Phát triển rừng ở địa phương có tiềm năng

09:14 - Thứ Hai, 04/10/2021 Lượt xem: 2996 In bài viết

ĐBP - Xác định rõ giá trị, tầm quan trọng của tài nguyên rừng trong phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, những năm qua, tỉnh ta luôn coi trọng công tác trồng, quản lý và bảo vệ rừng. Đặc biệt, tại những địa phương được xác định là có tiềm năng phát triển rừng, các cấp chính quyền luôn có sự chỉ đạo, chủ động trong phối hợp với đơn vị liên quan nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Cán bộ Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Tuần Giáo chăm sóc cây giống.

Ông Trần Văn Thượng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Hàng năm, căn cứ chỉ tiêu phát triển lâm nghiệp được UBND tỉnh giao, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thường xuyên ban hành văn bản chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh tổ chức thực hiện quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Đồng thời, phối hợp với sở, ngành liên quan tham mưu phân bổ, bố trí nguồn kinh phí thực hiện; chỉ đạo các đơn vị chuyên môn thuộc Sở thường xuyên theo dõi, tổ chức, kiểm tra nắm bắt tình hình, kết quả thực hiện. Từ đó, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc; khắc phục tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện. Với diện tích đất lâm nghiệp của tỉnh lớn (chiếm 72,8% diện tích tự nhiên toàn tỉnh), điều kiện khí hậu Điện Biên được đánh giá khá thuận lợi, thích hợp với nhiều loại cây trồng. Theo kết quả rà soát, đánh giá thì tại các huyện: Tuần Giáo, Mường Chà, Điện Biên, Mường Ảng là địa phương có tiềm năng để phát triển rừng. Các huyện có điều kiện giao thông thuận lợi (nằm trên các trục đường quốc lộ); diện tích đất trống quy hoạch cho lâm nghiệp vẫn còn tương đối lớn (khoảng 127.766ha). Đặc biệt, hiện nay với mức đầu tư, hỗ trợ thực hiện hoạt động lâm nghiệp trong chính sách của Trung ương đã được nâng lên nhiều so với giai đoạn trước. Các chương trình, chính sách đầu tư, hỗ trợ công tác phát triển rừng cũng được triển khai hiệu quả; nhiều mô hình phát triển sản xuất dưới tán rừng bắt đầu cho thu nhập. Ngoài ra, tỉnh còn thu hút được một số doanh nghiệp đầu tư thực hiện dự án trồng cây mắc ca, trồng rừng sản xuất, góp phần thay đổi tư duy, nhận thức của người dân. Bởi vậy, không chỉ người dân ở địa phương được xác định là có tiềm năng phát triển rừng mà còn trên địa bàn toàn tỉnh đã thấy được lợi ích, hiệu quả của việc trồng rừng và mong muốn, tích cực tham gia các hoạt động phát triển rừng, tăng thu nhập, nâng cao đời sống.

Trong các địa phương có tiềm năng phát triển rừng, tại 2 huyện: Tuần Giáo và Mường Ảng, từ năm 2016 đến nay đã thực hiện trồng rừng với diện tích 2.842ha (chiếm 62% diện tích rừng trồng toàn tỉnh), khoanh nuôi mới 9.613ha (chiếm 56% diện tích khoanh nuôi mới toàn tỉnh). Riêng đối với huyện Tuần Giáo trong năm 2021 đã trồng 63,7ha rừng phòng hộ và khoanh nuôi rừng tái sinh 500ha. Đồng thời tổ chức giao khoán phần diện tích có rừng 8.049ha cho 11 cộng đồng bản tại 4 xã: Ta Ma, Phình Sáng, Mường Khong và Pú Xi để quản lý bảo vệ theo quy định. Đặc biệt, chính quyền địa phương đã có sự chủ động trong chỉ đạo, phối hợp với các đơn vị liên quan tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện. Ngoài ra, hiện nay ngoại trừ huyện Mường Ảng, các huyện còn lại đều có ban quản lý rừng phòng hộ để hỗ trợ đơn vị chuyên môn cấp huyện trong thực hiện công tác phát triển rừng. Theo thống kê, từ năm 2016 đến nay, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh cơ bản bảo vệ được diện tích rừng hiện có và diện tích rừng tăng thêm hàng năm; tỷ lệ che phủ rừng tỉnh tăng đều hàng năm (từ 38,5% năm 2016 lên 42,66% năm 2020 và dự kiến hết năm 2021 đạt 42,96%). Toàn tỉnh thực hiện trồng được 4.565ha rừng (1.303ha rừng phòng hộ, 3.253ha rừng sản xuất, 9ha rừng đặc dụng); khoanh nuôi xúc tiến tái sinh rừng tự nhiên 61.638ha (khoanh nuôi mới 17.255ha, khoanh nuôi chuyển tiếp 44.383ha).

Mặc dù vậy, tại tỉnh ta nguồn vốn đầu tư cho phát triển rừng chủ yếu phụ thuộc vào ngân sách Trung ương nên rất khó chủ động trong tổ chức thực hiện. Bên cạnh đó, do nằm xa các trung tâm kinh tế lớn của đất nước, hạ tầng, giao thông kém phát triển, chất lượng lao động chưa cao nên còn khó thu hút các doanh nghiệp đầu tư. Thực tế, đời sống người dân trên địa bàn tỉnh vẫn cơ bản dựa vào sản xuất nông nghiệp; người dân lo sợ mất đất canh tác khi tham gia thực hiện các hoạt động trồng rừng phòng hộ, khoanh nuôi tái sinh rừng. Dù được quy hoạch cho phát triển lâm nghiệp; tuy nhiên, đất vẫn do người dân quản lý, sử dụng để canh tác nương rẫy. Bởi vậy, diện tích đất “sạch” để giao hoặc cho doanh nghiệp thuê nhằm phát triển rừng hầu như không có, khi thực hiện các dự án, doanh nghiệp phải bỏ vốn đầu tư để đền bù giải phóng mặt bằng, thực hiện các thủ tục về đất đai mất nhiều thời gian và vốn đầu tư...

Bài, ảnh: Mai Phương
Bình luận
Back To Top