Cây cao su mở hướng thoát nghèo ở huyện “cửa ngõ”

09:26 - Thứ Bảy, 16/10/2021 Lượt xem: 4523 In bài viết

ĐBP - Sau hơn 10 năm được trồng trên vùng đất “cửa ngõ” Tuần Giáo, tới nay trên khắp triền núi, sườn đồi các xã vùng cao: Nà Sáy, Mùn Chung, Mường Mùn... cây cao su đã phủ một màu xanh bạt ngàn. Đặc biệt, từ năm 2019 những dòng mủ đầu tiên được khai thác, không chỉ góp phần giúp người dân có thêm việc làm, tăng thu nhập mà còn mở ra kỳ vọng cây cao su trở thành cây công nghiệp chủ lực trên vùng đất cửa ngõ, cải tạo môi trường, phủ xanh đất trống đồi núi trọc.

Công nhân Nông trường Cao su Tuần Giáo khai thác mủ cao su.

Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từ năm 2010 huyện Tuần Giáo đã phối hợp với các đơn vị liên quan đẩy mạnh tuyên truyền vận động nhân dân tận dụng, tích cực khai hoang diện tích đất trống, chuyển đổi các loại cây trồng hiệu quả kinh tế thấp sang trồng cao su. Đến nay, sau nhiều năm bén rễ trên vùng đất “cửa ngõ”, cao su đã dần mở ra kỳ vọng trở thành cây công nghiệp giúp nông dân Tuần Giáo xóa đói giảm nghèo, ổn định cuộc sống. Diện tích trồng cao su trên địa bàn huyện Tuần Giáo đạt 1.293ha, chủ yếu tập trung tại 3 xã: Nà Sáy, Mường Mùn và Mùn Chung... với hình thức người dân đóng góp cổ phần bằng đất đã được nhà nước giao.

Ông Nguyễn Văn Huy, Giám đốc Nông trường Cao su Tuần Giáo chia sẻ: Từ năm 2019, những giọt “vàng trắng” đầu tiên bắt đầu cho khai thác với diện tích 259,62ha, tổng sản lượng 247,824 tấn mủ quy khô. 9 tháng đầu năm 2021 diện tích khai thác là 932,83ha, sản lượng ước đạt 585,10 tấn. Điều này đã góp phần đưa ra lời giải cho sự hoài nghi của nhiều người về việc phát triển cây cao su trên vùng đất cửa ngõ, bởi vốn dĩ trước đây cây cao su được biết đến chỉ có thể trồng ở miền Nam với khí hậu nóng, ẩm. Hiện nay, Nông trường đã phối kết hợp với UBND huyện đẩy nhanh tiến độ cấp sổ đỏ cho người dân, trong đó làm các thủ tục cấp sổ đỏ cho các gia đình góp đất, để hưởng 10% tiền sản phẩm. Từ đó, góp phần giúp việc thực hiện ký hợp đồng giữa người dân góp đất với doanh nghiệp, đảm bảo quyền lợi cho các bên khi phân chia sản phẩm vườn cây đưa vào khai thác… Nông trường đã chi trả cho diện tích người dân góp đất năm 2020 với số tiền trên 1,2 tỷ đồng. Ngoài ra, Nông trường tập trung ổn định và tạo thêm việc làm, từng bước nâng cao thu nhập cho công nhân, cũng như các chế độ theo quy định, tích cực tham gia công tác bảo đảm an sinh xã hội trong vùng quy hoạch trồng cao su.

Là xã đi đầu trong phong trào trồng, chăm sóc và phát triển cây cao su, đến nay Nà Sáy có tổng diện tích trên 637,28ha; hơn 500ha cây cao su đã cho khai thác mủ. Ông Lò Văn Hưng, Chủ tịch UBND xã Nà Sáy cho biết: “Trước đây, khi vận động bà con góp đất, trồng thử cây cao su tôi rất băn khoăn, lo ngại, vì sợ cao su cũng giống như một số cây trồng mới từng thử nghiệm rồi thất bại. Từ năm 2019, cây cao su ở xã cho khai thác mủ, mang lại nguồn lợi kinh tế cho bà con nên bà con rất phấn khởi. Hiện toàn xã có gần 500 hộ góp đất trồng cao su; đặc biệt Nông trường cao su góp phần tạo thêm việc làm cho 70 lao động địa phương, thu nhập ổn định từ 4 - 5 triệu/tháng. Hi vọng cao su sẽ trở thành cây trồng chủ lực, cây xóa đói giảm nghèo, giúp bà con cải thiện nguồn thu nhập, ổn định đời sống”.

Con đường dẫn vào cánh rừng cao su của gia đình ông Lò Văn Dóm, bản Hả (xã Nà Sáy) rợp bóng mát, len lỏi dưới những tán cây đã vươn cao. Từ những bỡ ngỡ ban đầu, tới nay cây cao su được ông Dóm chăm bón, vươn xanh, góp phần mang lại nguồn thu nhập đáng kể. Ông Lò Văn Dóm chia sẻ: “Trước kia chưa trồng cao su, gia đình trồng ngô trồng sắn, thu nhập bấp bênh. Từ năm 2009, được sự vận động tuyên truyền, nhà mình đã cải tạo 11ha đất đồi để trồng cây cao su. Sau nhiều năm chờ đợi, năm 2019 gia đình tôi bắt đầu nhận được tiền chia lợi tức từ những sản phẩm mủ cao su đầu tiên. Tới nay, với diện tích 11ha được khai thác, gia đình tôi nhận được hơn 10 triệu đồng, góp phần cải thiện thu nhập, ổn định cuộc sống, yên tâm và tin tưởng hơn vào cây cao su”.

Ngoài góp đất trồng cao su, hiện Nông trường Cao su Tuần Giáo có hơn 200 công nhân và hộ nhận khoán tham gia khai thác mủ với thu nhập từ 4 - 5 triệu đồng/người/tháng. Anh Cà Văn Hoa, bản Hả (xã Nà Sáy) chia sẻ: “Thời gian tôi đi làm chủ yếu là từ 5 - 8 giờ sáng. Vì thế, ngoài làm ở Công ty tôi vẫn có thời gian để lao động sản xuất, chăn nuôi... Đặc biệt, với tiền lương từ 4 - 5 triệu đồng/tháng đã góp phần giúp nhà tôi cải thiện đời sống, nâng cao nguồn thu nhập”. Ngoài tiền lương, các công nhân là đồng bào dân tộc thiểu số còn được công ty hỗ trợ trồng xen canh trên đất cao su; hỗ trợ tiền vốn để phát triển kinh tế hộ gia đình.

Qua quá trình theo dõi, đánh giá của cơ quan chức năng, cây cao su trồng tại Tuần Giáo khá phù hợp với điều kiện khí hậu, đất đai và khả năng phát triển tốt. Năng suất mủ cao su tương đối ổn định, chất lượng mủ tốt. Có thể khẳng định, từ những kết quả về năng suất và chất lượng mủ khai thác, tiền lương, tiền phân chia sản phẩm từ góp đất để trồng cây cao su đã giúp các cá nhân, hộ gia đình trong vùng dự án có thêm nguồn kinh phí để đầu tư phát triển sản xuất, tăng thu nhập. Từ đó, góp phần củng cố niềm tin với chính quyền và nhân dân địa phương, khích lệ người lao động yên tâm gắn bó, cùng với Công ty tích cực tham gia chăm sóc, quản lý và khai thác “vàng trắng” trên vùng đất “cửa ngõ”.

Sầm Phúc
Bình luận
Back To Top