Phát triển sản phẩm OCOP cần thực chất

08:56 - Thứ Sáu, 08/10/2021 Lượt xem: 9580 In bài viết

ĐBP - Thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), đến nay toàn tỉnh đã có 35 sản phẩm OCOP cấp tỉnh từ 3 sao trở lên. Dù đã vượt 14 sản phẩm so với kế hoạch đề ra, song đa số các sản phẩm vẫn mang tính tự phát, sản xuất theo phương thức thủ công; chất lượng, mẫu mã hạn chế, thiếu sức cạnh tranh; nhiều sản phẩm chưa xây dựng thương hiệu, công bố chất lượng, thị trường tiêu thụ còn nhiều khó khăn...

Sản phẩm OCOP mật ong của Hợp tác xã Ong mật Ðiện Biên được công nhận đạt 4 sao. Ảnh: Văn Tâm

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, có rất nhiều nguyên nhân, như: Người tham gia Chương trình OCOP vẫn chưa hiểu hết ý nghĩa và lợi ích của việc xây dựng và phát triển sản phẩm OCOP. Ða số các địa phương chưa thực hiện đầy đủ đúng chu trình OCOP theo 6 bước, trên cơ sở nguyên tắc “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân hưởng thụ”; trong đó quan trọng là bước đánh giá chất lượng sản phẩm (bao gồm: Tuyên truyền, hướng dẫn về OCOP; nhận đăng ký ý tưởng sản phẩm; nhận phương án, dự án sản xuất kinh doanh; triển khai phương án, dự án sản xuất kinh doanh; đánh giá và xếp hạng sản phẩm; xúc tiến thương mại). Cùng với đó, một số huyện đã bỏ qua vai trò của cấp xã trong các bước của chu trình như: Các chuyên viên OCOP cấp huyện làm việc trực tiếp với các chủ thể, chưa hướng dẫn các chủ thể làm đúng trình tự gửi đơn đăng ký tham gia và xây dựng phương án kinh doanh thông qua cấp xã. Việc vận động, hướng dẫn, tư vấn cho các chủ thể và người dân tại cấp xã, huyện chưa cụ thể, rõ ràng nên các chủ thể hiểu nhầm chương trình OCOP là chương trình hỗ trợ nên có tư tưởng đòi hỏi hỗ trợ mới tham gia.

Bên cạnh đó, ở từng địa phương, việc triển khai Chương trình OCOP có những trở ngại riêng. Ðơn cử như huyện Mường Nhé, mặc dù có nhiều loại sản phẩm đặc trưng, có thế mạnh có thể phát triển, nâng cấp thành sản phẩm OCOP như: Gạo tẻ đỏ Hà Nhì, quả sa nhân, tinh dầu sả… tuy nhiên đến nay vẫn là huyện duy nhất chưa có sản phẩm OCOP. Theo ông Nguyễn Văn Thắng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Nhé thì khó khăn lớn nhất trong phát triển các sản phẩm OCOP trên địa bàn là các sản phẩm mới, chưa xác định được chủ thể tham gia. Ðến nay toàn huyện mới có 1 sản phẩm có chủ thể tham gia là sản phẩm tinh dầu sả Java của Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Suối Voi, song đến nay đơn vị mới đang xây dựng hồ sơ tổ chức đánh giá. Hầu hết người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã chưa mặn mà tham gia xây dựng các sản phẩm; trong khi đó, các sản phẩm đều được sản xuất thủ công, quy mô nhỏ lẻ, chưa có bao bì riêng, nhãn mác, chất lượng chưa đồng đều. 

Ngoài ra, việc hướng dẫn và lập hồ sơ đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP của không ít huyện còn hạn chế. Công tác thẩm định, đánh giá, phân hạng sản phẩm ở một số hội đồng cấp huyện chưa chặt chẽ. Ðiều đó dẫn đến việc một số sản phẩm đã được công nhận OCOP nhưng sau đó lại không phát huy được giá trị, không duy trì hoặc hạn chế trong phát triển, như: Khoai sọ Phì Nhừ, bí đao Tìa Dình (huyện Ðiện Biên Ðông)… Cùng với đó, việc triển khai gắn sao, việc chấm điểm sản phẩm còn hạn chế trong kiểm tra, đánh giá trực tiếp ở đơn vị sản xuất, các địa phương dẫn đến nhiều bất cập. Trong đó chủ yếu liên quan đến nhà xưởng, thiết bị sản xuất, bao bì, tem nhãn, chất lượng sản phẩm. Thực tế hiện nay vẫn còn một số đơn vị sản xuất phải đi thuê nhà xưởng, không ổn định nên những đơn vị này không đầu tư hệ thống nhà xưởng bài bản mà chủ yếu bố trí lẫn với khu vực dân cư, ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường. Bên cạnh đó còn một số đơn vị sản xuất ngay tại nhà ở, mặt bằng diện tích chật hẹp, vệ sinh môi trường không đáp ứng yêu cầu.

Theo bà Chu Thị Thanh Xuân, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, để phát triển và nâng tầm các sản phẩm OCOP, thời gian tới cần xây dựng chính sách hỗ trợ chủ thể có sản phẩm đã được chứng nhận OCOP và sản phẩm tiềm năng tham gia chu trình OCOP trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 bằng nguồn vốn ngân sách của tỉnh (bổ sung chính sách vào Quyết định số 45/2018/QÐ-UBND ngày 24/12/2018 của UBND tỉnh). Theo đó, nội dung chính sách hỗ trợ chủ yếu về: Hoàn thiện hồ sơ tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm các cấp; hỗ trợ chi phí thiết kế, in, mua bao bì, nhãn mác sản phẩm; hỗ trợ mua sắm máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất, sơ chế, chế biến, đóng gói, bảo quản sản phẩm; khen thưởng cho sản phẩm đạt từ 3 sao trở lên; hỗ trợ chi phí xây dựng hoặc thuê điểm giới thiệu, bán sản phẩm OCOP.

Mục tiêu của tỉnh đến năm 2025 nâng cao chất lượng các sản phẩm đã đạt sao và phát triển mới các sản phẩm OCOP, có ít nhất 90 - 100 sản phẩm đạt từ 3 - 4 sao cấp tỉnh; có 5 - 7 sản phẩm OCOP tiềm năng đạt 5 sao cấp quốc gia; đảm bảo 100% sản phẩm OCOP được truy xuất nguồn gốc. Song không vì thành tích mà bỏ qua chất lượng, bởi giá trị cốt lõi của sản phẩm OCOP là chất lượng đích thực chứ không phải danh hiệu sản phẩm. Vì vậy, khi thẩm định, đánh giá gắn hạng cho các sản phẩm cần công tâm, khách quan, đảm bảo tuân thủ đầy đủ các quy định, tiêu chí đề ra, tránh tình trạng chạy theo số lượng và đủ tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới.

Văn Tâm
Bình luận
Back To Top