Cần sớm giải quyết kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp

08:19 - Thứ Tư, 13/10/2021 Lượt xem: 2586 In bài viết

ĐBP - Thời gian qua, do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, tỉnh ta không thể thường xuyên tổ chức gặp mặt doanh nghiệp định kỳ theo quy chế phối hợp. Dù vậy, hàng tháng căn cứ vào nội dung kiến nghị của Hiệp hội Doanh nghiệp (HHDN) tỉnh, lãnh đạo tỉnh đã đôn đốc, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tập trung giải quyết những kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp.

Công nhân Công ty Cổ phần Cà phê Hồng Kỳ đóng gói bao bì sản phẩm.

Công trình Thủy điện Nậm Núa 2 do Công ty Cổ phần Đầu tư và Năng lượng Điện Biên làm chủ đầu tư dự kiến xây dựng tại xã Pa Thơm, huyện Điện Biên, thuộc khu vực biên giới (vị trí tuyến đập cách biên giới Việt - Lào khoảng 1km). Để triển khai dự án đảm bảo tiến độ, vừa qua Công ty đã đề nghị UBND tỉnh cùng các sở, ngành tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc hoàn thiện thủ tục pháp lý hồ sơ phê duyệt đánh giá tác động môi trường của dự án. Ngay sau khi nhận được kiến nghị của doanh nghiệp, Hội đồng Thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường tỉnh đã tổ chức đánh giá báo cáo tác động môi trường của dự án. Đồng thời, căn cứ Hiệp định về quy chế quản lý biên giới và cửa khẩu biên giới trên đất liền Việt - Lào để có cơ sở xin hướng dẫn của Bộ Ngoại giao, báo cáo, tham mưu UBND tỉnh hoàn thiện các thủ tục liên quan và trao đổi với tỉnh Phoong Sa Ly (nước CHDCND Lào) theo quy định.

Ông Bùi Mạnh Thắng, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Không chỉ kiến nghị của Công ty Cổ phần Đầu tư và Năng lượng Điện Biên mà thời gian qua các kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp khác đều được tỉnh điều chỉnh, giải quyết theo đúng quy định. Từ đầu năm đến nay, các sở, ban ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố đã tiếp nhận 72 kiến nghị của HHDN tỉnh, trong đó 59 kiến nghị, vướng mắc đã được giải quyết. Ngay sau khi nhận được văn bản kiến nghị của HHDN tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp, đôn đốc các sở, ngành, địa phương trả lời các nội dung kiến nghị, đề xuất.

Mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 song thời gian qua, các doanh nghiệp tại Điện Biên vẫn cố gắng duy trì sản xuất kinh doanh. Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn đã có 80 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký trên 1.520 tỷ đồng; 30 chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh đăng ký hoạt động. Hiện nay, toàn tỉnh có 1.402 doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký 27.815 tỷ đồng và 509 chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của các doanh nghiệp đăng ký hoạt động tại địa phương.

Ông Bùi Đức Giang, Chủ tịch HHDN tỉnh cho biết: Bên cạnh những kiến nghị đã được giải quyết thì đến nay vẫn còn một số kiến nghị dù HHDN tỉnh đã nhận được văn bản trả lời nhưng theo đánh giá thì chưa giải quyết dứt điểm. Đơn cử như: Kiến nghị về những sai phạm trong khai thác đá làm vật liệu xây dựng; về Dự án bến xe khách tỉnh tại xã Thanh Minh (TP. Điện Biên Phủ); về thủ tục thuê đất tại khu đất tổ dân phố 2, phường Thanh Bình, TP. Điện Biên Phủ của Công ty Cổ phần Công trình giao thông tỉnh; về việc bố trí dự án trọng điểm của tỉnh; việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân tham gia góp đất trồng cây cao su; giải tỏa hành lang khu du lịch sinh thái Him Lam và Chợ Trung tâm I; đơn giá nhân công xây dựng, việc quản lý khai thác cát xây dựng...

Thời gian tới, các Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh mong muốn cơ quan chức năng tỉnh sớm giải quyết các kiến nghị chính đáng của doanh nghiệp, đặc biệt là đối với kiến nghị còn tồn đọng. Bên cạnh đó, đẩy mạnh hơn nữa cải cách thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp là mong muốn của hầu hết doanh nghiệp hiện nay. Kịp thời đưa ra những chính sách hỗ trợ, giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất kinh doanh.

Bài, ảnh: Đức Kiên
Bình luận
Back To Top