Vấn đề hôm nay

Phá “rào cản” về thủ tục hành chính

10:06 - Thứ Hai, 11/10/2021 Lượt xem: 3154 In bài viết

ĐBP - Tại buổi gặp mặt gần đây giữa UBND tỉnh với Hiệp hội DN tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thành Đô tiếp tục nêu vấn đề cần phải quan tâm, thực hiện riết róng, hiệu quả, quyết liệt hơn nữa việc cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi nhất cho doanh nghiệp hoạt động.

Thủ tục hành chính luôn là “rào cản” lớn nhất đối với doanh nghiệp, nhất là khối doanh nghiệp tư nhân khi muốn tham gia làm ăn tại địa phương. Minh chứng là trong các buổi làm việc thường kỳ của UBND tỉnh, giữa Ban Thường vụ Tỉnh ủy với Hiệp hội DN tỉnh, rất nhiều ý kiến của doanh nghiệp, doanh nhân, nhà đầu tư phản ánh về thủ tục hành chính của địa phương còn rườm rà, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Công ty TNHH Giáo dục và Thương mại Hoa Ba xin thủ tục cấp phép đầu tư Trường mầm non 2 năm nay không xong; Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại số 6 xin Dự án làm bến xe tại xã Thanh Minh, TP. Điện Biên Phủ cả thập kỷ nay rồi mà vẫn “án binh bất động”. Thủ tục đầu tư các dự án thủy điện; nông - lâm nghiệp; khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường; giá vật liệu xây dựng tại địa bàn còn nhiều bất cập… là những vấn đề được Hiệp hội DN tỉnh, các nhà đầu tư nói đi nói lại nhiều lần nhưng rồi đâu lại vào đấy. Kiến nghị nhiều nhưng kỳ vọng không được bao nhiêu, đã làm không ít doanh nghiệp, nhà đầu tư nản lòng. Đây cũng là nguyên nhân dẫn tới việc có trên 10 doanh nghiệp xin ra khỏi Hiệp hội từ đầu năm đến nay. Họ cho rằng, doanh nghiệp vẫn “thấp cổ bé họng” trước bộ máy công quyền. Doanh nghiệp liên tục kiến nghị mà chính quyền không lắng nghe, tiếp thu, giải quyết thì vào Hiệp hội cũng không để làm gì!?

Tỉnh ta hiện có trên 1.480 doanh nghiệp (cả Nhà nước và tư nhân). Hàng năm, khối doanh nghiệp đóng góp ngân sách cho tỉnh không nhỏ. Bên cạnh đó, giải quyết công ăn, việc làm cho hàng chục nghìn lao động, với thu nhập ổn định.

Doanh nghiệp, doanh nhân là “trụ đỡ” nền kinh tế. Doanh nghiệp khỏe thì nền kinh tế mạnh và ngược lại. Hai năm gần đây, do ảnh hưởng của Covid-19, hoạt động sản xuất, kinh doanh của rất nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng. Thống kê cho thấy, trong quý II/2021, có 90% doanh nghiệp trong tỉnh phải giảm quy mô sản xuất kinh doanh. Trong đó, 52% doanh nghiệp bị giảm doanh thu trên 70%. Giảm sâu nhất thuộc nhóm ngành, lĩnh vực: thương mại, dịch vụ, du lịch, vận tải  (90% doanh nghiệp giảm doanh thu trên 70%, cắt giảm đến 80% nhân công lao động). Ngành xây dựng (50% doanh nghiệp giảm doanh thu từ  30 - 50%, cắt giảm từ 30 - 30% lao động)…

Ảnh hưởng doanh thu, lợi nhuận là khó khăn chung của cộng đồng doanh nghiệp không chỉ của Điện Biên mà phạm vi cả nước. Chính vì vậy, lãnh đạo tỉnh thống nhất quan điểm là: “Lợi ích thì hài hòa, rủi ro cùng chia sẻ”. Trong điều kiện nền kinh tế gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19, tỉnh giao các sở, ngành liên quan nghiên cứu cơ chế, chính sách của Đảng, Chính phủ và cơ chế đặc thù của tỉnh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp được giảm thuế, giãn thời gian nộp thuế, phí; vay vốn ngân hàng với lãi suất hợp lý, thủ tục vay đơn giản, rút gọn… Cùng với đó là thực hiện các gói an sinh cho người lao động, thanh toán bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động vượt qua cơn “bĩ cực”.

Thực hiện các chính sách về thuế, tín dụng, gói hỗ trợ an sinh… trên địa bàn tỉnh tuy có “độ trễ” so với mong muốn, yêu cầu của doanh nghiệp, người lao động bị thất nghiệp, giảm giờ làm… nhưng dù sao thì những động thái trên cũng thể hiện sự vào cuộc kịp thời, quyết liệt, có trách nhiệm của lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành liên quan.

Quan điểm của tỉnh là tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, doanh nhân làm ăn, phát triển kinh tế, trên cơ sở hài hòa lợi ích. Chính vì vậy, mỗi khi nhận được ý kiến phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp, doanh nhân, nhà đầu tư, tỉnh tiếp thu, nghiên cứu và giao các sở, ngành, bộ phận liên quan phối hợp giải quyết. Con số 78% kiến nghị của doanh nghiệp được giải quyết trong 9 tháng đầu năm đã phần nào chứng minh điều đó. 22% ý kiến còn lại, mặc dù tỉnh đã chỉ đạo cơ quan liên quan giải quyết, nhưng vẫn chưa làm hài lòng doanh nghiệp. Việc này tỉnh tiếp tục ghi nhận và tìm hướng giải quyết trong thời gian tới.

Có thể khẳng định, thời gian qua, lãnh đạo tỉnh rất quan tâm, chú ý lắng nghe, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, doanh nhân. Một mặt đồng hành, sát cánh cùng doanh nghiệp trên lộ trình phát triển, hội nhập kinh tế. Do vậy, lãnh đạo tỉnh mong muốn nhận được nhiều hơn nữa kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp, nhà đầu tư, nhưng phải trên cơ sở cái chung, đúng chủ trương, chính sách, vì “đại cục”, chứ không vì động cơ cá nhân, đố kỵ, ghen gét.

Tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, công tâm, khách quan, bình đẳng, thượng tôn pháp luật cho doanh nghiệp, doanh nhân, nhà đầu tư là mục tiêu và đích đến của tỉnh cả hiện tại và tương lai.

Nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10), chúng ta cùng chúc cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư nhiều sức khỏe, luôn năng động, sáng tạo, bản lĩnh thương trường vững vàng, thường xuyên đổi mới công nghệ, quản trị doanh nghiệp tốt, tiếp cận nhanh thị trường để sản xuất kinh doanh hiệu quả; làm giàu cho mình và thúc đẩy xã hội phát triển.

Tùng Lĩnh
Bình luận
Back To Top