Vấn đề tuần này

Sớm phục hồi sản xuất

08:26 - Thứ Năm, 14/10/2021 Lượt xem: 4530 In bài viết

ĐBP - Đợt dịch Covid-19 lần thứ tư diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh mọi lĩnh vực trên toàn quốc. Tình hình dịch trên địa bàn tỉnh đến thời điểm này đã cơ bản được kiểm soát, các hoạt động từng bước trở lại trạng thái bình thường mới, thực hiện nghiêm các quy định phòng chống dịch. Để phục hồi sản xuất sau dịch đòi hỏi sự chung sức của cấp ủy, chính quyền và nhân dân cùng cộng đồng doanh nghiệp.

Cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tuy không đông đảo nhưng có hơn 1.400 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký gần 27.000 tỷ đồng, cùng trên 200 chi nhánh, văn phòng đại diện các doanh nghiệp đăng ký hoạt động tại địa bàn tỉnh. Khu vực kinh tế tư nhân đã đóng góp 19.000 tỷ đồng vào GRDP, 1.300 tỷ đồng trong vốn đầu tư phát triển trên địa bàn tỉnh. Đến hết tháng 9 năm nay, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã thực hiện nghĩa vụ nộp ngân sách Nhà nước với số tiền trên 382 tỷ đồng, chiếm 43% tổng số thu ngân sách trên địa bàn. Điều đó cho thấy, cộng đồng doanh nghiệp chính là trụ đỡ của nền kinh tế địa phương.

Hơn một năm qua, cộng đồng doanh nghiệp tỉnh ta bị ảnh hưởng, tác động tiêu cực bởi dịch Covid-19, đặc biệt các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ, du lịch, vận tải. Hoạt động của các doanh nghiệp bị đình trệ, không có doanh thu, thậm chí một số doanh nghiệp dừng hoạt động, cắt giảm phần lớn lao động. Theo thống kê, chỉ trong quý II năm nay có tới 90% doanh nghiệp của tỉnh cắt giảm quy mô sản xuất, kinh doanh; hơn một nửa số doanh nghiệp bị giảm doanh thu trên 70%. Các doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực dịch vụ, du lịch, vận tải bị cắt giảm doanh thu và phải thu hẹp quy mô nhiều nhất khi có tới 90% doanh nghiệp giảm doanh thu trên 70% đồng thời phải cắt giảm hơn 80% lao động. Khi doanh thu không có, hoạt động cầm chừng thậm chí không hoạt động tương ứng với đó là các khoản nộp ngân sách Nhà nước của doanh nghiệp phải nợ đọng. Tại buổi gặp mặt đối thoại với Cục Thuế tỉnh, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh cũng thẳng thắn đề nghị ngành Thuế xem xét hỗ trợ tiền chậm nộp, giảm và gia hạn thời gian nộp thuế, việc tăng giá thuê đất cần hợp lý, tạo điều kiện cho doanh nghiệp ổn định sản xuất kinh doanh, tránh tình trạng thua lỗ, phá sản.

Chia sẻ với những khó khăn của doanh nghiệp, chính quyền các cấp trong tỉnh đã lắng nghe kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ, giải quyết. Trong đó tập trung cải cách thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp, tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi nhất cho doanh nghiệp hoạt động. Trong 9 tháng năm 2021, các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố đã tiếp nhận 72 kiến nghị của Hiệp hội Doanh nghiệp và đã giải quyết 59 kiến nghị, vướng mắc. Thủ tục hành chính về đăng ký doanh nghiệp, đất đai đã được cải cách theo hướng thuận tiện, cắt giảm thủ tục không cần thiết, rút ngắn thời gian giải quyết cho doanh nghiệp. Định kỳ, UBND tỉnh tổ chức gặp mặt, đối thoại với Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, cùng trao đổi những vấn đề vướng mắc tìm cách tháo gỡ, giải quyết để các doanh nghiệp hoạt động ổn định, thuận lợi.

Đến thời điểm này, khi dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh đã cơ bản được kiểm soát, để phục hồi sản xuất, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội thì việc tăng cường tiếp sức cho doanh nghiệp cần được quan tâm thực hiện, nhất là tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp. Việc giảm, giãn nợ thuế và các khoản nộp ngân sách Nhà nước cho doanh nghiệp đã được ngành Thuế tỉnh triển khai theo quy định, chính sách của Chính phủ. Cơ quan thuế cùng chính quyền địa phương đã lắng nghe, ghi nhận những kiến nghị, đề xuất để kịp thời hỗ trợ các doanh nghiệp về chính sách pháp luật thuế đúng quy định, góp phần tạo dựng môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh. Cùng với đó, cộng đồng doanh nghiệp cũng cần xây dựng phương án sản xuất kinh doanh phù hợp điều kiện thực tế, tuân thủ nghiêm các quy định về phòng chống dịch, chủ động tìm kiếm cơ hội phát triển, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ…

Khi dịch bệnh xảy ra tác động tới mọi mặt đời sống xã hội, khó khăn là khó khăn chung không chỉ với cộng đồng doanh nghiệp mà với cả hệ thống chính trị, cấp ủy, chính quyền các địa phương. Vì vậy, để phục hồi sản xuất sau dịch cần sự chung sức, nỗ lực của cơ quan quản lý Nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp, sớm vượt qua giai đoạn khó khăn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

Gia Huy
Bình luận
Back To Top