74 ngày so với quy định); tỷ lệ hồ sơ được số hóa 100%.

Đẩy mạnh cải cách hành chính về đất đai theo hướng thuận tiện, giảm bớt thủ tục không cần thiết để rút ngắn tối đa thời gian giải quyết thủ tục hành chính, thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được rút ngắn xuống còn tối đa 17 ngày (giảm 4 ngày so với quy định). Định kỳ 2 lần/năm, UBND tỉnh tổ chức gặp mặt và đối thoại các doanh nghiệp, nhà đầu tư để đánh giá và ghi nhận những đóng góp của các doanh nghiệp, nhà đầu tư vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; đồng thời lắng nghe ý kiến các doanh nghiệp về những khó khăn vướng mắc để kịp thời có giải pháp tháo gỡ khó khăn, giúp doanh nghiệp hoạt động hiệu quả. Lãnh đạo UBND tỉnh thường xuyên trực tiếp làm việc với một số địa phương và doanh nghiệp, nhà đầu tư trong tỉnh, kiểm tra công tác thực hiện xây dựng môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và giải quyết các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp.

Bên cạnh tăng cường các hoạt động đối thoại trực tiếp, UBND tỉnh đã chỉ đạo xây dựng và công khai số điện thoại đường dây nóng của UBND tỉnh và các cơ quan đơn vị, các địa phương trong tỉnh; thành lập chuyên mục hỏi, đáp trực tuyến trên cổng thông tin điện tử của tỉnh để tiếp nhận phản ánh, thắc mắc, kiến nghị của doanh nghiệp, nhà đầu tư. Từ khi Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh thành lập (năm 2019) đến nay, thực hiện Quy chế phối hợp giữa UBND tỉnh và Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, định kỳ hàng tháng, UBND tỉnh gặp mặt Hiệp hội nhằm kịp thời giải quyết vướng mắc trong hoạt động đầu tư, kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh…

Thực hiện đồng thời các biện pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; giai đoạn 2016 - 2020 tỉnh đã phê duyệt chủ trương đầu tư và cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho 95 dự án, với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 14.166 tỷ đồng; lũy kế đến nay trên địa bàn tỉnh có 210 dự án được cấp Giấy chứng nhận đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng vốn đăng ký trên 31.700 tỷ đồng. Toàn tỉnh có 1.470 doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký 26.875 tỷ đồng và 224 chi nhánh, văn phòng đại diện các doanh nghiệp đăng ký hoạt động tại địa phương. Khu vực kinh tế tư nhân đóng góp 19.000 tỷ đồng vào GRDP của tỉnh, 1.300 tỷ đồng trong vốn đầu tư phát triển xã hội tại địa phương.

Với mục tiêu đặt ra cải cách hành chính và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh phải được tiến hành trên cơ sở quan điểm, chủ trương của Đảng về xây dựng hệ thống chính trị, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị, địa phương. Tỉnh ta tiếp tục thực hiện cải cách hành chính và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh một cách toàn diện, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm để tạo dựng môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, thông thoáng, minh bạch, thân thiện để đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đưa Điện Biên phát triển nhanh và bền vững theo định hướng Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV đã xác định.

Bài, ảnh: Minh Thùy
Bình luận
Back To Top