Thị trường bất động sản: Nhiều dấu hiệu tích cực

10:37 - Thứ Năm, 07/10/2021 Lượt xem: 1929 In bài viết

Làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư kéo dài trên diện rộng đã tác động tiêu cực đến thị trường bất động sản nước ta. Dù lượng giao dịch, giá giao dịch các loại hình bất động sản có biến động, song về cơ bản thị trường bất động sản vẫn ổn định, không bị rơi vào tình trạng “đóng băng” hay “sốt nóng”. Đặc biệt, thị trường vẫn có nhiều dấu hiệu hết sức tích cực...

Thị trường bất động sản có nhiều dấu hiệu phát triển trong thời điểm ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Trong ảnh: Khu đô thị Xuân Phương (quận Nam Từ Liêm). Ảnh: Yên Khánh

Cung giảm, giá tăng

Từ ngày 27-4-2021, làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư với diễn biến kéo dài, phức tạp nhất từ trước đến nay khiến nhiều tỉnh, thành phố phải thực hiện giãn cách xã hội. Phó Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam Nguyễn Văn Đính cho biết: “Giãn cách xã hội đã khiến các chuỗi sản xuất, cung cấp vật liệu, thiết bị cho các công trình bị đứt gãy. Các dự án bất động sản phải dừng thi công, ảnh hưởng đến nguồn cung của thị trường. Hoạt động mua - bán bất động sản cũng bị ngưng trệ”.

Số liệu của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho thấy, trong quý III-2021, tổng nguồn cung được chào bán trên thị trường là 35.852 sản phẩm, giảm 35,6% so với quý II-2021 và giảm 51,5% so với cùng kỳ năm 2020. Lượng giao dịch đạt 16.647 sản phẩm, giảm 4,8% so với quý II-2021 và giảm 44,3% so với cùng kỳ năm 2020. Đây là quý có nguồn cung thấp nhất trong 5 năm qua và toàn bộ nguồn cung trên thị trường là hàng tồn từ các quý trước.

Dù nguồn cung và giao dịch sụt giảm, song giá bán bất động sản lại gia tăng. Giám đốc cấp cao CBRE Việt Nam (Tập đoàn Môi giới và tư vấn đầu tư bất động sản quốc tế CBRE) Dương Thùy Dung cho biết: Tại thành phố Hồ Chí Minh, giá bán bất động sản trên thị trường sơ cấp tăng 16%; thị trường thứ cấp tăng 5-10%, thậm chí có dự án tăng 30% so với năm 2020. Tương tự, tại Hà Nội, giá bán tăng nhanh tại các dự án trung cấp, với mức tăng 4-8%. Nguyên nhân giá bán tăng là do nguồn cung khan hiếm trong thời gian dài. Bên cạnh đó, giá đất, chi phí xây dựng, nguyên vật liệu tăng... cũng đẩy giá thành sản phẩm đưa ra thị trường tăng lên.

Còn anh Nguyễn Văn Khanh, một người môi giới bất động sản tại huyện Đông Anh cho hay, hiện tại vẫn có nhiều khách nhờ anh tìm mua đất ở Đông Anh. Đáng chú ý, giá đất tại đây vẫn không giảm so với trước đợt dịch thứ tư tại Hà Nội.

Khu vực đất nền được phân lô tại xã Mai Lâm (huyện Đông Anh). Ảnh: Nguyễn Quang

Nhiều chính sách sẽ được ban hành để tăng nguồn cung 

Mặc dù, tình hình chung của thị trường bất động sản là khó khăn, song Phó Tổng Giám đốc kênh thông tin Batdongsan.com.vn Nguyễn Quốc Anh cho biết, thị trường vẫn ghi nhận những tín hiệu tích cực. Mức độ quan tâm của người mua đến thị trường bất động sản vẫn rất lớn. Thị trường vẫn chứng minh được sức hút và tiềm năng khi thể hiện sự phát triển ổn định tại những khu vực kiểm soát tốt dịch bệnh. Dữ liệu của Batdongsan.com.vn cũng chỉ ra, mức độ quan tâm tới bất động sản luôn tăng mạnh sau mỗi đợt dịch Covid-19 bùng phát. Cụ thể, sau đợt dịch thứ nhất, mức độ quan tâm tới thị trường tăng 306%, sau đợt hai tăng 62% và sau đợt ba tăng mạnh tới 378%. Lực cầu duy trì mạnh nên mức độ hấp thụ sản phẩm cũng ghi nhận tương đối tốt. Cụ thể, trong quý III-2021, tỷ lệ hấp thụ bất động sản đạt 40,9%. Trong đó, đất nền có tỷ lệ hấp thụ tốt nhất đạt 52,4%; tiếp đó là chung cư với 44,4%. 

Báo cáo phân tích của các chuyên gia Công ty cổ phần Chứng khoán Vietcombank cho thấy, giá một số dự án tăng 5-10% ngay trong giai đoạn dịch bệnh. Ngoài nguyên nhân thiếu nguồn cung dự án mới, thì mặt bằng lãi suất thấp cũng đã thúc đẩy nhu cầu mua bất động sản như một kênh đầu tư tài sản hấp dẫn và an toàn.

Phó Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam Nguyễn Văn Đính cũng chỉ ra rằng, do lượng cầu trên thị trường rất mạnh, cộng hưởng với việc nhiều ngành nghề khác bị ảnh hưởng do dịch Covid-19, từ đầu năm 2021 đến nay, nhiều nhà đầu tư chuyển dòng vốn vào thị trường bất động sản. Ngoài ra, thị trường bất động sản cũng nhận được những tác động tích cực, như tình hình giải ngân vốn đầu tư công đang được đẩy mạnh và quyết liệt nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Các dự án đầu tư công, đặc biệt là các dự án phát triển cơ sở hạ tầng, có tác động trực tiếp đến thị trường bất động sản và sẽ trở thành động lực tăng trưởng chính của thị trường trong tương lai. Cùng với đó, lãi suất ngân hàng liên tục giảm, lãi suất vay thế chấp đang ở mức thấp, cũng như nút thắt pháp lý đang dần được tháo gỡ, thị trường bất động sản sẽ bật lên mạnh mẽ ngay khi dịch Covid-19 được kiểm soát.

Ở góc độ quản lý nhà nước, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) Hà Quang Hưng đánh giá: Trong 9 tháng của năm 2021, mặc dù có nhiều khó khăn do dịch bệnh gây ra nhưng thị trường bất động sản cơ bản vẫn ổn định, không rơi vào tình trạng “đóng băng” hay “sốt nóng”. Nhiều cơ chế, chính sách pháp luật về đầu tư, xây dựng, kinh doanh bất động sản cũng đã được ban hành, tháo gỡ khó khăn để tăng nguồn cung cho thị trường bất động sản.

“Bộ Xây dựng đang tiếp tục nghiên cứu, rà soát sửa đổi Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Nghị định số 117/2015/NĐ-CP ngày 12-11-2015 của Chính phủ về xây dựng, quản lý và sử dụng hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản; nghiên cứu, trình ban hành và triển khai Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2040, nhằm cân đối cung - cầu nhà ở, góp phần ổn định thị trường bất động sản”, ông Hà Quang Hưng thông tin.

P.V (Theo HNM)
Bình luận
Back To Top