Hiệu quả nguồn vốn chính sách xã hội ở Tủa Chùa

09:02 - Thứ Hai, 11/10/2021 Lượt xem: 3111 In bài viết

ĐBP - Sau gần 7 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội (CSXH), hoạt động tín dụng CSXH trên địa bàn huyện Tủa Chùa đã phát huy hiệu quả thiết thực.

Cán bộ Ngân hàng CSXH huyện Tủa Chùa kiểm tra mô hình phát triển kinh tế của ông Phùng Văn Sở, tổ dân phố Đồng Tâm, thị trấn Tủa Chùa.

Hàng năm, căn cứ tình hình thực tế UBND huyện giao từ 100 - 300 triệu đồng ngân sách địa phương để Ngân hàng CSXH huyện cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Tổng số tiền đã chuyển lũy kế đến 30/9/2021 là 1,9 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH  huyện Tủa Chùa cho biết: Thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW, cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn đã nhận thức rõ hơn về vai trò, vị trí của tín dụng CSXH trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo, giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội của địa phương. Trên cơ sở đó, đã tạo điều kiện thuận lợi cho Ngân hàng CSXH thực hiện tốt các nhiệm vụ của mình, nhất là về địa điểm, thời gian làm việc tại điểm giao dịch xã. Tại các xã, thị trấn đều bố trí 1 điểm giao dịch để thực hiện các nghiệp vụ giải ngân cho vay, thu nợ, thu lãi, huy động tiền gửi tiết kiệm... vào một ngày cố định trong tháng. Chính sự thuận lợi về phương thức vay vốn, lãi suất ưu đãi đã khiến hoạt động tín dụng chính sách là điểm tựa cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống.

Năm 2016, từ nguồn vốn phát triển kinh tế và tạo việc làm Ngân hàng CSXH huyện, thông qua tín chấp của Hội Cựu chiến binh thị trấn Tủa Chùa gia đình ông Phùng Văn Sở, tổ dân phố Đồng Tâm được vay 50 triệu đồng. Cùng với vốn sẵn có của gia đình, ông Sở đã đầu tư làm chuồng trại nuôi lợn thương phẩm, gà thịt và gà đẻ. Đến nay mô hình chăn nuôi của gia đình ông cho thu nhập ổn định từ 100 - 150 triệu đồng/năm. Ông Phùng Văn Sở cho biết: Năm 2007, gia đình tôi được nhà nước chia cho 2.240m2 đất để trồng lúa, song sản lượng lúa hàng năm đạt thấp. Năm 2016, nhờ vốn vay từ chương trình tín dụng Ngân hàng CSXH huyện và các nguồn vốn hỗ trợ khác, tôi mạnh dạn đầu tư chuồng trại chăn nuôi. Tích cực học hỏi kinh nghiệm từ những người làm trước, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nên vật nuôi sinh trưởng và phát triển tốt. Tôi luôn duy trì nuôi 5 con lợn nái, 15 con lợn thịt, 100 gà đẻ siêu trứng, gần 1.000 con gia cầm thương phẩm. Ngoài ra tôi chuyển đổi đất trồng lúa sang trồng hoa, rau, đậu các loại... Đến nay tôi đã trả hết các khoản vay và vươn lên thành hộ khá.

Trước đây, gia đình ông Lò Văn Pản là một trong hàng chục hộ nghèo của bản Bó, thị trấn Tủa Chùa. Năm 2019, gia đình ông được vay vốn sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm của Ngân hàng CSXH huyện với số tiền 50 triệu đồng để phát triển kinh tế. Ông Pản đã đầu tư phát triển mô hình VACR nuôi lợn, gà, cá; đến nay đã thoát được nghèo và có nguồn thu ổn định từ 80 - 100 triệu đồng/năm.

Từ đầu năm đến nay, Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Tủa Chùa đã và đang triển khai 17 chương trình vay vốn cho 7.800 khách hàng tại 12 xã, thị trấn trong toàn huyện với tổng dư nợ trên 360 tỷ đồng, dư nợ bình quân mỗi hộ khoảng 45 triệu đồng. Từ các chương trình cho vay đã tạo điều kiện cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ dân tộc thiểu số, hộ gia đình sản xuất kinh doanh... có cơ hội phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập. Trong thời gian tới ngân hàng CSXH huyện Tủa Chùa tiếp tục tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương, phối hợp các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện hiệu quả hơn nữa Chỉ thị số 40-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách và ủy thác nguồn vốn ngân sách huyện sang Ngân hàng CSXH để giúp cho người nghèo và các đối tượng CSXH từng bước vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.

Bài, ảnh: Lan Phương
Bình luận
Back To Top