Hiệu quả công tác tuyên truyền trong phát triển cây mắc ca

09:30 - Thứ Năm, 07/10/2021 Lượt xem: 3780 In bài viết

ĐBP - Cây mắc ca xuất hiện tại tỉnh ta từ năm 2002 nhưng đến năm 2009 loại cây trồng này mới được trồng thử nghiệm thông qua một số chương trình, dự án và 5 năm gần đây được trồng đại trà tại một số huyện. Hiện nay, một số diện tích cây mắc ca đã qua giai đoạn kiến thiết, cho thu hoạch.

Người dân xã Quài Nưa, huyện Tuần Giáo chăm sóc cây mắc ca.

Tuần Giáo là huyện tiên phong trong phát triển cây mắc ca và có diện tích mắc ca lớn nhất tỉnh. Cây mắc ca được trồng tại huyện Tuần Giáo từ năm 2010. Ban đầu với mục đích trồng khảo nghiệm, huyện Tuần Giáo đã phối hợp với Công ty Cổ phần Macadamia Ðiện Biên xây dựng liên kết, phát giống, phân bón và hướng dẫn một số hộ dân trồng, đánh giá sự sinh trưởng, phát triển của loại cây trồng mới này. Sau những năm đầu thử nghiệm, nhận thấy cây mắc ca phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu địa phương, huyện Tuần Giáo đã lựa chọn và xác định cây mắc ca sẽ là cây trồng chủ lực của huyện trong các giai đoạn tới. Từ năm 2013, song song với việc xây dựng kế hoạch, chuẩn bị các điều kiện thực hiện các dự án trồng mắc ca, cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị xã hội các cấp huyện Tuần Giáo và doanh nghiệp tích cực tuyên truyền, vận động người dân tham gia hợp tác cùng doanh nghiệp để phát triển cây mắc ca thay thế những cây trồng truyền thống hiệu quả thấp.

Bà Phạm Thị Tuyên, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuần Giáo cho biết: Từ năm 2013, huyện Tuần Giáo tập trung tuyên truyền tại 2 xã: Quài Nưa và Quài Cang. Thời điểm đấy, hầu như tuần nào cũng có tổ công tác của huyện phối hợp với cấp ủy, chính quyền 2 xã đến thôn bản để tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên nương sang trồng cây mắc ca. Trước hết là tập trung tuyên truyền để người dân biết cây mắc ca là cây trồng đa mục đích và có giá trị kinh tế cao. Sau đó là giới thiệu về các mô hình đã triển khai có hiệu quả trên địa bàn cũng như tại các địa phương khác. Bên cạnh đó, doanh nghiệp thuyết minh về tính hiệu quả của các dự án phát triển mắc ca, hiệu quả kinh tế mang lại và những điều khoản, tỷ lệ phần trăm lợi nhuận nếu người dân tham gia hợp tác cùng doanh nghiệp. Thời gian đầu đa phần người dân còn chưa đồng thuận vì lý do là cây trồng mới, chưa có kinh nghiệm trồng, chăm sóc và tiêu thụ sản phẩm. Nắm được tâm lý đó của người dân, UBND huyện Tuần Giáo đã khuyến khích, vận động cán bộ, đảng viên trên địa bàn 2 xã tham gia trồng mắc ca tại những diện tích đất bỏ hoang hoặc chuyển một phần từ trồng ngô sang trồng mắc ca. Với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, vừa làm vừa vận động, dần dần người dân cũng đồng thuận và tham gia hợp tác cùng doanh nghiệp phát triển cây mắc ca. Ðến năm 2015, huyện Tuần Giáo đưa cây mắc ca vào trồng đại trà tại xã Quài Nưa với diện tích 90ha. Ðến hết năm 2020, toàn huyện đã phát triển lên 1.400ha mắc ca, chủ yếu tại 2 xã: Quài Nưa và Quài Cang; diện tích cho thu hoạch đạt khoảng 190ha.

Bà Lò Thị Thủy, Trưởng phòng Hành chính, Công ty Cổ phần Macadamia Ðiện Biên cho biết: Tại tất cả các buổi tuyên truyền, họp dân, Công ty tập trung giải thích để người dân hiểu rằng toàn bộ diện tích trồng mắc ca đều được trồng trên đất dốc, là diện tích đất nương bạc màu của người dân hoặc diện tích đất quy hoạch phát triển lâm nghiệp. Do đó trồng cây mắc ca giúp huyện Tuần Giáo thực hiện “mục tiêu kép” vừa phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, chống xói mòn, rửa trôi vừa phát triển kinh tế, tạo thu nhập cho người dân. Với hình thức liên kết với doanh nghiệp, ngoài việc được hỗ trợ thời gian đầu chuyển đổi ngành nghề và được chia lợi nhuận sau khi cây cho thu hoạch, người dân trên địa bàn còn được tạo cơ hội làm việc cho Công ty với mức thu nhập 4 - 5 triệu đồng/tháng. Như vậy, việc trồng hoặc tham gia vào dây chuyền sản xuất mắc ca của doanh nghiệp, người dân sẽ có thu nhập cao gấp nhiều lần và mang tính bền vững hơn so với các loại cây trồng truyền thống như: Lúa nương, ngô, sắn.

Từ trung tâm huyện Tuần Giáo dọc theo quốc lộ 6 đến 2 xã: Quài Cang và Quài Nưa, chúng tôi nhận thấy rõ sự thay đổi rất lớn từ cơ cấu cây trồng trên nương của người dân. Bên cạnh diện tích ngô, lúa nương để đảm bảo an ninh lương thực, rất nhiều diện tích trước đây là đất nương hoặc bỏ hoang đã được người dân trồng mắc ca. Những đồi mắc ca xanh mướt được kỳ vọng sẽ mang lại khởi sắc trong phát triển kinh tế cho người dân.

Anh Vừ A Tủa là một trong những người trồng mắc ca đầu tiên tại xã Quài Nưa. Ðến nay, anh Tủa đã có trên 2ha liên kết trồng cây mắc ca với Công ty Cổ phần Macadamia Ðiện Biên.

Anh Tủa cho biết: Thời gian đầu tôi cũng rất băn khoăn bởi mắc ca là cây trồng rất mới. Tuy nhiên sau nhiều lần nghe chính quyền cấp huyện, xã và doanh nghiệp tuyên truyền, vận động, nhất là sau khi thấy gia đình bí thư chi bộ, trưởng bản và một số hộ có uy tín tham gia tôi đã chuyển đổi một phần diện tích nương để hợp tác cùng doanh nghiệp trồng mắc ca. Tham gia liên kết với doanh nghiệp, gia đình tôi được hỗ trợ 1 triệu đồng/ha/năm. Từ năm thứ 6, diện tích mắc ca cho thu hoạch, Công ty chia 15% sản lượng thực tế theo diện tích tham gia góp đất. Bên cạnh đó, từ năm 2017 đến nay, 2 vợ chồng tôi được Công ty tạo công việc với mức thu nhập 4,5 triệu đồng/tháng. Mức thu nhập này cao hơn so với trồng lúa nương và ngô trước đây.

Tương tự huyện Tuần Giáo, hiện nay các huyện: Ðiện Biên, Mường Nhé, Nậm Pồ, Tủa Chùa, Ðiện Biên Ðông cũng đang tập trung thu hút đầu tư và đẩy mạnh tuyên truyền vận động người dân tham gia phát triển cây mắc ca.

Dù có chủ trương phát triển cây mắc ca muộn hơn Tuần Giáo song đến nay huyện Ðiện Biên đã thu hút được 5 dự án phát triển cây mắc trên địa bàn với tổng diện tích hàng nghìn héc ta. Hiện huyện Ðiện Biên đang quyết liệt chỉ đạo các phòng chuyên môn phối hợp với chính quyền các xã cùng doanh nghiệp tăng cường tuyên truyền, vận động, tháo gỡ các vướng mắc để người dân đồng thuận, tham gia và tạo điều kiện để doanh nghiệp triển khai dự án trồng mắc ca.

Ông Chu Văn Bách, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ðiện Biên cho biết: Huyện thành lập các tổ công tác xuống các địa bàn triển khai dự án để rà soát, nắm bắt và giải quyết các vướng mắc của người dân. Các vấn đề thuộc thẩm quyền đều được UBND huyện giải quyết thỏa đáng, đối với các vấn đề vượt thẩm quyền, UBND huyện cáo báo UBND tỉnh giải quyết. Thời gian qua, nhiều đoàn công tác của tỉnh do các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã khảo sát trực tiếp tại địa bàn và giải quyết các vấn đề vướng mắc thuộc các dự án phát triển cây mắc ca. Nhờ công tác tuyên truyền, vận động và giải quyết các vấn đề phát sinh kịp thời, thỏa đáng nên người dân tại các xã đã từng bước đồng thuận với chủ trương, tạo điều kiện để các doanh nghiệp triển khai dự án. Năm nay huyện Ðiện Biên được giao kế hoạch trồng mới 150ha cây mắc ca. Ðến thời điểm này, toàn huyện đã hoàn thành được 500ha, vượt 350ha so với kế hoạch.

Nhật Phương
Bình luận
Back To Top