Sớm “gỡ khó” cho sản xuất, tiêu thụ lúa gạo chất lượng cao

09:29 - Thứ Hai, 11/10/2021 Lượt xem: 3072 In bài viết

ĐBP - Trên cánh đồng xã Thanh Yên (huyện Điện Biên) những ngày này nhộn nhịp, sôi động hơn bởi tiếng máy gặt đập liên hoàn của Công ty TNHH Giống  Nông nghiệp Trường Hương Điện Biên hoạt động hết công suất từ mờ sáng tới tối mịt. Nông dân liên kết với doanh nghiệp có mặt trên cánh đồng nhanh chóng đóng bao, vận chuyển thóc, cân đo đong đếm tại nhà xưởng chế biến thóc gạo tại Nhà máy để bán cho doanh nghiệp. Ai cũng phấn khởi vì thóc tươi được bao tiêu ngay sau khi thu hoạch, giá bán nhỉnh hơn giá trị trường và nhất là đỡ được công phơi phóng khi thời tiết bất thuận. Song doanh nghiệp, hợp tác xã liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm cho bà con gặp không ít khó khăn do nhiều nội dung chính sách ưu đãi của Nhà nước chưa tới… đối tượng thụ hưởng.

Nông dân liên kết với Công ty TNHH Giống Nông nghiệp Trường Hương Điện Biên thu hoạch lúa trên cánh đồng xã Thanh Yên (huyện Điện Biên).

Gia đình anh Đào Văn Thành, thôn Tiến Thanh, xã Thanh Yên vụ này có 7.000m2 ruộng liên kết với Công ty TNHH Giống Nông nghiệp Trường Hương Điện Biên gieo cấy giống lúa Hương Việt 3. Doanh nghiệp cung ứng giống, vật tư phân bón và được hỗ trợ, hướng dẫn kỹ thuật làm đất, gieo cấy tới khi chăm sóc, phòng bệnh… theo quy trình sản xuất lúa chất lượng cao nên năng suất đạt hơn 6,5 tấn/ha. Với giá thóc tươi được doanh nghiệp thu mua 7.300 đồng/kg ngay tại ruộng và được doanh nghiệp hỗ trợ máy gặt đập liên hoàn trong quá trình thu hoạch nên sức lao động được giải phóng. Anh Thành bảo, liên kết vụ đầu tiên, song hiệu quả kinh tế mang lại hơn mong đợi, nhàn hơn ở nhiều khâu, nhất là không phải gặt đập, phơi phóng thủ công như những vụ trước. Nếu như các vụ trước sản xuất lúa nông dân phải tự lo chi phí mua thóc giống, loay hoay với việc chọn phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… thì nay doanh nghiệp cấp phát hỗ trợ trước đỡ cả khoản chi phí “đầu vào”, đặc biệt là được tiếp cận với cách làm quy mô lớn, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Chính vì những lợi ích trực tiếp này không chỉ gia đình anh Thành mà rất nhiều hộ đã tham gia liên kết với doanh nghiệp để sản xuất lúa chất lượng cao. Ông Lò Văn Hịa, Trưởng nhóm liên kết thôn Tiến Thanh - Nong Vai, xã Thanh Yên thông tin: Do đã nhiều năm liên kết với doanh nghiệp sản xuất lúa chất lượng cao với doanh nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế nên vụ này đã có 40 hộ tham gia với tổng gần 16ha và còn nhiều hộ vẫn muốn được tham gia liên kết với doanh nghiệp để sản xuất và được bao tiêu sản phẩm.

Liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa chất lượng cao tại một số địa phương ở huyện Điện Biên thời gian qua thực sự là “cú hích” trong việc chuyển đổi tư duy, nếp nghĩ cách làm của người nông dân. Từ thói quen làm ăn manh mún bà con bước đầu tiếp cận với cách làm quy mô lớn mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Tuy nhiên “bệ đỡ” trong khâu liên kết từ phía doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư hoạt động sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực này đang bị “hụt hơi” bởi năng lực tài chính hạn chế; chưa được tiếp cận các chính sách thu hút đầu tư vào lĩnh vực này. Ông Nguyễn Thanh Trường, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Giống Nông nghiệp Trường Hương Điện Biên, cho biết: Doanh nghiệp đã đầu tư vào hệ thống dây chuyền, thiết bị sản xuất, nhà xưởng chế biến gạo hơn 6 tỷ đồng. Công suất chế biến gạo 3 tấn/giờ; hệ thống sấy thóc công suất 120 tấn/ngày (4 lò sấy)… Để tạo vùng nguyên liệu chất lượng cao, Công ty đã liên kết sản xuất với nông dân, cung ứng vật tư phân bón, bao tiêu sản phẩm với giá cam kết ít nhất bằng giá thị trường. Tuy nhiên đến nay doanh nghiệp vẫn chưa được thụ hưởng từ chính sách của Nhà nước theo Nghị định số 57/2018/NĐ-CP của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; trong đó có đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh lúa gạo. Cụ thể doanh nghiệp chưa được hỗ trợ đầu tư cơ sở bảo quản, chế biến nông sản; chưa được hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, phát triển thị trường; chưa được hỗ trợ nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao; tiếp cận hỗ trợ tín dụng… Dù đã “gõ cửa” liên tục các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương để được hướng dẫn, hỗ trợ thủ tục sớm tiếp cận với chính sách ưu đãi này nhưng đến nay chính sách vẫn chưa tới được với doanh nghiệp. Trước thực trạng khó khăn đó mà từ quy mô liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm cho nông dân 70ha/vụ, tới vụ này doanh nghiệp đã giảm diện tích liên kết sản xuất lúa xuống còn gần 27ha.

Nhiều sản phẩm gạo chất lượng cao được trưng bày, giới thiệu tại Hội thảo thực trạng và giải pháp thúc đẩy phát triển sản xuất, tiêu thụ lúa gạo chất lượng cao, hiệu quả, bền vững do huyện Điện Biên tổ chức cuối tháng 9 vừa qua.

Không chỉ Công ty TNHH Giống Nông nghiệp Trường Hương Điện Biên khó trong việc tiếp cận chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn mà là tình trạng chung của hầu hết các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này. Bởi vậy tại Hội thảo thực trạng và giải pháp thúc đẩy phát triển sản xuất, tiêu thụ lúa gạo chất lượng cao, hiệu quả bền vững trên địa bàn huyện Điện Biên do huyện Điện Biên tổ chức mới đây có sự tham gia của rất nhiều các sở, ngành tỉnh, doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân tiêu biểu tham gia thì vấn đề tiếp cận chính sách là một trong những nội dung nhận được rất nhiều sự quan tâm. Ông Quản Bá Tới, Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Thanh Yên, cho biết: Không chỉ cần tháo gỡ về vấn đề hạ tầng sản xuất các doanh nghiệp, hợp tác xã rất cần sự quan tâm của Nhà nước, của tỉnh ưu tiên các nguồn quỹ và cơ chế, chính sách hỗ trợ lãi suất vay ưu đãi để đầu tư cho phát triển lúa gạo. Chúng tôi mạnh dạn đề xuất với tỉnh, huyện rà soát lại các gói tín dụng ưu đãi cho phát triển nông nghiệp; xem xét trình tự, thủ tục, điều kiện cho vay vốn… từ đó đồng hành, hướng dẫn, hỗ trợ tốt nhất cho các tổ chức, cá nhân tham gia chuỗi lúa gạo được tiếp cận nhanh nhất nguồn vốn vay. Hiện nay, số doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất, kinh doanh lúa gạo ít. Trên địa bàn huyện chỉ có 4 đơn vị đã được trang bị với 8 lò sấy với công suất 150 tấn/ngày đêm so với nhu cầu và yêu cầu sản xuất, tiêu thụ lúa gạo là rất khiêm tốn. Mặc dù Chính phủ, tỉnh đã có chính sách riêng khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn, trong đó có sản xuất lúa gạo với các quy định cụ thể, như: giảm đến mức thấp nhất các thủ tục hành chính; quy định chính sách ưu đãi sử dụng, thuê đất đai, mặt bằng kinh doanh; ưu đãi về thuế, hỗ trợ tín dụng, đào tạo lao động, phát triển thị trường; hỗ trợ đầu tư các dự án về liên kết, chế biến sâu, ứng dụng khoa học công nghệ… nhưng trên thực tế các chính sách này vẫn chưa phát huy hiệu quả cao nhất nên không dễ dàng thu hút và “giữ chân” doanh nghiệp, hợp tác xã lâu dài.

Còn nhớ năm 2017, UBND tỉnh phê duyệt mô hình cánh đồng lớn được kỳ vọng tạo ra bước đột phá cho sản xuất lúa gạo tại Điện Biên với quy mô ban đầu 31ha. Sau đó mô hình liên tục nhân rộng đến năm 2019 đạt gần 200ha. Song đến năm 2020 - 2021 diện tích này sụt giảm đột ngột còn hơn 100ha, chỉ chiếm 2,5% tổng diện tích lúa của toàn vùng. Nguyên nhân chủ yếu do tiềm lực tài chính của doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực này hạn chế. Theo tính toán, đầu tư 1ha lúa cánh đồng lớn cần đến 50 triệu đồng/vụ. Với 1.000ha lúa liên kết, doanh nghiệp, hợp tác xã phải đầu tư 50 tỷ đồng/vụ chưa kể chi phí đầu tư cho hệ thống sấy lúa, kho chứa, dây chuyền chế biến, si lô bảo quản…

Bài, ảnh: Minh Thùy
Bình luận
Back To Top