Nông dân Nậm Pồ thi đua sản xuất kinh doanh giỏi

09:12 - Chủ Nhật, 10/10/2021 Lượt xem: 5562 In bài viết

ĐBP - Mặc dù là huyện nghèo, mặt bằng chung còn nhiều khó khăn so với các địa phương khác trong toàn tỉnh nhưng những năm qua, Hội Nông dân huyện Nậm Pồ luôn đồng hành, sát cánh cùng hội viên, nông dân, động viên họ nỗ lực thi đua phát triển kinh tế, vươn lên trở thành những hộ sản xuất kinh doanh giỏi (SXKDG) các cấp.

Nông dân bản Ham Xoong 2, xã Vàng Ðán trồng sả chiết xuất lấy tinh dầu, là hướng phát triển kinh tế mới, mang lại hiệu quả cao.

Nghị quyết Ðại hội Ðại biểu Hội Nông dân huyện Nậm Pồ lần thứ II tiếp tục đề ra nhiệm vụ nâng cao chất lượng và hiệu quả phong trào nông dân SXKDG, phấn đấu để phong trào có bước phát triển mới về chất. Trong đó tập trung duy trì và phát triển hộ nông dân SXKDG các cấp tăng 2 - 3%/năm. Ông Lê Văn Thành, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Nậm Pồ cho biết: Hàng năm, Hội Nông dân huyện giao chỉ tiêu cụ thể về số hộ nông dân SXKDG các cấp cho từng cơ sở hội, thường xuyên kiểm tra hoạt động của phong trào để đánh giá, rút kinh nghiệm, kịp thời đề ra biện pháp chỉ đạo một cách sát thực, hiệu quả. Ðồng thời, tăng cường tuyên truyền vận động hội viên, nông dân tích cực tham gia hưởng ứng phong trào. Ðể phong trào ngày càng lan tỏa và phát triển sâu rộng, các cấp Hội đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện tạo điều kiện cho hội viên, nông dân tiếp cận nguồn vốn ưu đãi phục vụ sản xuất, kinh doanh phát triển kinh tế gia đình, từng bước xóa đói giảm nghèo và vươn lên khá giàu. Ðến nay, Hội đã phối hợp triển khai cho 1.895 hộ, ở 50 tổ tiết kiệm vay vốn với số tiền 81,292 tỷ đồng. Quỹ Hỗ trợ nông dân huyện đã giải ngân 1 dự án chăn nuôi trâu sinh sản tại bản Nà Sự I, II, xã Chà Nưa với tổng số tiền là 450 triệu đồng; tiếp tục quản lý 3 dự án chăn nuôi trâu sinh sản với số tiền 350 triệu đồng cho 7 hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi tại bản Nà Sự (xã Chà Nưa), bản Sín Chải (xã Nà Hỳ). Bên cạnh đó, các cấp Hội đã không ngừng đổi mới và nâng cao hiệu quả các hoạt động tư vấn, hỗ trợ, dịch vụ, dạy nghề cho nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh…

Từ phong trào đã xuất hiện nhiều gương nông dân dám nghĩ, dám làm, quyết tìm tòi đưa vào thử nghiệm và nhân rộng các loại cây, con giống mới, như: Nuôi gà đen thương phẩm; chăn nuôi trâu, bò sinh sản, nuôi trâu, bò thương phẩm; trồng mía, dứa; mở dịch vụ du lịch… Qua đó, góp phần phá vỡ thế độc canh sản xuất các cây, con truyền thống từ bao năm nay, góp phần đa dạng hoá sản xuất, phát triển các ngành nghề, dịch vụ mới trong kinh tế nông thôn. Ðiển hình như gia đình ông Khoàng Văn Phúc, bản Nậm Ðích, xã Chà Nưa. Với số vốn 50 triệu đồng ban đầu vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Nậm Pồ, ông mạnh dạn đào 3.000m2 ao thả cá, mua máy xay sát phục vụ gia đình và bà con trong bản, tận dụng cám để chăn nuôi lợn, gà, vịt và dịch vụ phông bạt đám cưới, bán hàng tạp hóa. Vừa nhanh nhạy trong kinh doanh, vừa cần cù, tiết kiệm; sau 4 năm gia đình ông đã trả hết ngân hàng và lại tiếp tục vay vốn để đầu tư thêm vào chăn nuôi trâu bò sinh sản. Cuối năm 2016, ông Phúc tiếp tục vay 50 triệu đồng, cùng số vốn gia đình tích lũy được hơn 200 triệu đồng, đầu tư tăng đàn trâu, bò và mở rộng diện tích ao thả cá thịt lên 3.500m2. Với mô hình kinh tế tổng hợp, trừ chi phí đầu tư mỗi năm gia đình ông tích lũy được 320 triệu đồng, tạo việc làm cho các con và 2 lao động theo mùa vụ mức thu nhập từ 3 - 4  triệu đồng/tháng. Ngoài ra, ông còn giúp đỡ các hộ nghèo, anh em trong bản về giống, vật nuôi trị giá trên 30 triệu đồng không lấy lãi. Ngoài gia đình ông Khoàng Văn Phúc, trên địa bàn huyện còn các điển hình khác như hộ ông Mùa Chớ Sùng, xã Nà Bủng với đàn trâu bò 65 con; ông Ngải Cù Lỷ, xã Phìn Hồ 40 con trâu, 80 con bò; ông Vàng A Là, xã Si Pa Phìn 15 con trâu, 40 con bò…

Ðến nay, toàn huyện Nậm Pồ có 189 hộ nông dân đạt danh hiệu hộ SXKDG các cấp. Trong đó, cấp cơ sở là 145 hộ, cấp huyện 39 hộ, cấp tỉnh 5 hộ. Qua phong trào SXKDG, tinh thần đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau giữa các hộ nông dân giỏi với các hộ nông dân nghèo đã trở thành nề nếp trong sản xuất và đời sống văn hoá của cộng đồng nông thôn. Các hộ nông dân SXKDG đã và đang tạo việc làm tại chỗ cho hơn 100 lao động, trong đó 30 lao động có việc làm thường xuyên; 70 lao động có việc làm theo mùa vụ. Ngoài ra, phong trào đã động viên, khuyến khích các hộ nông dân giỏi giúp đỡ thêm các hộ gia đình khác để cùng phát triển sản xuất. Ðến nay, các hộ này đã giúp đỡ vốn, giống cây, con và kinh nghiệm sản xuất cho hơn 205 lượt hộ nông dân nghèo; giúp hơn 25 hộ nông dân thoát được nghèo và đang từng bước vươn lên…

Bài, ảnh: Diệp Chi
Bình luận
Back To Top