Chuyển biến trong công tác bảo vệ, phát triển rừng

08:31 - Thứ Hai, 18/10/2021 Lượt xem: 1951 In bài viết

ĐBP - Những năm qua, lực lượng kiểm lâm tỉnh thường xuyên phối hợp với các lực lượng chức năng khác, cấp ủy, chính quyền địa phương tăng cường, chủ động ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm lâm luật. Nhờ đó, tỷ lệ che phủ rừng tăng, số vụ vi phạm pháp luật lâm nghiệp, cháy rừng giảm.

Người dân bản Hồng Sọt, xã Búng Lao, huyện Mường Ảng tuần tra, bảo vệ rừng.

Mường Nhé từng là địa phương gặp nhiều khó khăn trong công tác bảo vệ, phát triển rừng bởi tình trạng dân di cư tự do phá rừng làm nương, song mấy năm gần đây, với sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương, tình trạng dân di cư tự do vào địa bàn đã được kiểm soát; tình trạng phá rừng làm nương giảm nhiều. Điển hình là tại các xã: Sen Thượng, Sín Thầu, Leng Su Sìn... người dân có ý thức bảo vệ, chăm sóc rừng.

Hiện nay xã Sín Thầu có 7 cộng đồng bản, gồm: Tá Miếu, A Pa Chải, Lỳ Mà Tá, Pờ Nhù Khồ, Tả Ko Khừ, Tá Sú Lình và Tả Ko Ki được hưởng tiền dịch vụ môi trường rừng (DVMTR). Được hưởng lợi từ rừng nên ý thức bảo vệ, giữ rừng của nhân dân Sín Thầu rất tốt; mỗi bản đều xây dựng hương ước bảo vệ rừng, mỗi người dân là một “người bảo vệ” rừng. Hiện nay tỷ lệ che phủ rừng của xã đạt trên 70%, nhiều năm qua trên địa bàn không xảy ra phá rừng, cháy rừng hay mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép.

Huyện Điện Biên cũng là địa phương có tỷ lệ che phủ rừng cao với 51,98%. Thời gian qua, lực lượng chức năng, chính quyền các xã trên địa bàn huyện đã có nhiều nỗ lực trong công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng, chống cháy rừng. Kiểm lâm địa bàn tăng cường bám cơ sở, nắm bắt thông tin, thường xuyên kiểm tra và phối hợp với các tổ chức, đoàn thể tuyên truyền về Luật Lâm nghiệp và các quy định liên quan đến lĩnh vực lâm nghiệp đến từng thôn, bản trên địa bàn được phân công phụ trách. Nhờ đó, các vụ vi phạm pháp luật về lâm nghiệp đã giảm rõ rệt.

Ông Vì Văn Khiên, Trưởng bản Mường Pồn 1, xã Mường Pồn (huyện Điện Biên) chia sẻ: Bản Mường Pồn 1 được giao quản lý và chăm sóc trên 400ha rừng, mỗi năm bản được chi trả từ 450 - 500 triệu đồng tiền DVMTR. Nhờ công tác tuyên truyền của cán bộ kiểm lâm, cán bộ Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh, dân bản đã nhận thức được phải bảo vệ rừng tốt thì mức chi trả tiền ngày càng cao. Vì thế những năm qua nạn phá rừng làm nương đã chấm dứt hẳn, bản đã xây dựng quy ước bảo vệ rừng, thành lập tổ tuần tra bảo vệ, phòng cháy chữa cháy rừng.

Trao đổi kết quả công tác bảo vệ, phát triển rừng trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua, ông Hà Lương Hồng, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết: Dù gặp nhiều khó khăn do thiếu nhân lực trong khi diện tích quản lý rừng lớn với 694.000ha rừng phòng hộ, rừng sản xuất, rừng đặc dụng, song năm 2020 tỷ lệ che phủ rừng của Điện Biên tiếp tục tăng 0,41% so với năm 2019, đã góp phần nâng tỷ lệ che phủ rừng toàn tỉnh đạt 42,66%, hoàn thành mục tiêu Nghị quyết Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đề ra. Kết quả này không chỉ phản ánh nỗ lực của cán bộ, công chức ngành kiểm lâm mà còn cho thấy sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành và đặc biệt là ý thức của người dân về công tác bảo vệ, phát triển rừng được nâng lên rõ rệt.

Bài, ảnh: Mai Khôi
Bình luận
Back To Top