Quản lý chất lượng hàng hóa vùng cao, nông thôn

08:27 - Thứ Hai, 18/10/2021 Lượt xem: 3420 In bài viết

ĐBP - Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 3 phụ trách quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh, vận chuyển, lưu thông hàng hóa trên địa bàn 2 huyện Điện Biên và Điện Biên Đông. Nhằm đảm bảo chất lượng hàng hóa trên địa bàn vùng cao, đặc biệt là trong bối cảnh dịch bệnh, Đội tăng cường kiểm tra, kiểm soát gắn với tuyên truyền, phổ biến những quy định pháp luật kiên quan.

Cán bộ Đội QLTT số 3 kiểm tra nhãn mác hàng hóa tại cửa hàng kinh doanh tạp hóa chợ Văn Biên, xã Noong Hẹt (huyện Điện Biên).

Ông Nguyễn Đăng Trung, Đội trưởng đội QLTT số 3 cho biết: Thời gian qua, khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, hoạt động kinh doanh gặp nhiều khó khăn như: Hàng tồn đọng nhiều, quá hạn; qua thời gian dài chất lượng hàng hóa giảm… Để đảm bảo chất lượng hàng hóa, đặc biệt là các mặt hàng nông sản, thực phẩm có nhu cầu tiêu thụ cao ở vùng cao, nông thôn như: Gia vị, rau, củ, quả, thịt gia súc, gia cầm… đơn vị tăng cường kiểm tra, kiểm soát gắn với thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền ngay tại cơ sở. Bên cạnh đó, đơn vị cũng tham gia tuyên truyền, vận động người dân, các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên địa bàn quản lý không chủ quan, tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo quy định và hướng dẫn của ngành Y tế trong tình hình mới.

Theo thống kê của Đội QLTT số 3, trên địa bàn huyện Điện Biên và Điện Biên Đông có 1.900 thương nhân. Thực hiện chỉ đạo của Cục QLTT tỉnh, UBND các huyện về công tác tăng cường chống hàng giả, hàng kém chất lượng, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, hàng năm, Đội xây dựng chương trình công tác, kế hoạch kiểm tra kiểm soát thị trường cụ thể. Thực hiện nghiêm kế hoạch, chủ động nắm tình hình, tăng cường công tác kiểm tra, xử lý và phổ biến pháp luật đến người dân và các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất, kinh doanh hàng hóa. Vì vậy, các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa và dịch vụ được phát hiện và xử lý kịp thời. Một số vụ việc xảy ra nhưng tính chất, mức độ vi phạm không lớn, chủ yếu là vi phạm về niêm yết giá, nhãn hàng hóa, điều kiện kinh doanh… Tuy nhiên do địa bàn rộng, giao thông đi lại khó khăn, hoạt động sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ, manh mún, các thương nhân trên địa bàn đơn vị quản lý đa số là người dân tộc thiểu số, phương thức kinh doanh, trình độ dân trí còn hạn chế cũng ảnh hưởng đến tiến độ và kết quả kiểm tra, xử lý vi phạm.

Với kinh nghiệm nhiều năm kinh doanh buôn bán, chị Đoàn Thị Oanh, thương nhân tại chợ Văn Biên, xã Noong Hẹt (huyện Điện Biên) chia sẻ: Để kinh doanh có hiệu quả, thu hút được đông khách hàng, tôi lựa chọn nhập về bán những mặt hàng đảm bảo chất lượng, có thương hiệu. Đặc biệt là trong thời điểm dịch bệnh này, tôi thường xuyên kiểm tra hạn sử dụng của các mặt hàng để tránh tình trạng bán hàng đã hết hạn do bị tồn đọng lâu ngày.

Ngoài ra, Đội QLTT số 3 chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng trong công tác trao đổi thông tin, kiểm tra, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về vận chuyển, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật không giấy chứng nhận kiểm dịch, không rõ nguồn ngốc, xuất xứ; không niêm yết giá, lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa trên thị trường để đầu cơ, găm hàng hoặc lợi dụng dịch bệnh để định giá bán bất hợp lý đối với các loại hàng hóa thiết yếu khi thị trường có biến động về cung cầu, giá cả do dịch bệnh Covid-19. Từ đầu năm đến nay đã kiểm tra 287 vụ, phát hiện và xử phạt 37 vụ vi phạm hành chính, nộp ngân sách Nhà nước gần 65 triệu đồng. Trong đó chủ yếu là vi phạm về giá (25 vụ), phạt gần 20 triệu đồng. Thực hiện ký cam kết với 585 thương nhân về chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật trong kinh doanh thương mại, dịch vụ; không kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Đội QLTT số 3 cũng ký quy chế phối hợp với UBND các xã, thị trấn về đấu tranh, phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên địa bàn đội quản lý.

Bài, ảnh: Lan Phương
Bình luận
Back To Top